Trong những năm qua, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến hàng loạt những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Cùng với đó là sự tham gia của Mỹ và các nước tại vùng biển này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thường xuyên triển khai lực lượng theo dõi, ngăn cản tàu thuyền, máy bay các nước hoạt động ở khu vực đã và đang tạo ra những nguy cơ va chạm nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khó lường. Dưới đây là những lần chạm trán đáng chú ý trên biển và trên không giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Các cuộc chạm trán giữa tàu chiến, máy bay Mỹ và Trung Quốc trên ở Biển Đông. Nguồn: CNN/SCMP
Ngày 01/11/2018, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson dự báo những vụ chạm trán giữa tàu chiến Mỹ với tàu chiến TQ trên Biển Đông sẽ tiếp diễn và cho rằng các bên cần tuân thủ đúng quy trình liên lạc giữa các lực lượng hải quân, duy trì tính chuyên nghiệp và tránh rủi ro trên biển, đảm bảo sự đi lại an toàn trên vùng biển quan trọng. Đô đốc Richardson cũng tái khẳng định lập trường duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó ASEAN là tổ chức đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của khu vực.
1. Ngày 30/9/2018, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết khi tàu USS Decatur (DDG-73) khi thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải kéo dài 10 giờ trong khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) đã bị một tàu khu trục Type 052C lớp Lữ Dương của Trung Quốc theo dõi, áp sát và liên tục phát ra yêu cầu tàu USS Decatur của Mỹ phải rời khu vực. Nghiêm trọng hơn, có thời điểmtàu chiến Trung Quốc đã liều lĩnh chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41 m, buộc khu trục hạm Decatur đổi hướng để tránh va chạm. Hành động này cho thấy mức độ hung hãn, nguy hiểm, bất chấp luật pháp và hậu quả nghiêm trọng có thể gây ra cho phía bên kia của Trung Quốc. Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đại tá Charles Brown đã chỉ trích tàu Trung Quốc có “hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp trên Biển Đông”. Ông cho biết Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, như đã thực hiện trong quá khứ và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Lực lượng này sẽ tiếp tục bay, lưu thông tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng hành động áp sát của tàu Trung Quốc đi ngược các cam kết đã được Mỹ và Trung Quốc nhất trí trong Bộ quy tắc về Chạm mặt bất ngờ Trên biển (CUES) ký năm 2014, cũng như các quy tắc và luật pháp quốc tế.
2. Ngày 27/5/2018, Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam đã tiến vào khu vực 12 hải lý gần đảo Cây, Phú Lâm, Tri Tôn và Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện do Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc đã điều tàu chiến theo sát và phát thông báo xuôi đuổi các tàu chiến của Mỹ.
3. Ngày 19/5/2018, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông, máy bay P8-A Poseidon, loại máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm tối tân nhất của Mỹ đã bị hải quân Trung Quốc đưa ra cảnh cáo 8 lần. P8-A Poseidon lúc đó đang bay thấp xuống trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc đang xây dựng và bồi đắp một số đảo. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho phép một số phóng viên của CNN đi cùng chuyến bay do thám này và đã ghi lại những hành động của Trung Quốc. Cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell cho biết sự đối đầu này cho thấy hoàn toàn có thể gây ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ công khai video cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc và cho nghe những âm thanh thách thức máy bay Mỹ. Lúc đó, chiếc P8-A Poseidon đang bay ở độ cao 4,5 km (mức thấp nhất).
4. Ngày 18/2/2017, trong khi tiến hành tuần tra ở Biển Đông, một chiếc P-3 Orion của hải quân Mỹ đã bị máy bay giám sát Trung Quốc áp sát ở khoảng cách “không an toàn” (khoảng 300 m). Lúc đó, một quan chức Mỹ đã nói với CNN rằng chiếc P-3 Orion phải lảng tránh để không xảy ra va chạm. Máy bay Trung Quốc được xác định là KJ-200, thuộc biên chế của Quân đội Trung Quốc. Sau sự cố này, Mỹ cho biết các vụ chạm trán giữa các lực lượng không quân Mỹ và Trung Quốc hiếm khi xảy ra.
5.Ngày 23/7/2017, một trong những máy bay J-10 của Trung Quốc đã đến gần chiếc máy bay EP-3 của Mỹ, khiến máy bay này phải đổi hướng đi. Phía Mỹ cho biết máy bay của Trung Quốc đã được trang bị vũ khí và vụ đánh chặn diễn ra cách thành phố Thanh Đảo Trung Quốc 80 hải lý (148 km). Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “cuộc gặp gỡ” giữa máy bay của hai bên là không an toàn, nhưng cũng nói thêm rằng phần lớn các tương tác đã đạt mức cho phép. Trong khi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đã thường xuyên tiến hành các hoạt động giám sát gần bờ biển Trung Quốc và điều này không có lợi cho sự tin tưởng lẫn nhau giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ đồng thời là mối đe dọa đối với an ninh chính đáng của Trung Quốc.
6. Ngày 17/5/2017, hai máy bay SU-30 của Trung Quốc đã chặn một chiếc máy bay của Mỹ được thiết kế để phát hiện bức xạ khi chiếc máy bay này xuất hiện trên vùng Biển Đông. Khi đó, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã tiến sát chỉ cách máy bay Mỹ 45 m. Trước cáo buộc của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định hai tiêm kích Su-30 đã hoạt động hợp pháp và an toàn.
7. Ngày 12/9/2016, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan đã “chạm trán” ở eo biển Bashi, cửa ngõ Tây Thái Bình Dương. Không quân Trung Quốc đã điều các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và các máy bay hỗ trợ vượt qua eo biển Bashi hướng về Tây Thái Bình Dương. Đúng thời điểm đó, tàu khu trục USS Spruance của Hải quân Mỹ đang trở về căn cứ ở Nhật Bản sau chuyến tuần tra Biển Đông và phát hiện phi đội của Không quân Trung Quốc. Chỉ huy tàu USS Spruance đã đề nghị phòng thủ trên không và ngay lập tức 8 máy bay chiến đấu F-15 xuất phát từ Okinawa cùng với 2 máy bay trinh sát điện tử RC-135 được triển khai tới khu vực. Các máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc đã “chạm trán” nhau ở gần đảo Orchid và đều tìm cách chiếm độ cao để chiếm ưu thế với những cú ngoặt gấp. Không quân Đài Loan sau khi phát hiện các phi đội của Mỹ và Trung Quốc cũng lập tức triển khai 16 máy bay chiến đấu F-16 và IDF thành vài đợt khác nhau, tuy nhiên chỉ giám sát tình hình từ phía xa thay vì tiếp cận các máy bay Mỹ và Trung Quốc. Cuối cùng, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã bay về hướng Bắc, trong khi máy bay Trung Quốc di chuyển theo hướng Đông. Phi đội của Trung Quốc gồm các máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-30, máy bay tiếp liệu, khi đó đang tiến hành diễn tập thường niên nhằm nâng cao khả năng phòng thủ.
8. Ngày 19/5/2016,Hai tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã bay cách máy bay trinh sát điện tử EP-3 Aries thuộc quân đội Mỹ chỉ 15 m. Các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định phi công Mỹ đã buộc phải hạ độ cao đột ngột để tránh va chạm. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định chiếc EP-3 Aries khi đó đang thực hiện nhiệm vụ trên không phận quốc tế và động thái của Trung Quốc là không an toàn. Về phần mình, Trung Quốc khẳng định tiêm kích J-11 đã giữ khoảng cách “chấp nhận được” với máy bay quân sự Mỹ.
9.Ngày 05/12/2013, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết một tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ hoạt động trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông đã buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm với chiến hạm Trung Quốc “lởn vởn” gần sát.Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố chiếm hạm của quốc gia này đang trong nhiệm vụ tuần tra bình thường khi “gặp gỡ” tàu tuần dương của Mỹ.
10.Ngày 19/8/2014, Quan chức Lầu Năm Góc cho biết một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát trên đầu chiếc máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đông, có thời điểm chỉ cách 9m. Mỹ cho biết chiến đấu cơ Trung Quốc thậm chí còn thực hiện kỹ thuật nhào lộn. Trung Quốc sau đó bác bỏ cáo buộc và khẳng định phi công của quân đội nước này đã duy trì khoảng cách an toàn.
11. Ngày 01/4/2001, Trong một nhiệm vụ thực hiện gần bờ biển Trung Quốc, máy bay EP-3E Aries II của Hải quân Mỹ đã va chạm với chiến đấu cơ F-8. Vụ va chạm xảy ra ở vị trí cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 80km về phía Đông Nam. Mỹ gọi đây là không phận quốc tế. Máy bay Mỹ đã hạ cánh khẩn cấp tại đảo Hải Nam, phi hành đoàn không bị thương tích nào. Phía Trung Quốc đã bắt giữ và thẩm tra các thành viên phi hành đoàn chiếc EP-3E Aries II. Trong khi đó, chiếc F-8 đâm xuống biển khiến phi công thiệt mạng. Vụ việc khiến mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi và Bắc Kinh còn yêu cầu Washington phải xin lỗi. Đến ngày 11/4/2001, Trung Quốc đã thả các thành viên phi hành đoàn Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống George W Bush chuyển hai lá thư xin lỗi.