Bản tin Biển Đông ngày 26/10/2018.
Trung Quốc thề bảo vệ Biển Đông và Đài Loan bằng mọi giá
Ngày 25/10, hãng Aljazeera đưa tin, phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thề sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc lãnh thổ, dù đó là Đài Loan hay Biển Đông. Tường Ngụy cho biết, mối quan hệ quân sự của Trung Quốc với Mỹ rất quan trọng và nhạy cảm, Đài Loan là lợi ích “cốt lõi” và Bắc Kinh phản đối việc phô trương sức mạnh của “các thế lực bên ngoài” tại Biển Đông. Bắc Kinh đã bị kích động bởi các hành động gần đây của Mỹ, trong đó có cuộc chiến thương mại, việc Washington ủng hộ Đài Loan và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa tuyên bố “các đảo ở Biển Đông từ đâu đã là lãnh thổ Trung Quốc. Đây là di sản của tổ tiên chúng tôi và chúng tôi không thể để mất một tấc nào”. Đồng thời, tướng Ngụy cũng khẳng định “Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành mối đe dọa với các nước khác. Không tính đến mức độ phát triển, chúng tôi sẽ không tìm kiếm sự bá quyền, chúng tôi sẽ không can dự vào bất cứ sự mở rộng quân sự hay chạy đua vũ trang”.
Cựu Thủ tướng Australia: Biển Đông gợi nhớ về sự bắt đầu của Chiến tranh Thế giới thứ nhất
Ngày 26/10, theo hãng SBS của Australia đưa tin, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã cảnh báo về sự nguy hiểm của tình hình Biển Đông hiện nay sau khi có thông tin về việc Hải quân Australia sẽ tăng cường hiện diện tại vùng biển này cũng như việc phát triển các căn cứ quân sự của Australia tại Papua New Guinea và Fiji để chống lại sức mạnh của Trung Quốc. Ông Rudd cho rằng hiện không có quá nhiều vũ khí ở Biển Đông, tình hình tương tự như hồi đầu Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Ông Rudd nhận xét “Vào đầu năm 1914, không ai nghĩ chiến tranh có thể xảy ra. Và đến tháng 8, súng đã bắt đầu khai hỏa. Khi chủ nghĩa dân tộc xuất hiện, đôi khi các phán xét về chính trị hợp lý phải lui bước. Đó là vấn đề chúng ta đang đối mặt.”
Chủ động ở Biển Đông
Ngày 25/10, The ASEAN Post đăng bài viết của Eijas Ariffin, cho rằng trong vòng 5 năm qua, vấn đề Biển Đông đã trở nên ngày càng phức tạp. Với việc yêu sách quyền lịch sử hầu hết Biển Đông và bác bỏ chiến thắng của Philippines trước Tòa Trọng tài, sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển này đã trở nên nổi trội hơn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này không hề giấu diếm về sự hiện diện quân sự tại đây, bao gồm việc triển khai tên lửa chống tàu, tên lửa đất đối không, thiết bị làm nhiễu điện tử, và gần đây là hạ cánh máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại đảo Phú Lâm.
Mỹ đã thể hiện sự lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở khu vực. Đối với Washington, đây không chỉ là vấn đề an ninh của các nước láng giềng bị đe dọa mà sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực có thể còn đe dọa đến lợi ích địa chính trị của Mỹ. Về ASEAN, cả khối đã cho thấy lập trường tương đối thống nhất liên quan đến các hoạt động quân sự ở Biển Đông. ASEAN nhận thức bản thân khối chỉ có ít quyền lực để giữ cho Biển Đông tránh xa tầm ảnh hưởng của cả Mỹ hay Trung Quốc. Do vậy, ASEAN chọn cách hành động như một nhà trung gian giữa hai cường quốc quân sự với mục tiêu tối thượng là bảo vệ lợi ích của khu vực. Hội nghị ADMM và ADMM+ gần đây cho thấy ASEAN đã tiến hành các bước đi chủ động nhằm bảo đảm an ninh ở Biển Đông. Trong Tuyên bố chung sau Hội nghị, các Bộ trưởng khẳng định họ đang tập trung vào tiến hành hoạt động tập trận chung và phát triển quy tắc trên biển nhằm giảm thiểu các nguy cơ va chạm và quản lý các vụ việc trên biển.
Một số nhà quan sát cảm thấy rằng, với việc gắn kết với Trung Quốc, ASEAN đang đứng về phe Cộng sản thay vì với Mỹ, do đó xuất hiện lo sợ rằng điều này sẽ làm giảm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã trấn an rằng điều này không trái với lợi ích của cả khối. Theo Hoàng Thị Hà, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS – Yusof Ishak của Singapore, cuộc tập trận giữa ASEAN và Trung Quốc “không phải một dạng trò chơi chiến tranh để kiểm nghiệm sự sẵn sàng chiến đấu trong các tình huống xung đột. Cuộc tập trận này có mục đích thực tiễn và xây dựng trong việc tăng cường trao đổi thực tiễn và phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn, áp dụng Bộ quy tắc phòng tránh va chạm bất ngờ trên biển và sơ tán y tế”. Ngoài ra, vì lợi ích giữ gìn vùng biển, một cuộc tập trận trên biển giữa ASEAN và Mỹ cũng đã được lên kế hoạch triển khai vào năm sau. Hoàng Thị Hà chia sẻ “tầm nhìn rộng hơn của ASEAN là gắn kết không chỉ với các cường quốc mà với tất cả các đối tác nhằm giúp ngăn ngừa việc trật tự khu vực bị lệch theo quỹ đạo của một quốc gia đơn lẻ nào đó”.
Comments are closed.