Bản tin Biển Đông ngày 29/10/2018.
Tập Cận Bình thúc giục quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh
Ngày 27/10, China Daily đưa tin, ngày 25/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát đến Bộ Tư lệnh Quân khu phương Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), kêu gọi phát triển Bộ Tư lệnh mạnh mẽ và hiệu quả để tăng cường khả năng chiến thắng trong chiến đấu; thúc giục các binh sĩ nâng cao năng lực chỉ huy, chiến đấu và phối hợp để bảo vệ tốt hơn sự ổn định và nhân dân gần biên giới phía Nam đất nước. Bộ Tư lệnh Quân khu phương Nam là một trong năm Bộ Tư lệnh của PLA, phụ trách 6 tỉnh phía Nam và khu vực Biển Đông. Ông Tập phát biểu “các đồng chí đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, đóng vai trò then chốt trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích trên biển của quốc gia”, bày tỏ hy vọng các binh sĩ có thể “hoàn thành các nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý này”. Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị các binh sĩ chú ý đến tình hình luôn thay đổi, nâng cao khả năng phân tích và đánh giá sắc bén, cân nhắc và tối ưu hóa các kế hoạch phản ứng cho các tình huống phức tạp khác nhau, tăng cường đào tạo chiến đấu thực tế và cải tiến bộ máy chỉ huy để bảo đảm truyền đạt chỉ đạo hiệu quả, do đó tăng cường khả năng PLA chiến thắng trong chiến tranh hiện đại.
Trung Quốc thua Philippines trước Tòa, liệu có thắng thông qua hoạt động khai thác chung?
Ngày 29/10, nhân chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Rappler đăng bài viết phân tích khả năng được mất nếu Philippines và Trung Quốc đạt được thỏa thuận khai thác chung ở Biển Đông. Đây là vấn đề chính được mọi người kỳ vọng trong chuyến thăm lần này của ông Vương Nghị – diễn biến mới nhất trong chuỗi các cuộc gặp qua lại giữa Manila và Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh vấn đề khai thác chung. Một số chuyên gia cho rằng, khai thác chung là cách để Trung Quốc giành lại phần thắng sau khi thua Philippines trước Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Philippines này là lần thứ hai trong năm nay phải chăng là để dọn đường cho chiến thắng của Trung Quốc? Dự kiến, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. và quản lý kinh tế của Tổng thống Duterte để trao đổi về các vấn đề liên quan. Trước đây, cựu Ngoại trưởng Philippines Alan Cayetano từng phát biểu bày tỏ lo ngại về vấn đề thăm dò và khai thác chung, cho biết Manila theo đuổi tỷ lệ phân chia lợi nhuận Philippines – Trung Quốc là 60-40. Ông Cayetano cho rằng, để đạt được một thỏa thuận tương tự như Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, Philippines sẽ phải “gác các đòi hỏi về lãnh thổ và quyền chủ quyền sang một bên nhưng không từ bỏ”, đồng thời “hãy hợp tác trước và nói về ai sở hữu cái gì, ai có quyền tài phán sau”. Do vậy, sẽ rất đáng lưu ý để theo dõi người kế nhiệm của ông Cayetano, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. sẽ nói gì về vấn đề này trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc.
Quan hệ an ninh ASEAN, Trung Quốc nhảy vọt
Ngày 28/10, Hoàn Cầu Thời báo đăng bài viết của tác giả Ge Hongliang, nghiên cứu viên tại Viện Charhar, Giám đốc Trường Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học các dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc, đánh giá về mối quan hệ an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc. Bài viết cho rằng cuộc tập trận chung trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc vừa qua là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á đã nâng cấp quan hệ quân sự và quốc phòng, tiến thêm một bước vững chắc trong bảo đảm an ninh ở Biển Đông. Vấn đề bảo đảm an ninh tại khu vực này đã từ lâu là một trong những nội dung trọng tâm giữa ASEAN và Trung Quốc. Để hoạt động tập trận chung lần đầu tiên này được diễn ra, hai bên đã phải vượt qua nhiều khó khăn, có cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Hoạt động này được coi là kết quả của sự nâng cấp trong quan hệ quân sự. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt nhiều tiến triển trong hợp tác quốc phòng với các nước, trong đó có Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar. Việc hợp tác sâu hơn có thể góp phần tạo sự thay đổi trong quan điểm của ASEAN về hợp tác an ninh khu vực. Trước đây, ASEAN từng ngần ngại phát triển quan hệ quốc phòng với các nước khác. Nhưng nay, khi cộng đồng an ninh ASEAN đang có đà phát triển, việc làm sâu sắc mối quan hệ quốc phòng với các quốc gia khác vì một trật tự an ninh khu vực ổn định là điều bắt buộc đối với các nước thành viên ASEAN. Hơn nữa, tại khu vực Biển Đông, ngày càng có sự phát triển không đồng đều và bất ổn gia tăng. Đối với các nước ASEAN, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đang xói mòn vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đối với Bắc Kinh, chính sách diều hâu của Washington về Biển Đông cũng khiến hai nước có thêm nhiều mâu thuẫn. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở Biển Đông và đưa ra trách nhiệm lớn hơn để bảo vệ an ninh của chính mình.
Bài viết cho rằng, trước thành công của cuộc tập trận chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc, cần phải nhận ra rằng các nước có nhiều việc phải làm để bảo đảm an ninh ở Biển Đông và vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Và cũng cần lưu ý rằng ASEAN sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận với các nước khác ngoài khu vực, kể cả Mỹ.