Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 của VN sẽ...

Cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 của VN sẽ có hỏa lực vượt trội: Xứng tầm soái hạm?

Thông tin tiết lộ từ Tổng thống nước Cộng hòa tự trị Tatarstan (thuộc Nga), ông Rutstam Minnikhanov cho biết Việt Nam có kế hoạch đặt mua thêm các tàu hộ vệ tên lửa Gepard.

Việt Nam có thể đặt mua thêm tàu Gepard

Các nguồn tin từ Nga cũng cho biết Việt Nam mong muốn trang bị bệ phóng tên lửa Klub-N (phiên bản xuất khẩu của tên lửa Kalibr-NK) trên các tàu hộ vệ tên lửa mới này.

Nhà máy Zelenodolsk trước đây cũng từng chế tạo tàu hộ tống Dagestan thuộc đề án 11661K (phiên bản Gepard nội địa của Nga) với bệ phóng tên lửa Kalibr-NK.

Tuy nhiên, đây vẫn là con tàu dựa theo thiết kế cũ, còn các tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Việt Nam đã được thiết kế lại hoàn toàn. Ngoài ra, Viện thiết kế và Nhà máy Zelenodolsk cũng trưng bày 1 thiết kế tàu Gepard mới với bệ phóng Kalibr-NK, pháo A-190E, hệ thống phòng thủ Palma,… như hình dưới.

Tuy nhiên, cần biết rằng cấu hình như trên vốn được nhà máy Zelenodolsk chào hàng cho Hải quân Nga nhằm cạnh tranh trực tiếp với đề án 20380 lớp Tiger.

Tuy nhiên, sau đó kết quả là Hải quân Nga vẫn chỉ chọn các tàu hộ tống đề án 20380 và Nhà máy Zelenodolsk buộc phải mang thiết kế này đi chào bán cho các khách hàng nước ngoài.

Cặp tàu Gepard mới sẽ sở hữu nhiều điểm vượt trội

So sánh với 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard mà Hải quân Việt Nam đang vận hành, thiết kế trên có nhiều điểm khác biệt như:

– Pháo chính sử dụng loại A-190E cỡ nòng 100mm, các tàu Gepard hiện tại của Việt Nam sử dụng pháo AK-176M/MA cỡ nòng 76mm);

– Sử dụng 2 hệ thống CIWS Palma trong khi 4 tàu Gepard hiện tại của Việt Nam dùng 2 pháo AK-630M ở vị trí tương tự;

– Thiết kế trên cũng có nhà chứa trực thăng trong khi tất cả 4 tàu hiện tại của Việt Nam đều sử dụng loại nhà chứa nửa kín nửa hở.

Do vậy, Viện thiết kế Zelenodolsk đã cho ra đời thêm một số thiết kế khác của tàu Gepard sử dụng tên lửa Klub-N và một trong số đó có hình dáng gần tương đồng nhất với 4 tàu Gepard hiện tại của Việt Nam.

Mẫu thiết kế này chưa từng được Viện thiết kế hay Nhà máy Zelenodolsk công bố trước đó. Ở mẫu này chúng ta có thể thấy vị trí đặt 2 bệ phóng KT-184 dùng cho tên lửa Uran-E đã bị loại bỏ và lắp đặt 1 bệ phóng UKSK 3S-14E với 8 ống phóng dùng cho tên lửa Klub-N.

Thiết kế này cũng cực kỳ giống với các tàu Gepard hiện tại của Việt Nam như: vẫn dùng pháo AK-176M/MA, 1 hệ thống CIWS Palma phía trước thượng tầng, 2 pháo AK-630M phía sau cùng nhà chứa trực thăng dạng nửa kín nửa hở.

Đặc biệt hơn, cấu hình này rất giống thiết kế ở cặp tàu Gepard thứ 2 của Việt Nam với một số điểm như sau:

– Phía trước phần thượng tầng của nó được thiết kế thêm hành lang (vòng xanh), đây là thiết kế chỉ có ở cặp tàu Gepard thứ 2.

– Vị trí đặt ống phóng ngư lôi với thiết kế vát (vòng đỏ) tương tự như ở cặp tàu Gepard thứ 2.

– Vị trí đặt radar hàng hải ở phía sau tàu (vòng đen) tương tự như ở cặp tàu Gepard thứ 2. Ở cặp tàu Gepard đầu tiên không có radar hàng hải tại vị trí này mà chỉ có phía trên thượng tầng.

Bên cạnh mẫu thiết kế trên, tại triển lãm LIMA 2017, Nhà máy Zelenodolsk cũng lần đầu tiên giới thiệu 1 thiết kế tàu hộ vệ tên lửa Gepard được vũ trang rất mạnh.

Theo đó, tàu được trang bị đến 2 bệ phóng UKSK với tổng cộng 16 ống phóng thẳng đứng dùng cho tên lửa Klub-N.

Vị trí đặt ống phóng cũng nằm giữa thân tàu. Đây là lần đầu tiên Nga trang bị đến 16 ống phóng thẳng đứng Klub-N cho 1 tàu hộ tống với lượng giãn nước khoảng 2.000 tấn.

Phía trước thượng tầng được trang bị các bệ phóng thẳng đứng cho tên lửa phòng không (theo dự đoán là phiên bản Tor-M2KM dành cho tàu chiến).

Nếu lựa chọn cấu hình này thì các tàu hộ vệ tên lửa Gepard sẽ có khả năng tác chiến cực kỳ mạnh mẽ, xứng tầm là soái hạm mới của Hải quân Việt Nam. Với 16 ống phóng thẳng đứng dùng cho tên lửa Klub-N sẽ cho phép thực hiện đa dạng nhiều nhiệm vụ.

Các tàu bố trí 8 ống phóng thì khả năng tác chiến hạn chế do số lượng tên lửa mang theo ít hơn. Ngoài ra, với bệ phóng tên lửa phòng không thẳng đứng cũng ưu việt hơn so với các tên lửa Sosna-R của hệ thống Palma.

RELATED ARTICLES

Tin mới