Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÔng Trump chuyển cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tiền tệ?

Ông Trump chuyển cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tiền tệ?

Với việc điểm danh Trung Quốc có thể thao túng tiền tệ, dường như chính quyền Trump đang chuyển cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tiền tệ…

Mỹ để ngỏ khả năng đánh giá Trung Quốc là quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ

Ngày 21/10, trả lời báo giới tại Jerusalem nhân chuyến thăm Israel, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Mỹ để ngỏ khả năng thay đổi các quy định đánh giá hành vi thao túng tiền tệ.

Ông Mnuchin đưa ra tuyên bố sau khi đã có báo cáo chỉ trích gay gắt chính sách tiền tệ của Bắc Kinh, vì vậy đây được xem là dấu hiệu Mỹ chuẩn bị liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Hiện có 2 phương án được xem xét.

Thứ nhất, sử dụng Luật Thương mại tổng hợp và Cạnh tranh năm 1988 với các quy định đánh giá hành vi thao túng tiền tệ có độ co giãn lớn, không cần dựa vào các tiêu chuẩn mang tính định lượng để xem xét một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không.

Thứ hai, thay đổi các tiêu chuẩn để xác định một quốc gia có thực hiện phá giá đồng nội tệ để tăng khả năng cạnh tranh hay không, mở ra cơ hội cho Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái.

Ngày 17/8/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã trình lên Quốc hội Mỹ bản Báo cáo bán niên đánh giá chính sách tiền tệ của các đối tác. Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ vẫn để Trung Quốc ở danh sách các nước cần theo dõi nhằm thúc đẩy cải thiện tình hình.

Dù Báo cáo bán niên của Bộ Tài chính Mỹ chưa liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, nhưng đã dành hẳn một chương để khái quát những lo ngại của Mỹ đối với tình trạng thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong báo cáo mới nhất của mình, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc đã không chịu công khai thông tin can dự vào thị trường hối đoái khiến Washington  “cảm thấy thất vọng”.

Theo nhà hoạch định chính sách ngoại hối Viraj Patel, thuộc Tập đoàn Quốc tế Hà Lan, có thể nhận diện Báo cáo bán niên đánh giá chính sách tiền tệ các đối tác của Bộ Tài chính Mỹ là lời cảnh báo cuối cùng đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay tỷ giá hối đoái giữa nhân dân tệ (CNY) với đô la Mỹ (USD) đang nhanh chóng trở thành quân bài mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung.

Trưởng bộ phận sách lược ngoại khối khu vực Bắc Mỹ Calvin Tse thuộc City Bank nhìn nhận Báo cáo bán niên của Bộ Tài chính Mỹ điểm danh Trung Quốc là chuẩn bị hoả lực tấn công, nếu cuộc gặp Trump-Tập tại Hội nghị G-20 sắp tới không kết quả.

Hiện tại, Washington vẫn sử dụng  Luật Thúc đẩy và Thuận lợi hóa thương mại năm 2015 của Mỹ, để đánh giá về chính sách thao túng tiền tệ của một quốc gia nên tạm thời Trung Quốc “lọt sàng”.

Ong Trump chuyen cuoc chien thuong mai sang cuoc chien tien te?
Có dấu hiệu chính quyền Trump chuyển cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tiền tệ với Bắc Kinh

Bởi theo luật này, một quốc gia bị Washington xác định là nước thao túng tiền tệ, cần thỏa mãn 3 điều kiện. Một là có thặng dư thương mại lớn với Mỹ – từ 20 tỷ USD trở lên. Hai là có thặng dư lớn về tài khoản vãng lai  – từ 3% GDP trở lên.

Ba là liên tục can dự vào tỉ giá hối đoái theo một hướng, được hiểu là thông qua việc mua tài sản nước ngoài để phá giá đồng nội tệ và tổng lượng mua tài sản nước ngoài trong 12 tháng tương đương 2% GDP.

Trong khi đó, Luật Thương mại tổng hợp và Cạnh tranh năm 1988 chỉ quy định tiêu chuẩn nhận định một nước thao túng tiền tệ là “tồn tại thặng dư thương mại lớn với Mỹ và có thặng dư tài khoản vãng lai lớn”, mà không định lượng mức thặng dư.

Nếu trường hợp phương án thứ nhất – sử dụng Luật Thương mại tổng hợp và Cạnh tranh năm 1988 thay cho Luật Thúc đẩy và Thuận lợi hóa thương mại năm 2015 – được lựa chọn, Trung Quốc hoàn toàn có thể bị xem là nước thao túng tiền tệ.

Ông Trump sẵn sàng chuyển cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tiền tệ với Trung Quốc?

Khi bị xác định là quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ, Trung Quốc sẽ đối mặt với việc bị trừng phạt bởi Quốc hội Mỹ – thay vì chính phủ Mỹ – cho hành vi này và khi đó Bắc Kinh sẽ gặp nhiều bất lợi trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Việc trừng phạt quốc gia thao túng tiền tệ được đề cập trong Luật Hối đoái và Điều phối chính sách kinh tế quốc tế của Mỹ năm 1988. Theo luật này, cứ 6 tháng 1 lần, Bộ Tài chính Mỹ phải trình Quốc hội báo cáo về ngoại hối.

Nếu quốc gia hay thực thể nào bị xác định là có hành vi thao túng tiền tệ, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua nghị quyết về các biện pháp trừng phạt quốc gia hay thực thể đó. Đây là viễn cảnh của Trung Quốc sau Báo cáo bán niên của Bộ tài chính Mỹ.

Chính quyền Trump lựa chọn công cụ “thao túng tiền tệ” để tấn công Bắc Kinh được nhận diện là do trong thời gian qua CNY liên tục sụt giảm giá trị so với USD, khiến cho Mỹ thất thế trước Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Ong Trump chuyen cuoc chien thuong mai sang cuoc chien tien te?
CNY sụt giảm giá trị quá sâu so với USD khiến Mỹ kinh tế thiệt hại

Gần đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 30/10/2018, giá trị của CNY đã sụt giảm xuống mức 6,96 CNY/1 USD – đây là mức giá trị thấp nhất của đồng CNY so với đồng USD kể từ tháng 5/2008.

Theo giới chuyên gia, ngưỡng tâm lý hối đoái là mức 7 CNY/1 USD, nếu vượt qua ngưỡng có thể làm suy yếu niềm tin thị trường. Điều này khiến Mỹ hoài nghi Trung Quốc đang phá giá đồng nội tệ để đối phó với các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Dù Tổng thống Trump tuyên bố “chơi tất tay” với Chủ tịch Tập Cân Bình, doạ tung gói thuế quan thứ 3 – bao trùm toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc – Washington vẫn không hy vọng chiếm ưu thế trước Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại.

Vì vậy, chính quyền Trump đã bắt đầu tính tới việc sử dụng công cụ tài chính – thao túng tiền tệ – để hỗ trợ công cụ thuế quan – bảo hộ mậu dịch, nhằm đảm bảo cho chính sách thương mại xung đột không bị phá sản.

Thực ra từ lâu giới phân tích đã nhận định rằng, vị tổng thống doanh nhân có hai “bảo bối” có thể giúp ông chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đó là: Tiền tệ và Công nghệ – và đây cũng là điểm yếu nhất của Trung Quốc trước Mỹ.

Nếu sử dụng hai “bảo bối” này ngay từ đầu, chính quyền Trump không phải sử dụng thuế quan, mà có thể khiến Mỹ mất nhiều hơn được và buộc Tổng thống Trump phải sử dụng nhiều liệu pháp không mong muốn vì gây ra nhiều hiệu ứng trái chiều.

Tuy nhiên, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ không sử dụng hai “bảo bối” ngay từ đầu để lấy lại cho nước Mỹ những gì đã mất, nguyên nhân là do ông không nắm giữ “bảo bối”, mà thuộc về Capitol Hill. Không những vậy còn gặp rào cản FED nữa.

Ong Trump chuyen cuoc chien thuong mai sang cuoc chien tien te?
Phải sử dụng bảo bối do Capitol Hill nắm giữ là chẳng đặng đừng với vị tổng thống doanh nhân

Muốn sử dụng bảo bối Tiền tệ – như hành vi thao túng tiền tệ – chính quyền Trump phải có báo cáo nhận diện nguy cơ, phân tích động thái và cảnh báo hậu quả với kinh tế-tài chính Mỹ, rồi trình lên Quốc hội Mỹ chờ xem xét.

Và muốn sử dụng bảo bối Công nghệ – như hành vi ắn cắp bản quyền – chính quyền Trump cũng phải có báo cáo nhận diện nguy cơ, phân tích động thái và cảnh báo hậu quả với an ninh-kinh tế, rồi trình lên Quốc hội Mỹ chờ xem xét.

Trong khi “lồng nhốt quyền lực” Trump luôn bị đối thủ tìm mọi cách gia cố nên tránh  phải nhờ tới Capitol Hill bao nhiêu là tốt bấy nhiêu. Đây là lý do vị tổng thống doanh nhân không muốn sử dụng “bảo bối”, vì có thể giúp đối thủ gia cố lồng nhốt quyền lực.

Song nay người đứng đầu Nhà Trắng đã phải tính sử dụng cả hai “bảo bối” vì có thể hụt hơi trước Bắc Kinh. Với việc điểm danh Trung Quốc có thể thao túng tiền tệ, dường như chính quyền Trump đang chuyển cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tiền tệ.

Chưa biết tình hình diễn tiến ra sao và Bắc Kinh sẽ sử dụng giải pháp gì để hoá giải “bảo bối” của Washington để ngăn chặn việc chuyển hướng cuộc chiến, đảm bảo vị thế cho mình. Chúng ta cùng chờ xem!

RELATED ARTICLES

Tin mới