Với tối hậu thư được ngụy trang, Washington đã đẩy một quả bóng xịt về phía Bắc Kinh, khiến đối thủ không thể làm gì hơn là chấp nhận thua cuộc.
Đá quả bóng xịt!
Ngày 31/10, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề ấn định bất kỳ biện pháp bổ sung các loại thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mà ngược lại còn có thể quyết định dỡ bỏ một số loại thuế nếu có các chính sách thảo luận tiềm năng với Trung Quốc.
Phát biểu với hãng truyền thông CNBC, cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tới tại Buenos Aires (Argentina).
Tuy nhiên, Tổng thống Trump tin tưởng sẽ có cuộc gặp “rất tốt đẹp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Về khả năng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đánh thuế nhập khẩu nếu cuộc gặp không thể giúp tháo gỡ tình trạng căng thẳng thương mại song phương hiện nay, ông Kudlow khẳng định chưa có quyết định nào được ấn định, đồng thời cho biết Tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẽ dỡ bỏ rất nhiều loại thuế nhập khẩu nếu đạt được “thỏa thuận hòa giải” với Trung Quốc.
Theo người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, dù đây chưa phải là lời cam kết nhưng là một giả thuyết rất quan trọng, đồng thời nhấn mạnh tất cả các diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Trung vào tháng 11.
Trước đó, ngày 29/10, báo Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết chính quyền Mỹ đang chuẩn bị công bố các mức thuế mới đánh vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa chịu tác động của các gói đánh thuế trước đó, có tổng trị giá khoảng 257 tỷ USD nếu cuộc gặp thượng đỉnh không thể giúp xoa dịu căng thẳng thương mại song phương.
Tổng thống Trump từng đe dọa áp thuế nhập khẩu với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá hơn 500 tỷ USD nếu Bắc Kinh không đáp ứng các yêu cầu thay đổi toàn diện các chính sách liên quan sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp chính phủ cho các ngành công nghiệp và tiếp cận thị trường nội địa.
Tối hậu thư của Mỹ với Trung Quốc dưới vỏ bọc một phát biểu có vẻ thiện chí! |
Phát biểu trên của ông Kudlow dường như cho thấy Mỹ thực sự có “thiện chí” đàm phán trên thế mạnh với Trung Quốc.
Đàm phán trên thế mạnh bởi phát biểu này gần như một tối hậu thư được ngụy trang dưới một phát biểu thiện chí, buộc Trung Quốc chấp nhận các điều kiện Mỹ đề ra.
Có lẽ, Washington đã đẩy một quả bóng xịt về phía Bắc Kinh, khiến đối thủ không thể làm gì hơn là chấp nhận thua cuộc.
Giúp Trung Quốc mở mắt?
Trang National Interest ngày 31/10 bình luận rằng cuộc gặp được lên kế hoạch từ lâu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 vào cuối tháng 11/2018 tại Buenos Aires (Argentina), có vẻ như khó trở thành hiện thực.
Cho dù cuộc gặp này được tiến hành như đã định thì kết quả của nó có lẽ cũng không mấy khả quan, và cũng sẽ không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ đề “nóng” nhất ở thời điểm này: cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tờ Wall Street Journal thì cho biết giới chức Mỹ tuyên bố sẽ không đối thoại với Bắc Kinh chừng nào Trung Quốc chưa đưa ra “một đề xuất vững chắc để giải quyết những lời phàn nàn của Washington về yêu cầu bắt buộc chuyển giao công nghệ (đối với doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn tại Trung Quốc) và những vấn đề kinh tế khác”.
Vì nhiều lý do, giới chức Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng yêu cầu này của Washington, và như Wall Street Journal nhận định, mọi chuyện đang rơi vào “bế tắc”.
National Interest cho rằng Chính quyền Tổng thống Trump đang nhanh chóng đảo ngược những quan điểm đã tồn tại suốt 4 thập kỷ qua của Mỹ.
Các Tổng thống từ Nixon cho đến Obama đều xem sự thành công của Trung Quốc là một mục tiêu trong chính sách của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump không những xóa sổ mục tiêu ấy – với các chính sách vừa thù địch vừa trái ngược hoàn toàn với các lợi ích của Trung Quốc – mà còn tuyệt giao với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
|
Khó có kết quả khả quan trong cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo Mỹ-Trung |
Dù vậy, theo National Interest, bất chấp những lo ngại, đây rất có thể lại là một hướng đi đúng. Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc có lẽ sẽ tốt hơn nếu hai bên hạn chế – chứ không phải tăng cường – tiếp xúc với nhau, ít nhất là trong một thời gian dài.
Tờ báo Mỹ nhận định lựa chọn chính sách cơ bản của Washington từ những năm 1970 là cam kết và hợp tác, song xét trên nhiều khía cạnh, cách tiếp cận này là một thất bại, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Bên cạnh việc cáo buộc chính phủ Trung Quốc can thiệp sâu vào nền kinh tế, sử dụng các luật để chống lại các công ty Mỹ, tờ National Interest còn cho rằng Trung Quốc liên tục cướp đi hàng trăm tỷ USD tài sản sở hữu trí tuệ của nước ngoài, chủ yếu là của Mỹ, bằng luật pháp và các chiến dịch đánh cắp thông tin trong không gian mạng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng muốn thúc đẩy một thỏa thuận về thương mại với Trung Quốc, thể hiện một thái độ tích cực qua một loạt tuyên bố và các dòng trạng thái trên Twitter. Sang đến năm 2018, nhà lãnh đạo Mỹ lại chuyển sang tìm kiếm một giải pháp khác.
Thay vì đối đầu, Tổng thống Trump chọn phương án tuyệt giao để trừng phạt Trung Quốc? |
Ông đã từ bỏ việc thay đổi Trung Quốc và thay vào đó tìm cách thông qua đàm phán để cải thiện nguồn thu nhập của nước Mỹ. Cả hai kế hoạch này đều không thành hiện thực, và kết quả là Tổng thống Trump tiếp tục lựa chọn Kế hoạch C, đe dọa đoạn tuyệt quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo National Interest, Tổng thống Trump sẵn sàng chấp nhận và đánh đổi những hệ quả “đau đớn” trong ngắn hạn, để thể hiện quyền lực và sức mạnh Mỹ.
Thông điệp mà ông muốn nhấn mạnh ở đây là Trung Quốc đã sai khi cho rằng họ có thể can thiệp vào hệ thống chính trị Mỹ và sai khi đánh giá về sự suy yếu của nước Mỹ.
Việc Mỹ sẵn sàng tuyệt giao được đánh giá là một thông điệp khủng khiếp đối với một nền kinh tế lệ thuộc xuất khẩu như Trung Quốc.
National Interest thậm chí còn “nặng lời” hơn khi bình luận rằng Tổng thống Trump, khác với nhiều người tiền nhiệm, hiểu được rằng nhiều khi cần phải thể hiện cho kẻ thù thấy được nước Mỹ không cần hoặc không “thèm” giao du.