Khi nếm trải khó khăn và thách thức từ chính sách của Mỹ, Trung Quốc phải tự trách mình vì đã đánh giá thấp Tổng thống Donald Trump.
Chữ nhẫn của ông Trump
Giới phân tích thời gian qua đã lật lại những đánh giá của báo giới, chuyên gia và cả các quan chức Trung Quốc đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông vừa lên nắm quyền, qua đó hé lộ sách lược mà ông chủ Nhà Trắng sử dụng đang khiến Bắc Kinh không mấy dễ chịu. Theo cách nói của người Trung Quốc thì có thể gọi đây là “khổ nhục kế” bởi ông Trump sẵn sàng hứng chịu những lời chê bai.
Vào ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 45 (20/1/2017), tờ China Daily đã đánh giá “tất cả những lời đe dọa chiến tranh thương mại với Bắc Kinh chỉ là lời nói bốc đồng của một con ‘hổ giấy’”.
Sau đó vài tuần, khi ông Trump tuyên bố công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, giới phân tích Trung Quốc thậm chí còn cho rằng Tổng thống Mỹ “đã thua trong cuộc so găng với người đồng cấp Tập Cận Bình, và ông Trump sẽ bị coi là ‘hổ giấy’”. Khi đó, người Trung Quốc có lẽ đã tự tin rằng ông Trump phải từ bỏ thế đối đầu với chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Trong thời gian đầu mới lên nắm quyền, Tổng thống Trump không những “bỏ qua” nhiều lời hứa khi vận động tranh cử liên quan tới Trung Quốc mà còn tỏ ra “thân thiện” khi phát triển mối quan hệ nồng ấm với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Trump cũng đưa ra nhiều quyết định được cho là đặc biệt có lợi cho Trung Quốc như quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Giới phân tích Trung Quốc khi đó đã mừng rỡ gọi đây là “món quà quý giá” mà ông Trump tặng cho, đồng thời mơ về thời kỳ tỏa sáng cho Trung Quốc còn Mỹ thì “rút về ở ẩn”.
Tạp chí Atlantic của Mỹ vài tháng sau đó cho đăng một bài báo dẫn lời của Thẩm Đinh Lập, Giáo sư trường Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), khẳng định “Trung Quốc có thể dễ dàng đối phó với Trump”, và người Trung Quốc “quá may mắn” vì nước Mỹ có tổng thống như vậy.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2017, ông Trump đã ca ngợi ông Tập Cận Bình là “người rất đặc biệt”. Ngoài ra, ông còn bày tỏ “sự tôn trọng sâu sắc” với đất nước Trung Quốc và “truyền thống văn hóa tuyệt vời của người dân nước này”.
Trung Quốc từng vui mừng vì Mỹ có một vị Tổng thống như ông D. Trump? |
Chưa kể, ông Trump còn thừa nhận Bắc Kinh có lợi thế hơn Mỹ trong vấn đề thâm hụt thương mại mà không có bất kỳ lời phàn nàn nào như từng thể hiện trước đó.
Khi nước Mỹ bước đi dưới khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump và thi hành chính sách biệt lập, Trung Quốc với vị thế của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành ngôi sao tại hầu hết những diễn đàn quốc tế quan trọng.
Tung đòn bất ngờ
Thế nhưng, những diễn biến trong gần 2 năm qua cho thấy, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ không hề “đơn giản”. Ngoài việc phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc từ tháng 6/2018, chính quyền Tổng thống Trump còn áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong hàng loạt lĩnh vực then chốt. Giới phân tích bình luận rằng, có thể nói, từ những năm 70 của thế kỷ trước, chưa một tổng thống Mỹ nào lại có quan điểm cứng rắn toàn diện với Trung Quốc như ông Trump.
Thay vì coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược” của Mỹ, Tổng thống Trump coi Bắc Kinh là “đối thủ chiến lược”, là “kì phùng địch thủ”. Chính tính cách “bốc đồng” mà giới phân tích Trung Quốc gán cho ông Trump khi mới lên nắm quyền giờ đây đang khiến Bắc Kinh đau đầu vì không thể đoán định các bước đi của ông.
Những tham vọng toàn cầu như “Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025” nhằm đưa Trung Quốc trở thành “đầu tàu thế giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” đang phải đối mặt với những quả “tạc đạn” mang tên thuế quan từ Mỹ. Washington bồi thêm nhiều cú đòn bằng cách “cấm vận các khoản đầu tư cụ thể và tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với những cá nhân và cơ quan Trung Quốc có liên quan tới việc thu thập các công nghệ công nghiệp đặc biệt”.
Khi cuộc thương chiến mới nổ ra, người Trung Quốc vẫn tỏ ra tự tin khi tuyên bố nền kinh tế thứ hai này đủ sức “dạy Washington một bài học” hay sẽ có cú phản đòn khiến Mỹ nhớ đời…
Ngại đối đầu Trung Quốc, Tổng thống Trump hẳn đã lái nước Mỹ đi theo hướng khác |
Nhưng thời gian gần đây, một tờ báo như Thời báo Hoàn cầu cũng phải dịu giọng đáng kể với bình luận “Trung Quốc cần phải tránh xa những vấn đề mang tính cảm tính và có đánh giá chiến lược, khách quan, cụ thể về Mỹ dựa trên mối quan hệ song phương hiện tại”.
Tờ báo này cũng khẳng định: “Trung Quốc hiểu rõ sức mạnh của Mỹ và không muốn đối đầu. Tuy nhiên, Mỹ phải tôn trọng quyền phát triển của Trung Quốc”.
Tờ The National Interest của Mỹ mới đây tuyên bố thẳng thừng tính cách có vẻ khó lường và thiên hướng đối đầu sức mạnh của Tổng thống Trump đã làm thay đổi đáng kể những tính toán về rủi ro của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải liên tục xem xét lại các giả định chiến lược của họ.
Cho đến nay, ông Trump đã tạo ra một biên độ tối ưu cho tính khó lường, khiến ban lãnh đạo ở Bắc Kinh bối rối. Trên thực tế, giới lãnh đạo Trung Quốc đã công khai phàn nàn về những tín hiệu “khó hiểu” từ Nhà Trắng, phản ánh cảm giác dễ bị tổn thương và sự tuyệt vọng ngày càng tăng của họ khi cố gắng hiểu đúng vấn đề.
Dấu hiệu kinh tế gặp khó khăn có khiến Trung Quốc xuống thang? |
Tuy vậy, trong giới học giả Trung Quốc đâu đó vẫn có những tiếng nói đầy tự tin bất chấp tình hình hiện nay. Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) Diêm Học Thông cho rằng hiện tại là cơ hội chiến lược tốt nhất của Trung Quốc kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, then chốt là làm thế nào để lợi dụng cơ hội này.
Theo chuyên gia Trung Quốc, sau năm 2017, sự cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phần lớn được hưởng lợi do Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn gánh vác trách nhiệm an ninh cho các đồng minh.
Trước nhiệm kỳ của ông Trump, Mỹ đã cùng với các đồng minh ngăn chặn Trung Quốc, còn hiện tại, Mỹ lựa chọn đơn phương đối đầu với Trung Quốc. Xem xét từ góc độ chiến lược, môi trường quốc tế đối với Trung Quốc tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước khi ông Trump nắm quyền.