Động thái của Mỹ cho thấy sự bất đồng đang tăng lên giữa Washington và Seoul trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Giới chức Mỹ lo ngại những thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, trong đó có việc lập vùng cấm bay ở biên giới hai miền, có thể làm suy yếu khả năng sẵn sàng phòng thủ và không đưa tới tiến bộ đáng kể nào về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên hôm nay cho biết.
Theo thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần ba tại Bình Nhưỡng tháng trước, Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất dừng “toàn bộ các hành động thù địch”, lập vùng cấm bay quanh biên giới và tháo dỡ mìn, trạm gác ở Khu phi quân sự.
Khu vực cấm bay có hiệu lực từ ngày 1/11, sẽ mở rộng 40 km về phía bắc và nam ở đông Đường Phân giới quân sự (DML) và 20 km về phía tây. Khu vực cấm bay là mối quan tâm của Mỹ vì nó sẽ ngăn chặn hiệu quả các cuộc tập trận tấn công yểm trợ mặt đất.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuần trước cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi điện cho bà để bày tỏ “sự không hài lòng” về các thỏa thuận giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Giới quan sát cho rằng đây là tiết lộ hiếm hoi cho thấy Mỹ và Hàn Quốc đang bất đồng trong vấn đề Triều Tiên.
Theo giới chức Hàn Quốc, Mỹ nhiều khả năng không công khai phản đối các sáng kiến giữa Seoul và Bình Nhưỡng nhưng việc Washington tiếp tục thực thi lệnh trừng phạt và hoạt động quân sự có thể khiến các chính sách bị trì hoãn hoặc thay đổi.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan cũng từ chối bình luận về thỏa thuận Hàn – Triều nhưng cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ nỗ lực giảm căng thẳng quân sự. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định Seoul vẫn hợp tác chặt chẽ với Washington.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 16/10 đăng bài bình luận dài gần 1.700 từ chỉ trích Mỹ đang “chơi trò hai mặt”, phá hủy cơ hội ngoại giao hiếm hoi giữa hai quốc gia với các lệnh trừng phạt. Bài viết được đăng hai tuần sau khi Pompeo tới Bình Nhưỡng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Triều Tiên muốn Liên Hợp Quốc xóa bỏ những lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy kho vũ khí hạt nhân. Mỹ trong khi đó khẳng định phải tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt tới khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.