Hôm 31/8 vừa qua, Bộ Chính trị Trung Quốc đã công khai thừa nhận về những áp lực mà nền kinh tế nước này đang gặp phải trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ảnh minh họa: CNS.
Sự lo ngại ngày càng gia tăng
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) dẫn nguồn Tân Hoa Xã đưa tin, hôm 31/8 vừa qua, Bộ Chính trị Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chính thức rằng nền kinh tế nước này đang đối mặt với “áp lực suy giảm ngày càng tăng cao”, cùng với đó là “những thay đổi sâu sắc” trong môi trường nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên cơ quan hoạch định chính sách tối cao của Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, công khai bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển chậm của nền kinh tế nước nhà, đồng thời thừa nhận về những áp lực mà nước này đang phải đối mặt kể từ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra.
SCMP cho biết, tuyên bố mới đây của Bộ Chính trị Trung Quốc đã có thay đổi đáng kể so với 3 tháng trước đó, khi cơ quan này chỉ đơn thuần đề cập tới những thay đổi “đáng chú ý” ở môi trường bên ngoài, nghĩa là tính chất nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại đã được “nói giảm nói tránh” đáng kể.
Tuyên bố ngày 31/8 của Bộ Chính trị Trung Quốc được đưa ra sau khi các chỉ số kinh tế được công bố cho thấy mức tăng trưởng chậm chạp đáng lo ngại trong ngành sản xuất và dịch vụ của nước này.
Lí do xảy ra tình trạng này là bởi các nhu cầu về mặt hàng sản xuất của Trung Quốc – cả ở thị trường nội địa và nước ngoài – đều giảm mạnh so với trước đó; theo Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI).
Các chuyên gia cho rằng đà suy giảm này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhất là sau khi số liệu mới được công bố vừa qua cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,5% trong quý III năm nay, chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Điều này cho thấy viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc nếu cuộc chiến thương mại vẫn còn tiếp tục.
Cũng trong tuyên bố hôm 31/10 vừa qua, Bộ Chính trị Trung Quốc đã thừa nhận rằng các doanh nghiệp của nước này đang phải đối mặt với “rất nhiều khó khăn, và các rủi ro đã tồn tại và tích lụy trong một thời gian dài”.
“Chúng ta cần tập trung chú ý đến tình trạng này, và chuẩn bị sẵn sàng để có những phản ứng kịp thời.
Chúng ta cũng cần tăng cường cải cách và mở cửa để tập trung vào những vấn đề cốt lõi và tìm ra giải pháp mục tiêu… Chúng ta cần giải quyết vấn đề của mình, sau đó mới tìm đường hướng phát triển chất lượng cao”, theo tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc.
Cùng ngày, cơ quan hoạch định chính sách tối cao của Trung Quốc đã tổ chức buổi thảo luận chuyên đề về vấn đề trí thông minh nhân tạo (AI) theo chỉ đạo của ông Tập, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển, kiểm soát và sử dụng công nghệ AI để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghệ – kỹ thuật trong tương lai.
Ông Tập cũng nhấn mạnh tham vọng thống lĩnh về kĩ thuật không đổi của Bắc Kinh, bất chấp những cáo buộc ăn cắp sở hữu trí tuệ hay cạnh tranh không công bằng của Washington đối với nước này.
Lãnh đạo Trung Quốc thay đổi quan điểm?
Một điều khá bất thường là Bộ Chính trị Trung Quốc không hề nhắc tới phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo thông lệ thường được tổ chức vào khoảng thời gian này.
Một số ý kiến cho rằng giới chức Trung Quốc có thể đang chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ (dự kiến tổ chức vào ngày 6/11 tới), trước khi tiến hành tổ chức sự kiện quan trọng nói trên.
Ông Shen Jianguang, Giám đốc tài chính của tập đoàn JD, nhận định rằng có vẻ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi quan điểm về triển vọng phát triển kinh tế của nước này, và đang chuẩn bị tinh thần để đương đầu với những hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
“Lần này, họ không còn khẳng định nền kinh tế Trung Quốc ‘ổn định và đang trên đà phát triển tốt’ nữa”, ông Shen nói.
Trong tuyên bố hôm thứ 4 vừa qua, Bộ Chính trị Trung Quốc đã sử dụng cụm từ “ổn định và có một vài phát triển nhất định” để nói về tình hình kinh tế trong 3 quý đầu năm 2018.
Do đó, các lãnh đạo Trung Quốc quyết định sẽ tiếp tục áp dụng “chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng”, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu “ổn định” việc làm, tài chính, nguồn vốn nước ngoài, các khoản đầu tư và kỳ vọng của họ về nền kinh tế.
Một điểm mới nữa trong phát biểu lần này của Bộ Chính trị Trung Quốc, theo SCMP, là thông điệp về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân. Trong cuộc gặp 3 tháng trước đó, cơ quan này đã đặt trọng tâm vào phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế, chứ không hề nhắc đến thành phần kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng được đề cập tới trong bài phát biểu vừa qua của Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong số các vấn đề nổi cộm hiện nay, việc thị trường chứng khoán liên tục lao dốc cũng là một điều đáng báo động đối với các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh.
Ngoài ra, các lãnh đạo Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng nước này cần tiếp tục mở cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài và “duy trì những quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài” tại Trung Quốc.