Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đề nghị Việt Nam khai thác chung trên Biển Đông

TQ đề nghị Việt Nam khai thác chung trên Biển Đông

Ngày 20/9/2018, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, phóng viên có đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Ngoại trưởng Trung Quốc tại kỳ họp song phương lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc đưa ra đề xuất cho rằng cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc là cùng hợp tác để phát triển. Hợp tác cùng phát triển hay “khai thác chung” không phải là một vấn đề mới và trước đây Trung Quốc cũng đã nêu quan điểm về khai thác chung trên Biển Đông với một số nước liên quan.

Khai thác chung đã được áp dụng từ những năm 1920. Thực tiễn quốc tế về khai thác chung cũng hết sức phong phú (Thoả thuận giữa Arab Saudi và Kuwait năm 1965, Bản ghi nhớ giữa Iran và Sharjah năm 1971, Thoả thuận về việc khai thác chung phần phía Nam thềm lục địa tiếp liền Nhật Bản và Hàn Quốc năm 1974, Bản ghi nhớ giữa Vương quốc Thái Lan và Malaysia về việc khai thác các tài nguyên ở Đáy biển trong Vùng xác định giữa hai quốc gia trong Vịnh Thái Lan năm 1979, Hiệp định về “Vùng hợp tác Timor Gap” giữa Australia và Indonesia năm 1989,…).

Mặc dù khái niệm hợp tác khai thác chung hay nói khác là phát triển chung được sử dụng nhiều nơi, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm hoàn chỉnh cũng như sự nhất quán về sử dụng thuật ngữ. Tuy có sự khác nhau về “ngôn từ” nhưng nhìn chung hợp tác khai thác chung (joint development) có thể được hiểu:

– Là sự thoả thuận giữa các quốc gia nhằm khai thác và phát triển nguồn tài nguyên nằm xuyên qua đường biên giới quốc tế hoặc nằm trong vùng có yêu sách chồng lấn.

– Cơ sở pháp lý để ký kết và thực hiện thoả thuận là các quốc gia có cùng danh nghĩa mở rộng vùng biển hợp pháp của mình theo quy định của luật biển trong vùng biển hẹp rộng dưới 200 hải lý và do đó tạo thành vùng chồng lấn.  

– Thoả thuận này chỉ là giải pháp tạm thời, không phương hại tới các yêu sách của các bên và không làm ảnh hưởng tới giải pháp phân định cuối cùng.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều 74 (áp dụng cho việc phân định vùng đặc quyền kinh tế) và 83 (áp dụng cho việc phân định thềm lục địa) quy định “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận … các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến một giải pháp dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn… Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”.

Yếu tố tạo nên thành công của “cùng phát triển” là phạm vi và cơ chế quản lý. Việc khai thác chung chỉ có thể thực hiện được khi các bên xác định được ranh giới khu vực tranh chấp. Nếu không xác định được vấn đề chủ quyền thì cũng không thể xác định được tỷ lệ đóng góp vào việc thăm dò và phân chia sản phẩm khai thác chung.

Khai thác chung phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, thường được tiến hành để khai thác chung nguồn tài nguyên vắt ngang đường ranh giới biển đã được phân định hoặc trong vùng biển chồng lấn tạo ra bởi các yêu sách chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan. Người ta coi kiểu khai thác chung này như là một giải pháp tạm thời cho các tranh chấp bế tắc trên biển hay để khai thác có hiệu quả và công bằng nguồn tài nguyên trên biển. Vấn đề chủ quyền trong trường hợp khai thác chung trong vùng biển chồng lấn chưa được phân định sẽ được các nước giải quyết sau.

– Quan điểm của Trung Quốc khi thúc đẩy gác tranh chấp, cùng khai thác

Ý tưởng gác tranh chấp cùng khai thác đã được Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 1980 của thế kỷ 20 để thể hiện thái độ bang giao với các nước ASEAN của Trung Quốc là “thiện chí, chân thành, thông cảm, tôn trọng địa vị và lập trường của mỗi bên”. Vào thời điểm đó, nguyên văn ý tưởng của Đặng Tiểu Bình về giải pháp cho tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông là: gác vấn đề chủ quyền, cùng nhau khai thác.

Ý tưởng này thời kỳ đó có hai nội hàm cơ bản: Thứ nhất, Trung Quốc gián tiếp khẳng định chủ quyền của mình đối với Biển Đông và các quần đảo ở đây. Thứ hai, vì hòa bình, ổn định và thiện chí với các nước khác trong khu vực, Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước và bên tranh chấp tập trung vốn cùng nhau khai thác và chia lợi thu được từ vùng biển (Biển Đông) của mình.  Qua đây, Trung Quốc muốn xây dựng một hình ảnh nước Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” thân thiện và hữu nghị, giảm bớt mối lo ngại từ các nước láng giềng nhỏ ở khu vực Biển Đông.

Tháng 8/1980, trong chuyến thăm Singapore và Malaysia, Thủ tướng Lý Bằng đã chính thức đưa ra đề nghị này. Từ tháng 10/1982, “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển kế cận” là một chủ trương được Đặng Tiểu Bình chính thức nêu ra.

Sau này, trước thái độ e ngại của các nước ASEAN, Trung Quốc bỏ cụm từ “gác vấn đề chủ quyền” để làm nhẹ phần nào tính nhạy cảm của nó và thay thế bằng cụm từ “gác tranh chấp” để chỉ loại hình hợp tác cùng phát triển. Tuy vậy, hàm ý của “gác tranh chấp, cùng khai thác” vẫn không thay đổi, chủ yếu là việc khai thác tại những mỏ dầu và khí trên thềm lục địa của những nước yêu sách khác – và sau đó chỉ có chủ quyền của Trung Quốc được công nhận.  Hay nói một cách khác, Trung Quốc tham gia khai thác tài nguyên của các nước khác trên vùng biển của nước khác. Khái niệm này rõ ràng trái với hình thức khai thác chung truyền thống – đó là việc các nước cùng đóng góp các quyền đối với tài nguyên tranh chấp để tạo thành vùng khai thác chung.

Chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác của Trung Quốc có một số nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, Trung Quốc chủ yếu muốn thực hiện hợp tác cùng khai thác trên cơ sở thỏa thuận song phương thay vì đa phương nhằm tận dụng lợi thế của một nước lớn, không để các bên tranh chấp co cụm lại thành một liên minh đối trọng với mình. Thứ hai, cùng khai thác ở đây là cùng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trên vùng biển của các quốc gia khác trên Biển Đông, chứ không phải là trên vùng biển của Trung Quốc hoặc ở vùng biển mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt được.

– Thực tiễn khai thác chung trên Biển Đông

Thời gian qua, nhằm tăng cường sự hợp tác, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình trên Biển Đông, các nước trong khu vực đã tiến hành nhiều thỏa thuận hợp tác trên Biển Đông trên cơ sở những quy định của luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: có thể kể đến các thỏa thuận: Bản Ghi nhớ về thăm dò và khai thác chung dầu khí giữa Việt Nam và Malaysia trong Vịnh Thái Lan ngày 5/6/1992; Bản ghi nhớ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia về khai thác chung dầu khí tại vùng chồng lấn giữa 3 bên trong Vịnh Thái Lan năm 1998; Thỏa thuận Việt Nam – Philippines – Trung Quốc ngày 14/3/2005 về thăm dò địa chấn biển (Joint Marine Seismic Undertaking); Hiệp định Việt Nam – Trung Quốc về thăm dò dầu khí chung trong khu vực ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ tháng 11/2006); Bản ghi nhớ về hợp tác biển và nghề cá giữa Việt Nam và Indonesia năm 2010, Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, tháng 12/2000…

Các Thỏa thuận này đều đã xác định khu vực khai thác chung (cụ thể về phạm vi, diện tích và tọa độ) tại các vùng biển có sự chồng lấn/tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các quốc gia liên quan, quy định không làm phương hại tới lập trường của các bên đối với việc phân định các khu vực tranh chấp.

Tóm lại, khai thác chung là một cách hợp tác rất bình thường nếu việc hợp tác tuân thủ các qui định của luật pháp quốc tế. Đối với tranh chấp trên biển, trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên tranh chấp có thể lựa chọn áp dụng giải pháp tạm thời về việc cùng khai thác các nguồn lợi, hoặc đề ra cách thức cùng quản lý hoặc xử lý những vấn đề liên quan phát sinh từ vùng tranh chấp và không làm ảnh hưởng đến việc đạt được một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, đã có nhiều thỏa thuận hợp tác trên Biển Đông được ký kết giữa Việt Nam và các nước liên quan và như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ, hợp tác trên biển theo đúng các quy định và chế định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan”.

Tuy nhiên, Trung Quốc luôn có tham vọng độc chiếm Biển Đông nên các quốc gia cần cảnh giác, tỉnh táo, xem xét kỹ lưỡng các nội dung, các khu vực có thể cùng khai thác với Trung Quốc khi chấp nhận khai thác chung với Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới