Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngCách thức thao túng thông tin của TQ

Cách thức thao túng thông tin của TQ

Trung Quốc có truyền thống lâu đời trong cuộc đấu tranh tư tưởng và sử dụng các công cụ tuyên truyền. Ngày nay, các kỹ năng này được sử dụng phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.

Một hướng dẫn viên người Trung Quốc (đứng sau cùng) đang thuyết trình cho một đoàn khách Trung Quốc tại bến tàu Cầu Đá, TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Tháng 8/2018 vừa qua, Trung tâm phân tích, dự báo chiến lược (CAPS – Bộ Ngoại giao Pháp) và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng (IRSEM – Bộ Quốc phòng Pháp) đã ra báo cáo “Thao túng thông tin, thách thức to lớn hiện nay”. Báo cáo có nêu, nhằm tuyên truyền cho hình ảnh của mình, Trung Quốc sử dụng các công cụ can thiệp và tác động gây ảnh hưởng đặc biệt. Công tác tuyên truyền, truyền bá hệ tư tưởng là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn căn bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc sở hữu một mạng lưới kiểm soát thông tin rộng nhằm phục vụ lợi ích của mình trên các diễn đàn quốc tế. Công tác tuyên truyền của Trung Quốc nhằm 2 mục tiêu: i) dọn đường chính trị trong nước thông qua kiểm duyệt và thao túng thông tin; ii) tác động dư luận quốc tế và tiến hành “cuộc chiến thông tin” nhằm phục vụ các tham vọng của Trung Quốc.

Công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận công chúng, đặc biệt trong việc tuyên truyền cho các khẩu hiệu và các mặt tích cực trong các chính sách của nhà nước Trung Quốc. Ví dụ, đối với dự án “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc kiểm soát các nội dung thông tin và tuyên truyền theo nhiều hướng khác nhau. Trung Quốc kiểm soát hơn 3.000 kênh truyền hình nhà nước, hơn 150 kênh truyền hình trả tiền, khoảng 2.500 kênh phát thanh và 2.000 báo, 10.000 tạp chí, hơn 3 triệu trang website và đã đăng tải hơn 250.000 bài viết liên quan dự án này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cho dự án cũng được thực hiện qua các mạng lưới tuyên truyền về văn hóa, xã hội, giáo dục khác, chẳng hạn như Viện Khổng tử.

Trong lĩnh vực nghe nhìn, năm 2016, từ các kênh truyền hình quốc tế của đài truyền hình Trung Quốc, Trung Quốc đã thành lập mạng lưới truyền hình toàn cầu (China Global Television Network). Nội dung trên mạng lưới truyền hình toàn cầu này hầu hết là các thông tin đã được hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa Xã đăng tải. Mục tiêu của mạng lưới truyền hình quốc tế này là cạnh tranh với các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như AP, Reuters, Bloomberg… và được khai thác trên tất cả các nền tảng, ứng dụng (Internet, điện thoại di động). Cùng chung mục tiêu này còn có các tờ báo lớn, chính thống được phát hành bằng tiếng Anh trên nền tảng kỹ thuật số như Nhân dân Nhật báo, China Daily, Hoàn Cầu Thời báo …

Trong những năm qua, nội dung các thông tin được tuyên truyền của Trung Quốc đã có những thay đổi rõ nét. Trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên như một cường quốc trong các vấn đề chiến lược và an ninh, các thông tin tuyên truyền theo hướng đả kích các chính sách của phương Tây, nhất là Mỹ, thường xuyên được tán phát. Bên cạnh nhiều nội dung được sao chụp từ báo chí Nga trong các vấn đề như cuộc khủng hoảng Syria, Trung Quốc cũng thường xuyên tán phát thông tin lên án các hoạt động của Pháp ở Châu Phi, quan điểm quốc tế trong vấn đề Biển Đông, hay các hoạt động của Ấn Độ và Nhật Bản ở các vùng tranh chấp với Trung Quốc. Thông qua công tác tuyên truyền này, Trung Quốc muốn hướng tới việc định hướng dư luận chống lại các giá trị của phương Tây, ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, phản bác các hoạt động tự do hàng hải của các nước phương Tây là gây ảnh hưởng đến hào bình ổn định ở Biển Đông.

Ảnh hưởng thông tin của Trung Quốc đang diễn ra trên tầm thế giới. Nội dung tuyên truyền không chỉ nhằm mục tiêu tác động ảnh hưởng, mà còn nhằm định hướng dư luận, can thiệp vào các vấn đề mà Trung Quốc quan tâm. Tính chất “tấn công” của các thông tin từ Trung Quốc có phạm vi rộng lớn.

Cuộc chiến thông tin hỗ trợ tích cực cho chiến lược gây ảnh hưởng và hăm dọa của Trung Quốc. Kể từ năm 2000, Trung Quốc tập trung vào 3 cuộc chiến chính trong lĩnh vực thông tin là cuộc chiến dư luận, cuộc chiến tâm lý và cuộc chiến pháp lý, kể cả thời chiến cũng như thời bình. Mục tiêu là nhằm kiểm soát các phát ngôn, nhằm tác động đến lòng tin của công chúng theo hướng có lợi cho Trung Quốc, hạn chế các tác động bất lợi và khả năng phản kháng.

Bên cạnh đó, các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc cũng góp phần tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cả trong và ngoài nước. Các phương pháp này được diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Công tác tuyên truyền của Trung Quốc không gây nhiều lo ngại nhưng sự gia tăng các hoạt động này cần phải được lưu ý. Các hình thức tuyên truyền của Trung Quốc rất đa dạng:

– Sử dụng các cựu lãnh đạo cấp cao của các nước phương Tây, những người làm việc vì lợi ích mà Trung Quốc đề nghị.

– Thâm nhập vào các tổ chức khu vực nhằm lái hoạt động của các tổ chức này theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

– Sử dụng cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Cộng đồng này thường được huy động nhân các chuyến thăm của quan chức Trung Quốc.

– Gây sức ép đối với các nhà nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu thông qua việc gây khó khăn cho quá trình cấp visa và các chương trình hỗ trợ tài chính.

– Mua các chuyên mục trên một số báo ở nước ngoài, tạo ra sự phụ thuộc về tài chính, từ đó các báo này tự phải có sự điều chỉnh các bài viết về vấn đề thời sự của Trung Quốc.

– Kiểm soát phần lớn các phương tiện truyền thông ở nước ngoài (bằng tiếng Trung Quốc).

– Áp dụng các biện pháp trả đũa đối với các nước có hành vi phê phán hoặc được coi là không thân thiện với Trung Quốc, chẳng hạn như Na Uy khi đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba – nhân vật bất đồng chính kiến tại Trung Quốc (giảm và hạ thấp các trao đổi ngoại giao, trừng phạt thương mại gián tiếp…).

Các biện pháp gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc đã khiến các nước phương Tây phải đối phó bằng các chính sách và tăng cường các biện pháp an ninh, đặc biệt là tại Australia. Tại Australia, Trung Quốc đẩy mạnh việc tuyển chọn những người có ảnh hưởng, có uy tín và khả năng của Australia – gồm các nhà thầu khoán, chính trị gia, giáo sư đại học…; cộng đồng người Hoa (chiếm 5% dân số của Australia), sự phụ thuộc vào tài chính, tài trợ cho một số Đại học, hãng truyền thông cũng như cho chiến dịch tranh cử… để Trung Quốc tiếp cận với giới chính trị và khoa học của Australia. Một số chính trị gia tham nhũng, nhận tiền của Trung Quốc, đã hậu thuẫn cho lập trường Trung Quốc đối với các vấn đề quốc tế trong đó có vấn đề Biển Đông. Một số trường đại học của Australia đã thực sự trở thành phương tiện tuyên truyền cho Trung Quốc; Australia đã biết rõ sự nguy hiểm này và đã tăng cường vấn đề pháp lý nhằm kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài vào lãnh thổ Australia, nhất là lĩnh vực truyền thông. Tháng 6/2018, Quốc hội Australia còn thông qua luật chống gián điệp và can thiệp từ bên ngoài.

Hiện Trung Quốc có được khả năng tuyên truyền đa dạng, một cuộc chiến thông tin có hệ thống và theo nhiều hướng, nhiều lĩnh vực. Các nội dung mà Trung Quốc tuyên truyền đặc biệt là về vấn đề Biển Đông thường có quan điểm chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải, hàng không của các nước phương Tây tại khu vực này; các hành động xua đuổi tàu thuyền của nước ngoài ra ngoài khu vực là việc mà Trung Quốc đang bảo vệ chủ quyền của mình; các hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc tại khu vực này là nhằm mục đích phục vụ dân sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới