Từ ngày 24-26/10 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) diễn ra Diễn đàn An ninh Hương Sơn lần thứ 8, với sự tham gia của hơn 500 quan chức quân đội, chuyên gia, học giả đến từ 74 quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8 với chủ đề “Xây dựng đối tác an ninh kiểu mới, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng thắng”; có 4 phiên họp toàn thể để các diễn giả trao đổi xung quanh các chủ đề: “Quan niệm mới, con đường mới giải quyết an ninh quốc tế”, “Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và cách đối phó”, “Hiện thực và nguyện vọng của sự hợp tác an ninh trên biển” và “Thách thức và hợp tác trong vấn đề gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”. Diễn đàn còn lập 4 tổ thảo luận xoay quanh các vấn đề “Cục diện mới của an ninh khu vực Đông Bắc Á”. “Đánh giá về cơ chế tin tưởng lẫn nhau trong an ninh châu Á – Thái Bình Dương” và “Trí tuệ nhân tạo và diễn biến của hình thái chiến tranh”. Ngoài ra, bên lề diễn đàn còn tổ chức hội thảo giữa các sĩ quan, học giả trẻ Trung Quốc và các nước.
Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8 tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa đưa ra 4 đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh: (1) Hợp tác xa rộng hơn nữa thông qua nâng cao đối thoại chiến lược, quản lý các nguy cơ và khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát, nâng cao tin tưởng lẫn nhau và hợp tác làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng để nâng cao quản trị an ninh toàn cầu. (2) Tiếp tục theo đuổi rộng mở dung nạp thay vì đối đầu, chấp nhận khác biệt, tạo điều kiện cho hợp tác cùng thắng và an ninh chung. (3) Theo đuổi tham vấn và đóng góp chung thay vì chủ nghĩa đơn phương. Các quốc gia cần kết hợp với nhau trên một con thuyền, các quốc gia lớn phải có đóng góp lớn hơn, thúc đẩy điều phối đa phương. (4) Theo đuổi tôn trọng lẫn nhau, chung sống trong hòa bình, bình đẳng, thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế, đối xử chân thành và chấp nhận lẫn nhau.
Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Ngụy Phụng Hòa ngang nhiên cho rằng: “Trung Quốc vẫn là nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thống nhất lãnh thổ, quân đội Trung Quốc luôn luôn khắc cốt ghi tâm: lãnh thổ thiêng liêng của tổ tông để lại một tấc cũng không được để mất, cái gì của người khác một mẩu cũng không cần. Các đảo ở Biển Đông từ xưa tới nay là lãnh thổ Trung Quốc, do tổ tông để lại, một tấc cũng không để mất. Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông là thực hiện chủ quyền và quyền tự vệ quốc gia, không liên quan gì đến quân sự hóa. Trung Quốc phản đối các quốc gia ngoài khu vực viện cớ bảo vệ tự do hàng hải để đến Biển Đông diễu võ giương oai, khiêu khích và làm tăng căng thẳng trong khu vực. Về chính sách quốc phòng, Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự một cách phù hợp, để bảo vệ hòa bình và an ninh cho nhân dân lao động, xưa nay chưa từng uy hiếp quốc gia nào. Dù phát triển đến đâu đi nữa, Trung Quốc quyết vĩnh viễn không xưng hùng xưng bá, vĩnh viễn không chạy đua vũ trang”.
Trong khi đó, liên quan vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho biết, Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì giảiquyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; đảm bảo lợi ích của hai nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia khác; thông qua đối thoại để kiểm soát tốt những vấn đề tồn tại, không để ảnh hưởng đến cục diện tốt đẹp của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vấn đề Biển Đông bị hạn chế đưa ra thảo luận tại Diễn đàn
Theo South China Morning Post (27/10) nhận định, truyền thông Trung Quốc đã không đăng tải bất kỳ phát biểu nào chỉ trích Mỹ từ phía Trung Quốc cũng như vấn đề Biển Đông mặc dù các nhà tổ chức đã mong đây sẽ là những chủ đề bàn luận chính của Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8. Cũng theo South China Morning Post, các nhà tổ chức diễn đàn an ninh Hương Sơn đã hạn chế để các đại biểu phát biểu, thảo luận về những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến khu vực. Những đề tài “nóng” như căng thẳng Trung – Mỹ hầu như không được mang ra bàn thảo trong suốt các chương trình nghị sự. Vấn đề biển Đông còn bị giới hạn trong một phiên họp toàn thể bàn về một chủ đề rộng lớn hơn là hợp tác an ninh hàng hải. Chỉ có duy nhất một đại biểu quân sự được mời phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn năm nay. Đó là một đại diện từ Philippines – một quốc gia liên quan trực tiếp trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Theo trang tin Đa Chiều, về vấn đề Biển Đông, Ngụy Phượng Hòa đã cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông một cách phi pháp là “thực thi quyền tự vệ của quốc gia có chủ quyền, không liên quan đến quân sự hóa”. Ông ta ám chỉ Mỹ khi nói, Trung Quốc “phản đối quốc gia ngoài khu vực giương chiêu bài tự do hàng hải để tới Nam Hải (Biển Đông) thể hiện vũ lực và tiến hành khiêu khích, làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực”.
Diễn đàn Hương Sơn nhằm cạnh tranh với Đối thoại Shangri-La
Bắt đầu từ năm 2006, do Viện Khoa học quân sự và Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đứng ra tổ chức, lúc đầu đây chỉ là cuộc hội thảo học thuật quốc tế mang tên Diễn đàn Hương Sơn với 50 học giả quốc tế tham gia, tiến hành 2 năm một lần. Từ năm 2014 Diễn đàn Hương Sơn chuyển thành diễn đàn quốc tế về phòng thủ và an ninh tiến hành mỗi năm một lần (trừ năm 2017 không tổ chức được với lý do Viện Khoa học quân sự Trung Quốc đang tái cơ cấu). Đến năm nay, hoạt động có tính trao đổi học thuật này được đổi tên thành “Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh” với sự có mặt của 500 đại biểu đến từ 67 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 50 quan chức cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, hơn 80 chuyên gia, học giả nước ngoài và gần 40 chuyên gia, học giả Trung Quốc về vấn đề quốc phòng và an ninh quốc tế.
Theo trang tin Đa Chiều, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh có thể được Trung Quốc sử dụng để thách thức địa vị của Đối thoại Shangri-la. Đối thoại Shangri-la được tổ chức tại Đông Nam Á, một trong những trung tâm của địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương, được Mỹ ngầm ủng hộ. Còn Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh được các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm và ủng hộ, đồng thời có sự tham gia và ủng hộ của các nước Đông Bắc Á và Tây Á. Sự quan tâm của lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rõ qua việc ông Tập Cận Bình gửi thư chúc mừng và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư tới dự.