Ngay khi Trung Quốc bắt đầu ra tay tháo ngòi “bom nợ”, cuộc chiến thương mại với Mỹ lại buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải làm chậm lại quá trình này.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đang đứng trước bờ vực vỡ nợ.
Trong những năm gần đây, các dự án đầu tư khổng lồ đã giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hai con số, đưa nước này trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, cái giá của tăng trưởng là “núi nợ” ngày càng cao, khiến chính quyền Bắc Kinh phải tìm cách chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Nền tảng của kế hoạch này là tăng trưởng dựa trên tiêu dùng thay vì đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang đang làm kinh tế Trung Quốc trì trệ và khiến quá trình trả nợ chậm lại.
Các nhà kinh tế nước này đang nhìn rõ hơn viễn cảnh tất cả hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ đều bị đánh thuế. Điều này sẽ khiến Bắc Kinh buộc phải tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ để tránh những cú sốc về kinh tế.
Gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp các ngân hàng thương mại có nhiều tiền cho vay hơn, kích thích nền kinh tế gia tăng vay vốn.
“Những chính sách như vậy cho thấy sự chuyển dịch trong mô hình tăng trưởng của Trung Quốc ít nhiều đang bị chậm lại. Chúng ta sẽ thấy các biện pháp nới lỏng tiền tệ xuất hiện nhiều hơn nữa”, chuyên gia kinh tế Le-Gang Liu tại Citi nhận định.
Theo một báo cáo mới của Citi, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc có thể tăng thêm 12,3% lên 274,5% vào cuối năm nay.
“Phản ứng của thị trường không phải không có lý do. Theo quan điểm của chúng tôi, đó là những lo ngại về tính bền vững của Trung Quốc và nguy cơ rủi ro tài chính đang gia tăng”, báo cáo của Citi viết.
Giám đốc điều hành Andrew Collier tại viện nghiên cứu Orient Capital Research cho rằng nền kinh tế nợ của Trung Quốc đã xuất hiện những “vết rạn”.
“Tôi không lạc quan về sự trì hoãn này và mức nợ dù dậm chân tại chỗ hay tăng thêm cũng đều là thảm họa”, Collire nói trong một cuộc họp ngày 10/10.