Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ thề thốt với Mỹ nhưng cùng Nga hạ giá trị đồng...

TQ thề thốt với Mỹ nhưng cùng Nga hạ giá trị đồng đô

Trung Quốc hứa đàm phán thương mại với Mỹ hạ nhiệt cuộc đối đầu, đồng thời bắt tay Nga hạ bệ đồng USD.

Trung Quốc hứa đàm phán kinh tế với Mỹ

Phó Chủ tịch Trung Quốc, Cố vấn tin cậy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – ông Vương Kỳ Sơn mới đây đã có phát biểu quan trọng, nhấn mạnh việc Bắc Kinh luôn muốn hạ nhiệt cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung.

Theo đó, ông Sơn khẳng định Bắc Kinh luôn sẵn sàng thảo luận về một giải pháp thương mại với Mỹ.

“Trung Quốc luôn nỗ lực để thảo luận với Mỹ về các vấn đề có liên quan; đồng thời giữ bình tĩnh, tỉnh táo và sẵn sàng nắm lấy những cơ hội cởi mở, qua đó đạt được những mục đích song phương giúp cả hai bên đều giành thắng lợi” – ông Sơn nhấn mạnh.

Tuyên bố của Vương Kỳ Sơn được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế kéo dài 6 ngày ở Thượng Hải.

Mục đích của sự kiện này là nhằm xây dựng hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia tiêu thụ đáng kể các hàng hóa nhập ngoại. Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự khao khát của Trung Quốc đối với những sản phẩm do các nước trên thế giới sản xuất. Ông cũng khẳng định cam kết rằng Trung Quốc sẽ hạ thấp thuế nhập khẩu và cải thiện việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Theo New York Times, hội chợ là cơ hội để Trung Quốc chứng minh với thế giới rằng nước này không chỉ có ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ với hàng loạt sản phẩm len lỏi khắp nơi trên thế giới, khiến các nhà lãnh đạo tại một số quốc gia như Mỹ cảm thấy lo lắng cho số phận của các ngành công nghiệp trong nước.

Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn không từ bỏ cánh cửa thứ hai khi tìm cách tranh thủ sự ủng hộ về chính trị trong cuộc xung đột với Mỹ, vừa để đảm bảo rằng Trung Quốc có nhiều thị trường để bán hàng hóa, chứ không chỉ riêng Mỹ.

Cuộc gặp gần đây giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là nhằm phát đi một tín hiệu rằng, lập trường thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump nhằm vào Nhật Bản và Trung Quốc có thể đưa hai đối thủ khu vực xích lại gần nhau.

Trung Quốc bắt tay Nga hạ bệ đồng USD

Trong khi đó, Trung Quốc đã sẵn sàng bắt tay với Nga về việc thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng đồng nội tệ của mỗi nước, giúp giảm rủi ro trừng phạt và phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ.

Trung Quoc hua voi My nhung bat tay Nga ha be USD
Thủ tướng Nga và Chủ tịch Trung Quốc tham dự Hội chợ tại Thượng Hải.

Phát biểu tại buổi khai mạc hội chợ triển lãm quốc tế Trung Quốc đầu tiên tổ chức tại Thượng Hải, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hoan nghênh sự gia tăng hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong việc cho vay lẫn nhau bằng đồng nội tệ, gồm cả vay thực hiện dự án đầu tư.

“Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không phụ thuộc vào tình hình kinh tế và chính trị hiện tại vì hai nước đều dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, kể cả về mặt lợi ích. Việc này mở đường cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư, cũng như cho việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại. Tôi tin rằng đó là điều đúng đắn để thúc đẩy tài chính tín dụng bằng đồng nhân dân tệ (NDT) và ruble” – Thủ tướng Medvedev phát biểu.

Quan điểm của Nga và Trung Quốc về cơ chế thanh toán này đã được thảo luận nhiều lần và thống nhất thông qua nhiều cuộc thảo luận, bao gồm cả Diễn đàn kinh tế Viễn Đông hồi tháng 9.

Khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, việc cả hai nước sử dụng đồng nội tệ thường xuyên hơn trong các giao dịch thương mại song phương sẽ giúp cho sự ổn định của các ngân hàng phục vụ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, đặc biệt là ứng phó với rủi ro liên tục trên thị trường toàn cầu.

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định điều này, cho rằng, hai nước nên hợp tác cùng nhau để chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Trao đổi về cơ chế mới sử dụng đồng nội tệ, Phó Thủ tướng Nga Sergei Prikhodko cho biết, đây là nhiệm vụ cấp bách, diễn ra do sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều quan trọng là phải có cơ chế mới để tiến hành các thỏa thuận chung giữa các tổ chức kinh tế của cả hai nước.

Trung Quốc thay đổi cả thế giới

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang tìm cách tự khẳng định uy tín của họ trong nhiều vấn đề quốc tế, trước hết là với Iran.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Hợp tác thương mại hợp pháp với Iran cần được tôn trọng” và tái khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác thương mại với Iran.

Đáng chú ý là tuyên bố được phát đi sau 1 ngày Mỹ công bố biện pháp trừng phạt mới nhất và đầy quyết liệt đối với Tehran nhằm tìm mọi cách ngăn chặn nền kinh tế của nước này.

Đặc biệt, Trung Quốc cũng là quốc gia được Mỹ liệt vào danh sách miễn trừ trừng phạt đối với Iran. Điều này sẽ giúp họ có được các hợp đồng mua bán dầu một cách bình thường trở lại với quốc gia Trung Đông này.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang tạo dựng vị thế của mình tại đấu trường thế giới. Điều này được Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khen ngợi.

Bà Lagarde cho rằng, những đổi mới về kinh tế của Trung Quốc từ 40 năm trước không chỉ thay đổi cuộc sống bên trong đất nước mà còn thay đổi nền kinh tế thế giới.

“Bốn mươi năm trước, Trung Quốc bắt đầu kiến thiết cây cầu kết nối với phần còn lại của thế giới bằng cách mở cửa nền kinh tế và kích thích sự khởi đầu của quá trình cải cách, làm thay đổi cuộc sống và cơ hội của hàng trăm triệu người trong nước cũng như bên ngoài đất nước Trung Quốc” – Tổng Giám đốc Lagarde nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới