Nhiều công ty lớn đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang các khu vực tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh họa: Reuters
Chuyển hướng sản xuất
Asian Nikkei Review mới đây đã dẫn một khảo sát từ các công ty ở Mỹ và Trung Quốc cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang gặt hái nhiều lợi ích quan trọng trong chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này.
Tất cả những công ty Mỹ và Trung Quốc tham gia khảo sát đều cho biết họ đang gánh chịu nhiều hậu quả từ chiến tranh thương mại, mất nhiều thị phần vào tay các công ty tới từ Việt Nam. Khảo sát nói trên đã được đăng tải vào ngày 29/10 bởi Phòng Thương mại của Mỹ tại Quảng Châu.
Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cho biết khối lượng sản phẩm bán ra cũng sụt giảm tương tự như những công ty tới từ Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Mỹ, công ty tới từ Đức và Nhật Bản là những đối thủ khó cạnh tranh nhất.
Từ tháng 7, tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng mức thuế trừng phạt trị giá 250 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc nhằm thúc đẩy Bắc Kinh thay đổi các chính sách công nghiệp then chốt. Để phản ứng lại, Trung Quốc đã đáp trả mức thuế tương ứng 60 tỉ USD với hàng xuất khẩu từ Mỹ.
Phần lớn các công ty Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thuế quan. Tuy nhiên, rất đáng ngạc nhiên khi tỉ lệ các công ty Mỹ phản đối thuế quan cao hơn rất nhiều so với công ty Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng lớn nhất của chiến tranh thương mại là lợi nhuận sụt giảm, nhưng chỉ có 20% trong số 219 công ty tham gia khảo sát cho biết thiệt hại doanh số lớn hơn 10 triệu USD.
Ngoài ra, với nguy cơ cuộc chiến thuế quan sẽ tiếp diễn, hầu hết các công ty cho biết sẽ thay đổi quy trình sản xuất – kể cả lắp ráp hoặc nguồn nhập nguyên liệu. Đông Nam Á hiện tại là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của những công ty này.
Một số doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện kế hoạch nói trên. Ví dụ, Panasonic đang đưa dây chuyền sản xuất ô tô từ Trung Quốc tới Thái Lan, Malaysia và Mexico.
Công ty GoerTek của Trung Quốc – nơi sản xuất tai nghe không dây cho Apple – đã nêu ý định chuyển một số công đoạn lắp ráp sang Việt Nam. Nhà sản xuất polyester của Trung Quốc Zhejiang Hailide New Material đang đầu tư 155 triệu USD vào một nhà máy tại Việt Nam với mục tiêu xuất khẩu sang Mỹ.
Chiến tranh thương mại sẽ kéo dài
Theo khảo sát, gần một nửa các công ty cho biết chiến tranh thương mại còn có ảnh hưởng khác bên cạnh cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Ví dụ, 44% cho biết thủ tục thông quan đã chậm lại trong khi 38% khác cho rằng hải quan các nước đã tăng cường khám xét và việc xin thủ tục tốn nhiều thời gian hơn.
Kết quả của cuộc khảo sát lần này phản ánh tương tự với kết quả một khảo sát khác được thực hiện trước đây vài tuần với sự tham gia của 430 thành viên của phòng thương mại Mỹ tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Điểm khác biệt lớn nhất là gần 2/3 công ty tham gia khảo sát trước đây cho biết không có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp vào tháng tới bên lề Thượng đỉnh G20 tại Argentina, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng khó có tín hiệu tốt trong cuộc chiến thương mại.
Đối với các công ty Mỹ, 54% nhận định thuế quan của ông Trump không đem lại hiệu quả tích cực hoặc cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong khi đó, phần lớn các công ty Trung Quốc lại cho rằng thuế quan là điều kiện để “tăng cường chuyển hóa và nâng cấp nền kinh tế Trung Quốc”.
Ngân hàng Phát triển Châu Á đã giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2019 của châu Á từ 5,9% xuống 5,8%, ghi nhận rằng chiến tranh thương mại không ảnh hưởng tương đương tới tất cả các nước bởi “việc giao dịch sẽ được tái điều chỉnh trên quy mô quốc tế với những nền kinh tế sản xuất sản phẩm thay thế, qua đó đem lại lợi nhuận lớn cho khu vực Đông Nam Á”.