Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngCuộc chiến năng lượng của TQ ở Đông Nam Á: Tác động...

Cuộc chiến năng lượng của TQ ở Đông Nam Á: Tác động và ảnh hưởng đối với tranh chấp ở Biển Đông

Đông Nam Á là khu vực có vị trí quan trọng trên con đường giao thông biển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với eo biển Malacca được xem như là cửa ngõ duy nhất để vào châu Á-Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng thực hiện chính sách “ngoại giao năng lượng” và hợp tác năng lượng với các quốc gia Đông Nam Á.  Việc thực thi chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đã tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, chính trị, an ninh của Đông Nam Á theo hai hướng vừa tích cực vừa tiêu cực, đồng thời nó cũng có những tác động, ảnh hưởng nhất định đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc thúc đẩy hợp tác năng lượng với các nước Đông Nam Á

Hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN kể từ khi khởi động vào cuối những năm 1970 được coi là một phần quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Khi Trung Quốc mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của mình cho Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hợp tác trong lĩnh vực này đã phát triển lên một mức độ mới, mở rộng từ thương mại năng lượng đến thăm dò tài nguyên năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan. Tuy nhiên, vài năm gần, cùng với xu hướng nhu cầu tài nguyên năng lượng gia tăng đã làm nổi lên “chủ nghĩa bảo hộ năng lượng” hay “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên”, đưa Trung Quốc và Đông Nam Á vào một cuộc cạnh tranh chính thức để đảm bảo các nguồn cung năng lượng và bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Trên thực tế, chính sách năng lượng-an ninh tập trung vào nhà nước của Trung Quốc đã đưa nước này đến chỗ có được các nguồn cung năng lượng bằng cách giành quyền kiểm soát trực tiếp các mỏ dầu lửa và khí đốt và các tuyến đường cung cấp. Với thực tế đầu tư ra nước ngoài (OFDI) của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á đã gia tăng mạnh và phần lớn được chào đón, chính sách về các vấn đề năng lượng này tạo ra những cảm giác lẫn lộn về sự hiện diện ngày càng tăng không thể tránh được của Trung Quốc. Một mặt, chính sách mới có thể mang đến cơ hội để đẩy mạnh hợp tác song phương, nhưng mặt khác, cả các nước đang phát triển lẫn phát triển đều đã bày tỏ lo ngại rằng điều đó có thể phá hủy trật tự thị trường, làm xói mòn niềm tin vào quyền tiếp cận công bằng các nguồn cung tương lai và làm trầm trọng thêm sự ngờ vực chiến lược.

Chính sách ngoại giao tài nguyên của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Hiện nay, xét về mặt tiêu thụ năng lượng, Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Nhưng xét về lượng nhập khẩu dầu thô thì Trung Quốc đã vươn lên thành nước đứng đầu thế giới. Để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng ổn định với giá cả hợp lý, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chiến lược năng lượng quốc gia và chính sách an ninh năng lượng với các mục đích và biện pháp thực hiện cụ thể, ráo riết tìm kiếm các nguồn năng lượng trên phạm vi toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á.

Sau giai đoạn đơn phương tìm kiếm nguồn năng lượng (2001-2005), từ năm 2006, Trung Quốc tích cực tham gia một số cơ chế hợp tác đa phương về lĩnh vực này, đã thành lập cơ chế đối thoại năng lượng song phương và đa phương với các tập đoàn dầu lửa lớn của Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản. Một trong những mục tiêu của Trung Quốc trong thời gian tới là gia nhập Tổ chức Năng lượng quốc tế. Từ nay đến khoảng năm 2020, Trung Quốc thực hiện chiến lược phát triển biển ở khu vực ven biển miền Đông; tức chiến lược phát triển biển khu vực dưới sự chỉ đạo vĩ mô của Nhà nước, lấy các tỉnh (thành phố trực thuộc, khu tự trị) làm chủ thể, lấy tài nguyên biển làm đối tượng khai thác, lấy sáng tạo thể chế chế độ làm trọng điểm. Giai đoạn này vừa là giai đoạn thực hiện bước đầu chiến lược phát triển biển quốc gia, cũng là giai đoạn chuẩn bị thực hiện toàn diện chiến lược phát triển biển. Từ năm 2020 đến giữa thế kỷ, thực hiện toàn diện chiến lược phát triển biển, khai thác với quy mô lớn tài nguyên và năng lượng biển, xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế biển.

Trong chính sách ngoại giao năng lượng, từ năm 1990, Trung Quốc bắt đầu khởi động ngoại giao tài nguyên với ASEAN. Đó là một mốc lịch sử khi sự chuyển đổi nhận thức của ASEAN từ “Trung Quốc là một mối đe dọa” sang “Trung Quốc là một cơ hội” diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc kiên quyết cam kết không hạ giá đồng tiền của mình và cung cấp viện trợ kịp thời và rộng rãi cho các nước ASEAN. Nước này tích cực điều chỉnh các chính sách ASEAN của mình. Trong số các nước lớn trong khu vực, Trung Quốc là nước đầu tiên ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác với ASEAN; nước đầu tiên đề xuất và ký kết một thỏa thuận để thiết lập một Khu vực thương mại tự do (FTA) với ASEAN; nước đầu tiên tạo dựng Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng với ASEAN; nước đầu tiên hứa hẹn tham gia nghị định thư về Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á; và là nước đầu tiên ký kết một “quan hệ đối tác chiến lược” với ASEAN vào tháng 10/2003 tại Hội nghị thượng đỉnh Bali. Năm 2008, Trung Quốc đã công bố thành lập Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc-ASEAN và cung cấp các khoản vay cho các nước ASEAN lên đến 15 tỷ USD. Tại cuộc họp APEC ở Bali vào tháng 10/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn dắt để tài trợ và đi đầu phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế khu vực. Trung Quốc cũng đã tận dụng khuôn khổ Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong, được Ngân hàng phát triển châu Á tạo điều kiện, để cải thiện liên kết tự nhiên giữa khu vực Mekong và Tỉnh Vân Nam và Khu tự trị người Choang Quảng Tây. Ngoại giao của Trung Quốc với ASEAN hóa ra là câu chuyện thành công nhất về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.

Một số hoạt động phi pháp của Trung Quốc liên quan vấn đề dầu khí ở Biển Đông

Thứ nhất, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động đơn phương, ngăn chặn các nước ven Biển Đông thăm dò, khai thác dầu khí. Trung Quốc thường cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Chẳng hạn vào ngày 26 tháng 5 năm 2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của một tàu khảo sát đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Vào ngày 9 tháng 6, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam. Năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong một trường hợp, vào ngày 2 tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu khí trong khu vực mà Philippines yêu sách nằm cách bờ biển Palawan 250 km về phía Tây.

Thứ hai, Trung Quốc cũng đơn phương kêu gọi, mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở trong vùng biển của Việt Nam. Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2. Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay. Năm 2014, CNOCC loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn nước ngoài dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông, tổng diện tích của khu vực này là 126.000 km2. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam khẳng định, CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Năm 2016, CNOOC tiếp tục ra thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Trong các lô dầu khí ở Biển Đông năm 2016 này có một số lô nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 2017, CNOOC lại mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía Nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km2, bao gồm vùng biển của Việt Nam.

Thứ ba, Trung Quốc lợi dụng sức ảnh hưởng và tiềm lực kinh tế, quốc phòng để tìm cách ngăn chặn các nước ven Biển Đông hợp tác thăm dò, khai thác dầu khi với nước ngoài. Trung Quốc (7/2014) chỉ trích việc Bộ Năng lượng Philippines đã gia hạn thêm một năm cho Forum Energy, một công ty dầu khí của Anh, tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong (tên quốc tế là Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dùng ảnh hưởng và sức mạnh của mình để gây sức ép khiến PetroVietnam buộc phải dừng khoan thăm dò với các đối tác nước ngoài ở các lô 07.03 và 136.03 hồi tháng 3/2018 và 7/2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhiều lần ngang ngược tuyên bố: “Không có sự cho phép của Trung Quốc, việc khai thác dầu khí của bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vùng biển dưới quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc là phi pháp và không có giá trị”; tiếp tục nhắc lại lập luận ngang ngược rằng Trung Quốc “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận. Tuy nhiên, bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc, cả Việt Nam và Philipines đều có kế hoạch xúc tiến các dự án thăm dò khí đốt hợp tác với các công ty nước ngoài. Trong đó có nhiều đối tác đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ, Tây Ban Nha…

Thứ tư, Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ủng hộ đối với các hoạt động phi pháp của doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông, như hỗ trợ trên các phương tiện chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, đưa ra chính sách ưu đãi khác thác như vốn đăng ký, thu thuế, thuế quan và tài chính, thiết lập quỹ khai thác rủi ro Biển Đông, đưa ra các chính sách phát triển ngành nghề hỗ trợ cần thiết để đẩy nhanh việc khai thác phi pháp ở Biển Đông.

Tác động từ chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á và vấn đề Biển Đông

Đông Nam Á là khu vực có vị trí quan trọng trên con đường giao thông biển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với eo biển Malacca được xem như là cửa ngõ duy nhất để vào thị trường rộng lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc gia tăng thực hiện chính sách ngoại giao năng lượng và hợp tác năng lượng với các quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù trữ lượng dầu mỏ, khí đốt ở khu vực chỉ đạt mức trung bình,nhưng với vị trí quan trọng về mặt địa chính trị của Đông Nam Á,Trung Quốc không thể “bỏ qua” khu vực này trong chính sách ngoại giao năng lượng của mình.Trung Quốc tiến hành hợp tác khai thác dầu khí với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á như: Indonesia; Việt Nam; Malaysia,Thái Lan, Campuchia và Myanma. Việc thực thi chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đã tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, chính trị, an ninh của Đông Nam Á theo hai hướng vừa tích cực vừa tiêu cực.

Chiến lược ngoại giao năng lượng này một mặt đã góp phần thúc đẩyhoạt động thăm dò, khai thác, tìm kiếm và hợp tác ngoại giao năng lượng giữa các quốc gia trong khu vực. Mặt khác, nó còn nằm trong tổng thể chiến lược nước lớn, gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á và thế giới, nằm trong tiến trình độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Vì thế, chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc phức tạp, tác động rất tiêu cực đến khu vực Đông Nam Á trên nhiều phương diện cả về kinh tế, năng lượng, an ninh và quốc phòng. Hiện nay, quan hệ hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn còn nhiều rào cản, đó là vấn đề Biển Đông, lợi ích chiến lược về dầu mỏ và vị trí quan trọng của vùng biển này chưa được giải quyết thỏa đáng. Chính sách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của Trung Quốc là bước đi kế tiếp của các chính sách an ninh năng lượng trong nước.

Với chính sách này, nó đã có những ảnh hưởng, tác động lớn đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông: (1) Trung Quốc đã ký các hợp tác quân sự với Malaysia, Singapore, Indonesia liên quan việc đảm bảo an ninh toàn diện cho các tuyến đường hàng hải qua eo biển Malacca. Tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh năng lượng Trung Quốc thể hiện ở các tuyến vận chuyển dầu lửa chiến lược qua khu vực này. Khoảng  85% nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc bắt buộc phải đi qua eo biển Malacca. (2) Chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc, chiến lược phát triển biển của Trung Quốc và thực trạng năng lượng Trung Quốc trong những năm gần đây là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đẩy mạnh quá trình tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang diễn ra quá trình cạnh tranh trong khai thác các nguồn lợi từ dầu mỏ và khí đốt. Trung Quốc bày tỏ thái độ quyết liệt khi đề cập đến vai trò của mình tại Biển Đông. Trung Quốc đơn phương tuyên bố 80% diện tích mặt biển thuộc về chủ quyền của mình. Các hành động trên của Trung Quốc gây ra một phản ứng mạnh từ các nước ven Biển Đông. (3) Trung Quốc đang áp dụng kế hoạch chiến lược ngoại giao “tăng sự tự tin” đối với khu vực Đông Nam Á. Sách lược kiểu tiệm tiến này gồm 2 phần. Phần thứ nhất là tái khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn”, đồng thời áp dụng hành động thực tế bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Phần thứ hai tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, thu hút các nước này đi vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới