Cử tri Mỹ sẽ bầu ra đại diện mới tại quốc hội và cơ quan chính quyền, có thể tác động lớn tới toàn bộ nền chính trị nước này.
Cử tri trên khắp nước Mỹ hôm 6/11 sẽ đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử giữa kỳ để lựa chọn người đại diện cho họ ở nhiều vị trí khác nhau, từ lưỡng viện quốc hội cho tới thị trưởng, cảnh sát trưởng nơi họ sinh sống, theo Washington Post.
Không giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ có hệ thống bầu cử với các quy tắc, quy định khá phức tạp và cuộc bầu cử giữa kỳ không phải là ngoại lệ. Cuộc bầu cử này diễn ra vào giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống đương nhiệm và chứng kiến hàng loạt cuộc đối đầu giữa các ứng viên, từ các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ ở Washington cho tới ủy viên hội đồng trường học ở thôn quê.
Cuộc bầu cử các ghế ở hạ viện và thượng viện Mỹ diễn ra hai năm một lần được coi là cuộc đua tranh khốc liệt nhất và đáng chú ý nhất. Trong đợt bầu cử giữa kỳ này, toàn bộ 435 ghế trong hạ viện Mỹ sẽ được bầu lại và có thể chứng kiến tình thế đảo chiều ngoạn mục giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc nắm quyền kiểm soát hạ viện.
Trong khi đó, chỉ có 1/3 số ghế ở thượng viện được bầu lại, do nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ Mỹ kéo dài tới 6 năm. Năm nay, chỉ 35 trong tổng số 100 ghế ở thượng viện Mỹ có thể sẽ được đổi chủ. Tất cả những quy định về nhiệm kỳ và ngày bỏ phiếu đều được quy định trong hiến pháp Mỹ.
Hiến pháp quy định một đảng cần nắm giữ ít nhất 51 ghế để kiểm soát thượng viện và 218 ghế để kiểm soát hạ viện. Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ, bởi đảng Dân chủ hiện chỉ nắm 49 ghế ở thượng viện và 193 ghế tại hạ viện.
Việc bầu lại các ghế ở hạ viện và thượng viện như vậy được coi là cơ hội lớn nhất giữa hai cuộc bầu cử tổng thống để cử tri Mỹ thể hiện quan điểm của mình về năng lực của tổng thống đương nhiệm sau hai năm cầm quyền. Nếu đa số các cử tri không hài lòng với những gì tổng thống đã làm, họ có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực của nước Mỹ bằng lá phiếu của mình.
Tuy nhiên, quá trình bầu các đại biểu quốc hội Mỹ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong khi hiến pháp quy định mỗi bang được “chốt cứng” hai ghế tại thượng viện, số ghế ở hạ viện của mỗi bang lại tùy thuộc vào dân số của bang đó. Bang nào càng đông dân lại càng có nhiều đại biểu trong số 435 ghế ở hạ viện.
Mỗi đại biểu tại hạ viện đại diện cho một khu vực bầu cử riêng tại nơi mình sinh sống, tuy nhiên bản đồ khu vực bầu cử nhiều khi lại không dựa trên yếu tố địa lý mà được vẽ theo mức độ ủng hộ với từng đảng, dẫn tới hiện tượng nhiều khu vực bầu cử có hình dạng “không giống ai”.
Sự thay đổi của Khu vực Bầu cử Quốc hội số 12 bang Bắc Carolina qua các thời kỳ. Đồ họa: Wired. |
Hiến pháp Mỹ quy định cứ 10 năm lại tiến hành tổng điều tra dân số một lần và số ghế ở hạ viện của mỗi bang được phân chia theo kết quả điều tra dân số này, với hậu quả là một số bang được thêm hoặc mất ghế tại hạ viện do những thay đổi về dân số. Đảng cầm quyền có thể lợi dụng điều này để vẽ ra những khu vực bầu cử có lợi nhất cho mình và gây trở ngại lớn nhất cho đảng đối lập.
Đảng đối lập có thể khiếu nại việc vẽ bản đồ khu vực bầu cử lên tòa án và nếu nhận thấy hành động đó là bất công, thẩm phán có thể yêu cầu vẽ lại bản đồ khu vực bầu cử, nhưng thường sẽ kéo theo nhiều hỗn loạn.
Dựa trên kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, bình luận viên Aaron Blake của Washington Post dự đoán sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, đảng Dân chủ sẽ giành lại được quyền kiểm soát hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa vẫn giữ vững vị thế của mình ở thượng viện, thậm chí là có thể có thêm 1-2 ghế.
Đảng Dân chủ hiện nay chỉ cần có thêm 23 ghế là sẽ giành quyền đa số tại hạ viện Mỹ. Cuộc thăm dò do Cook Political Report tiến hành cho thấy họ sẽ lấy lại được ít nhất 16 ghế từ phía đảng Cộng hòa, và chỉ cần thêm 7 ghế trong tổng số 30 ghế “dao động” là sẽ kiểm soát được hạ viện, kịch bản được Blake đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Trong khi đó, cuộc “lật đổ” ở thượng viện sẽ khó khăn hơn rất nhiều, dù đảng Dân chủ chỉ cần có thêm hai ghế để chiếm thế đa số. Các cuộc thăm dò cho thấy bản đồ bầu cử thượng nghị sĩ có lợi cho đảng Cộng hòa và các ứng viên đảng này thậm chí có thể giành được thêm 2-3 ghế từ những bang trước đây bầu cho đảng Dân chủ để bù cho nguy cơ bị mất ghế ở Arizona và Nevada.
Tác động tới Trump và nền chính trị Mỹ
Ứng viên đảng Dân chủ Beto O’Rourke (đứng quay lưng) phát biểu trước cử tri khi chạy đua ghế thượng nghị sĩ bang Texas hôm 4/11. Ảnh: AP. |
Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ có thể có tác động rất lớn tới bối cảnh chính trị của nước Mỹ, đặc biệt là với những chính sách gây tranh cãi trong hai năm qua của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Với việc giành được quyền kiểm soát quốc hội, mỗi đảng đều có lợi thế đáng kể để thông qua chương trình nghị sự của mình hoặc cản trở các đề xuất của đối thủ cũng như bác bỏ những ứng viên được Tổng thống đề cử vào Tòa án Tối cao.
Một số chương trình hành động và cam kết tranh cử có thể được Trump hồi sinh nếu đảng Cộng hòa bảo vệ được quyền kiểm soát quốc hội của mình. Tổng thống Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare, thậm chí nỗ lực đưa đạo luật mới ra trước thượng viện hồi năm ngoái nhưng chưa thành công.
Nếu sau cuộc bầu cử giữa kỳ này, đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại hạ viện và thượng viện, nỗ lực bãi bỏ Obamacare của Trump được dự đoán là sẽ thuận lợi hơn nhiều và đạo luật thay thế có thể được thông qua ngay trong năm tới.
Trong khi đó, nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, họ có thể cản trở hàng loạt biện pháp do đảng Cộng hòa đưa ra bằng cách ngăn cản việc thực thi chúng. Khi nắm quyền kiểm soát hạ viện, đảng Dân chủ thậm chí còn có thể khởi động tiến trình luận tội Trump, kịch bản có thể khiến Tổng thống bị phế truất nếu ông bị kết luận là thông đồng với Nga.
Dù đây là kịch bản được rất nhiều người nhắc đến, các chuyên gia cho rằng nó sẽ rất khó xảy ra trong tình hình chính trị nước Mỹ hiện nay. Hiến pháp Mỹ quy định luận tội là tiến trình gồm hai bước, trong đó bước đầu tiên diễn ra ở hạ viện, nơi các nghị sĩ đưa ra những lời buộc tội chống lại tổng thống.
Nếu đa số nghị sĩ tại hạ viện nhất trí với lời buộc tội này, tổng thống gần như chính thức bị truy tố. Lúc đó, thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu và tổng thống chỉ bị phế truất khi 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý với lời buộc tội.
Kịch bản này chỉ xảy ra khi đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ, điều khó có thể diễn ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ này. Ngay cả khi chiếm đa số tại hạ viện và thượng viện, các lãnh đạo đảng Dân chủ cũng không mặn mà với việc luận tội Trump, khi người đứng đầu đảng Dân chủ ở hạ viện Nancy Pelosi từng tuyên bố việc luận tội Tổng thống “không phải là một ưu tiên”.
Điều đảng Dân chủ có thể làm sau khi kiểm soát hạ viện là tiến hành cuộc điều tra quyết liệt hơn với cáo buộc Trump thông đồng với Nga cùng các thương vụ của ông hay bất cứ vấn đề nào mà họ tin rằng đã bị đảng Cộng hòa cho “chìm xuồng”. Những cuộc điều tra như vậy có thể đưa ra bằng chứng mới hoặc tạo bão dư luận gây bất lợi đáng kể cho nỗ lực tái tranh cử của Trump vào năm 2020.
Blake cũng cảnh báo rằng nếu cuộc bầu cử giữa kỳ này giúp đảng Dân chủ kiểm soát được hạ viện nhưng ưu thế đa số ở thượng viện vẫn thuộc về đảng Cộng hòa, nền chính trị Mỹ có thể sẽ lâm vào tình trạng bế tắc trong hai năm tiếp theo. “Khi hai đảng đấu đá lẫn nhau, sẽ khó có thể có một đạo luật lớn nào được thông qua”, bình luận viên này nhận định.