Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVấn đề hợp tác trên biển trong sáng kiến “Vành đai và...

Vấn đề hợp tác trên biển trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đi qua nhiều nước ASEAN. Để triển khai sáng kiến trên, Bắc Kinh đã âm thầm triển khai nhiều kế hoạch nhằm dọn đường, tạo điều kiện thuận lợi để tái hiện lại “Con đường tơ lụa trên biển cổ xưa”. Tuy nhiên, trên thực tế, những hành động này của Trung Quốc chỉ nhằm tìm cách khẳng định “ngư dân Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra và sử dụng giao thông hàng hải trên Biển Đông”, tiến tới bác bỏ Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) và từng bước thôn tính Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (10/2013) đã đưa ra sáng kiến cùng xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Đến Tháng 11/2014, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng sáng kiến Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm xây dựng lòng tin chiến lược và thúc đẩy sự phát triển cùng có lợi trên bảy lĩnh vực ưu tiên bao gồm hợp tác biển, tài chính, an ninh, bảo vệ môi trường và giao lưu nhân dân. Năm 2015, Trung Quốc chính thức công bố tài liệu “Tầm nhìn và Hành động về việc cùng xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Chiến lược này nhằm thúc đẩy hợp tác chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, thương mại lưu thông, hội nhập tài chính, liên kết con người, tuân thủ nguyên tắc để đạt được sự phát triển chung thông qua thảo luận và hợp tác, thúc đẩy xây dựng Vành đai và Con đường.

Với mục đích đồng bộ hóa kế hoạch phát triển, thúc đẩy hành động chung giữa các quốc gia dọc “Con đường tơ lụa trên biển”, thiết lập đối tác “chiến lược xanh” đa chiều, đa cấp và rộng khắp, cùng bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên trên biển, đảm bảo sự phát triển chung và thúc đẩy nguồn lợi biển, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) đưa ra tài liệu “Tầm nhìn về hợp tác trên biển nằm trong sáng kiến Vành đai, Con đường” để xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” hòa bình và thịnh vượng.

Vấn đề hợp tác trên biển trong Sáng kiến Vành đai và Con đường:

Trung Quốc tuyên truyền rằng Sáng kiến nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và Bắc Kinh tuyệt đối tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế hiện hành: (1) Trung Quốc kêu gọi duy trì trật tự trên biển quốc tế hiện tại và tôn trọng các khái niệm đa dạng về phát triển biển của các quốc gia dọc Con đường. Mối quan tâm của tất cả các bên liên quan sẽ được đáp ứng, sự khác biệt sẽ được thu hẹp và tìm kiếm nền tảng chung. (2) Trung Quốc chủ trương mở cửa thị trường hơn nữa, nâng cao môi trường đầu tư, xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy đầu tư, thương mại. Trung Quốc tìm kiếm sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị, đẩy mạnh đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và cùng tồn tại hài hòa. (3) Trung Quốc tuân thủ luật lệ thị trường và các định chế quốc tế, phát huy vai trò chính của doanh nghiệp. Trung Quốc khuyến khích sự ra đời của các đối tác thành viên và thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của chính phủ, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và các chủ thể công nghiệp và thương mại trong hợp tác trên biển. (4) Trung Quốc tôn trọng ý chí của các quốc gia dọc tuyến đường, cân nhắc lợi ích của tất cả các bên và phát huy lợi thế so sánh của họ. Trung Quốc sẽ cùng đưa ra kế hoạch, phát triển cùng nhau và chia sẻ thành quả hợp tác. Trung Quốc giúp đỡ các nước đang phát triển xóa bỏ đói nghèo và cùng thúc đẩy cộng đồng cùng chung vận mệnh. (5) Trung Quốc khuyến khích các nước dọc Con đường phối hợp chiến lược, tăng cường hợp tác thực chất và cùng xây dựng kênh vận chuyển trên biển hiệu quả, an toàn và không bị cản trở. Trung Quốc sẽ xây dựng nền tảng hợp tác trên biển và phát triển “đối tác xanh”, theo đuổi Con đường hài hòa giữa con người và đại dương, với đặc trưng bởi phát triển xanh, phát triển kinh tế biển, an ninh biển, tăng trưởng sáng tạo và quản trị chung. (6) Trung Quốc khẳng định sẽ làm sâu sắc hợp tác trên biển bằng việc thúc đẩy các mối liên kết gần gũi hơn với các quốc gia dọc tuyến đường thông qua Vành đai kinh tế trên biển ở Trung Quốc. Hợp tác trên biển sẽ tập trung vào xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Ấn Độ Dương – châu Phi và Địa Trung Hải thông qua kết nối hành lang kinh tế Trung Quốc – Bán đảo Đông Dương, chạy về phía Tây từ Biển Đông tới Ấn Độ Dương, và kết nối với Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), và Hành lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar (BCIM-EC). Các nỗ lực này được triển khai đồng thời với việc xây dựng một Hành lang kinh tế xanh Trung Quốc – châu Đại Dương – Nam Thái Bình Dương, chạy về phía Nam từ Biển Đông tới Thái Bình Dương. Một Con đường kinh tế xanh nữa cũng được thúc đẩy từ châu Âu qua Bắc Băng Dương.

Một số ưu tiên hợp tác trên biển trong Sáng kiến Vành đai và Con đường

Chính phủ Trung Quốc cho rằng để thực hiện được Sáng kiến trên, Bắc Kinh cũng như các nước cần ưu tiên thực hiện một số vấn đề sau: (1) Trung Quốc đề xuất các nước dọc Con đường cùng nhau bảo tồn sinh học biển, bảo vệ môi trường biển và cung cấp các dịch vụ sinh thái biển chất lượng cao, để đảm bảo an ninh sinh thái biển toàn cầu. Bắc Kinh cho rằng hợp tác thực chất sẽ thúc đẩy việc bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái biển và bảo tồn các loại động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Đẩy mạnh các cơ chế hợp tác lâu dài và xây dựng các hành lang sinh thái biển dọc biên giới. Nỗ lực triển khai theo dõi, đánh giá, bảo tồn và khôi phục các rừng ngập mặn, rạn san hô, hệ sinh thái đảo, và vùng đất ngập nước ven biển. Các diễn đàn quốc tế về các vùng đất ngập nước sẽ được tổ chức. (2) Thúc đẩy bảo vệ môi trường biển khu vực. Đẩy mạnh hợp tác nhằm giải quyết ô nhiễm biển, xả rác, axit hóa đại dương, theo dõi thủy triều đỏ và phản ứng khẩn cấp với vấn đề ô nhiễm. Thiết lập nhiều cơ chế hợp tác ở các khu vực liên quan, triển khai đánh giá sự hợp tác trong vấn đề môi trường biển và phát hành báo cáo về tình trạng môi trường biển. Sẽ thiết lập Cơ chế hợp tác Trung Quốc – ASEAN để bảo vệ môi trường biển trong khuôn khổ Kế hoạch hành động và chiến lược hợp tác môi trường Trung Quốc – ASEAN. Khuyến khích các quốc gia dọc tuyến đường cùng đưa ra và thi hành kế hoạch “Đại sứ Con đường Tơ lụa xanh”. (3) Thúc đẩy các dự án tái chế và phát triển lượng các-bon thấp trong lĩnh vực biển. Trung Quốc sẵn lòng ủng hộ các nước nhỏ hơn thích nghi với biến đổi khí hậu, và cung cấp hỗ trợ kĩ thuật đối phó với thảm họa trên biển, nước biển dâng, xói mòn bờ biển và suy thoái hệ sinh thái biển. Cung cấp hỗ trợ cho các nước dọc Con đường để tiến hành khảo sát và đánh giá các đảo và khu vực ven biển. (4) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về các-bon xanh. Trung Quốc đề xuất Chương trình các-bon xanh Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 để theo dõi hệ sinh thái carbon ven biển và đại dương, phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật và thúc đẩy nghiên cứu về hấp thụ các-bon, (carbon sink) triển khai bản “Báo cáo Các-bon xanh Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, đồng thời thiết lập diễn đàn các-bon xanh quốc tế và cơ chế hợp tác.

Liên quan lĩnh vực hợp tác, phát triển kinh tế, giao thông hàng hải trên biển, Trung Quốc đề xuất: (1) Thúc đẩy sự phát triển và xóa đói nghèo là ước vọng chung của các dân tộc dọc theo Con đường, các quốc gia này được khuyến khích tận dụng lợi thế so sánh trong việc sử dụng bền vững các tài nguyên biển, thúc đẩy kết nối giữa các quốc gia và phát triển nền kinh tế biển vì tương lai chung. (2) Trung Quốc sẵn lòng hợp tác với các quốc gia dọc tuyến đường cùng tiến hành khảo sát, và phát triển các kho và ngân hàng dự trữ tài nguyên biển. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước này nhằm đưa ra các kế hoạch sử dụng bền vững tài nguyên biển. Các doanh nghiệp được thúc đẩy tham gia sử dụng tài nguyên biển có trách nhiệm. Khuyến khích các tổ chức quốc tế tham gia các cuộc khảo sát và đánh giá các tài nguyên biển. (3) Trung Quốc cùng các quốc gia dọc tuyến đường cùng thành lập các công viên công nghiệp biển và các đặc khu kinh tế và thương mại, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực này. Thực hiện các dự án mẫu để phát triển kinh tế biển và hỗ trợ các nước đang phát triển nuôi trồng thủy sản để nâng cao đời sống và giảm đói nghèo. Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước dọc tuyến đường để phát triển các tuyến đường du lịch trên biển và sản phẩm du lịch chất lượng cao và thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin du lịch. (4) Cần củng cố hợp tác trên biển quốc tế, nâng cao mạng lưới dịch vụ vận tải giữa các nước dọc tuyến đường và cùng thiết lập trung tâm vận tải khu vực và quốc tế. Hỗ trợ các quốc gia dọc tuyến đường nâng cao hợp tác thông qua kết nối các cảng kết nghĩa và thành lập liên minh cảng. Các doanh nghiệp Trung Quốc được định hướng tham gia, xây dựng và vận hành các cảng. Cùng thúc đẩy các dự án về kế hoạch và xây dựng cáp tàu ngầm để cải thiện kết nối liên lạc quốc tế. (5) Khuyến khích trao đổi và hợp tác với các quốc gia liên quan để cải thiện môi trường thị trường vận tải quốc tế và trợ giúp vận tải trên biển. Trung Quốc sẵn lòng thúc đẩy hợp tác hải quan với các quốc gia dọc tuyến đường, công nhận luật lệ hải quan của nhau và trợ giúp lẫn nhau thực thi pháp luật. (6) Tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng và mạng lưới thông tin. Hệ thống thông tin được cải thiện ở các quốc gia dọc con đường thông qua xây dựng hệ thống bao phủ rộng rãi gồm truyền tải, xử lý, quản lý và ứng dụng thông tin, xây dựng hệ thống thông tin tiêu chuẩn và hệ thống an ninh. Hệ thống này sẽ cung cấp nền tảng cho việc chia sẻ thông tin.

Liên quan lĩnh vực an ninh, an toàn trên biển, phía Trung Quốc tuyên truyền cho rằng: (1) Hợp tác trong các dịch vụ biển công, quản lý biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, phòng chống và giảm thiểu thiên tai trên biển và thực thi pháp luật trên biển sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm an ninh biển. Tăng cường hợp tác trong các dịch vụ biển công. Trung Quốc đề xuất một sáng kiến nhằm cùng nhau phát triển và chia sẻ các dịch vụ biển công dọc theo Con đường, khuyến khích các quốc gia cùng nhau xây dựng hệ thống quan trắc và giám sát đại dương, chia sẻ kết quả thu được từ các khảo sát về môi trường biển, và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực này. Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác trong việc áp dụng Hệ thống Vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou) và hệ thống vệ tinh viễn thám để cung cấp dịch vụ thông tin và định vị theo vệ tinh. (2) Trung Quốc sẽ gánh vác các nghĩa vụ quốc tế của mình một cách phù hợp, tham gia vào các cơ chế an ninh hàng hải song phương và đa phương và các cơ chế kiểm soát khủng hoảng, và cùng hành động nhằm chống lại các vấn đề an ninh phi truyền thống như tội phạm trên biển. (3) Trung Quốc sẽ gánh vác các nghĩa vụ quốc tế của mình một cách phù hợp và cùng cố trao đổi thông tin và hợp tác trong các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn với các quốc gia dọc theo Con đường. Khuyến khích các nước mở rộng hợp tác, chia sẻ thông tin, đào tạo nhân lực và diễn tập chung nhằm tăng cường năng lực để giải quyết các vấn đề khẩn cấp trên biển bao gồm các thảm hoạ lớn và các mối đe dọa an ninh đối với khách du lịch. (4) Trung Quốc đề xuất việc cùng nhau thiết lập các hệ thống cảnh báo thiên tai tại Biển Đông, Biển Bengal, Biển Đỏ và Vịnh Aden và đề xuất cùng phát triển các sản phẩm cảnh báo thiên tai trên biển phục vụ vận tải, hộ tống, phòng chống và giảm thiểu thiên tai. (5) Trung Quốc đề xuất đẩy mạnh đối thoại với các quốc gia dọc theo Con đường và quản lý những sự khác biệt. Việc thực thi pháp luật hàng hải sẽ được đẩy mạnh theo khuôn khổ song phương và đa phương. Phát triển và cải tiến các cơ chế hỗn hợp để thực thi pháp luật biển về đánh bắt cá, chống khủng bố và chống bạo lực trên biển. Thiết lập các mạng lưới liên lạc về thực thi pháp luật biển và các kế hoạch khẩn cấp trên cơ sở nỗ lực tập thể. Xúc tiến trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật biển của các quốc gia dọc theo Con đường, và hỗ trợ cần thiết dành cho đào tạo.

Liên quan lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên biển, Bắc Kinh cho rằng: (1) Trung Quốc sẽ khởi động một Sáng kiến Đối tác Quan hệ Hợp tác Khoa học và Công nghệ Biển, cùng khảo sát và nghiên cứu các vùng biển và tuyến đường chính dọc theo Con đường, dự báo những bất thường và đánh giá tác động bằng cách nghiên cứu sự tương tác giữa gió mùa và đại dương, và thực hiện các khảo sát địa chất về ranh giới lục địa Ấn Độ Dương. Các nỗ lực hơn nữa sẽ được thực hiện để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khảo sát biển, công nghệ quan trắc, năng lượng tái tạo, khử mặn nước biển, dược liệu sinh học biển, công nghệ hải sản, máy bay và tàu không người lái. Hợp tác trong việc cùng công nhận các tiêu chuẩn công nghệ hàng hải và chuyển giao công nghệ cũng sẽ được đẩy mạnh. (2) Cùng với các quốc gia dọc theo Con đường, Trung Quốc sẽ xây dựng các diễn đàn phục vụ cho việc chia sẻ nền tảng nghiên cứu biển, nguồn tài nguyên dữ liệu và kỹ thuật, và các đặc khu hợp tác về công nghệ biển. (3) Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường chia sẻ dữ liệu và thông tin về biển giữa các quốc gia khác nhau và thiết lập các cơ chế và mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở dữ liệu về biển. Khuyến khích các quốc gia làm việc cùng nhau trong việc phân tích lại và áp dụng dữ liệu biển để xây dựng Trung tâm dữ liệu Khí tượng và Hải dương học và cùng nhau phát triển dữ liệu biển và công nghệ dựa trên nền tảng đám mây nhằm mục đích tạo ra các diễn đàn chia sẻ thông tin công khai phục vụ phát triển kinh tế xã hội. (4) Trung Quốc sẽ tài trợ Chương trình Học bổng về Biển và hỗ trợ nhiều cá nhân từ các quốc gia dọc theo Con đường sẽ đến Trung Quốc để nghiên cứu và học tập. Các nỗ lực sẽ được thực hiện để triển khai kiến thức về biển, trao đổi văn hoá và các chương trình hội nhập. Khuyến khích các thành phố ven biển ở Trung Quốc khởi động quan hệ đối tác thành phố kết nghĩa với các đối tác ở các quốc gia dọc theo Con đường. Tăng cường trao đổi và hợp tác với các tổ chức biển và các tổ chức giáo dục khoa học phi lợi nhuận.

Liên quan lĩnh vực hợp tác quản lý trên biển, Trung Quốc cho rằng: (1) Các nước liên quan cần thúc đẩy phối hợp chính sách, tăng cường hiểu biết chung, nâng cao lòng tin chính trị lẫn nhau, xây dựng các cơ chế hợp tác song phương và đa phương và cùng nhau tham gia quản lý đại dương nhằm xây dựng khuôn khổ mang tính thể chế cho việc hợp tác trên biển. (2) Trung Quốc sẽ hợp tác với các quốc gia dọc theo Con đường để thiết lập các cơ chế phối hợp và đối thoại ở các cấp và thông qua nhiều kênh để xây dựng các công cụ cho hợp tác liên chính phủ và liên ngành, bao gồm các kế hoạch hành động và lộ trình, và thúc đẩy các chương trình hợp tác quan trọng. Phát triển các cơ chế đối thoại cấp cao giữa các quốc gia dọc theo Con đường. (3) Thúc đẩy quy hoạch không gian biển xuyên biên giới cho sự tăng trưởng xanh, áp dụng các nguyên tắc và các tiêu chuẩn kỹ thuật chung và chia sẻ các thực tiễn và phương pháp đánh giá tốt nhất. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong quy hoạch không gian biển cho các quốc gia dọc theo Con đường, và cùng nhau xây dựng một diễn đàn quốc tế về quy hoạch không gian biển. (4) Tăng cường hợp tác thông qua các cơ chế đa phương. (5) Khuyến khích đối thoại và trao đổi giữa các các cơ quan tư vấn chính sách của các quốc gia dọc theo Con đường, thực hiện nghiên cứu chung về việc kết hợp các chiến lược và chính sách và triển khai các sáng kiến quan trọng nhằm cung cấp hỗ trợ trí tuệ cho “Con đường Tơ lụa trên biển của thế kỷ 21”. (6) Khuyến khích các dịch vụ công cộng liên quan đến đại dương, hội thảo học thuật, trao đổi văn hoá, hợp tác về công nghệ và phổ biến tri thức giữa các NGOs dọc theo Con đường để bổ sung cho các nỗ lực liên chính phủ nhằm tăng cường quản trị đại dương toàn cầu.

Trung Quốc đã triển khai nhiều kế hoạch, chính sách để thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường

Chính phủ Trung Quốc tích cực tìm kiếm khả năng hợp tác biển với các quốc gia dọc theo trục Con đường, cụ thể: Trung Quốc ký kết các thoả thuận, biên bản ghi nhớ (MOU) và tuyên bố chung ở cấp liên chính phủ về hợp tác biển với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan, Maldives và Nam Phi. Trung Quốc cũng nỗ lực để đồng bộ hoá chiến lược và xây dựng quan hệ đối tác sâu rộng với các quốc gia dọc theo trục Con đường.

Chính phủ Trung Quốc cũng huy động nguồn lực trong nước và thiết lập các “Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN” và “Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – Indonesia”. Trung Quốc cũng tiến hành “Chương trình khung hợp tác quốc tế về Biển Đông và các đại dương gần kề Biển Đông”. Đồng thời, “Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á” (AIIB) và “Quỹ Con đường tơ lụa” cung cấp nguồn vốn hỗ trợ cho nhiều chương trình hợp tác biển lớn. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích mở rộng các khu vực kinh tế như Vành đai Bột Hải, Đồng bằng sông Dương Tử, Bờ phía Tây eo biển Đài Loan, Đồng bằng sông Châu Giang và các thành phố cảng biển Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tỉnh Phúc Kiến trở thành địa bàn trọng yếu của “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và thúc đẩy phát triển Khu vực phát triển kinh tế biển Chiết Giang, Khu vực thí điểm kinh tế biển Phúc Kiến, khu vực quần đảo Châu Sơn…

Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm phục vụ một số mục tiêu chiến lược:

Đầu tiên, Sáng kiến trên nằm trong chiến lược tổng thể “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm tìm cách đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới, về cả kinh tế, chính trị và quân sự.

Thứ hai, thông qua triển khai sáng kiến trên, Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng đối với tất cả các khu vực trên thế giới, từng bước cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và các nước đồng minh, tiến tới thay thế vai trò của Mỹ trên thế giới.

Thứ ba, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế trong nước, hỗ trợ vận chuyển nguồn nguyên liệu và hàng hóa phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế.

Thứ tư, tạo điều kiện để Bắc Kinh hoàn thành mục tiêu xây dựng “Cường quốc biển”, trong đó bao gồm cả việc khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông và gia tăng kiểm soát tuyến đường hàng hải trong khu vực.

Thứ năm, giải quyết được vấn đề tụt hậu về kinh tế của các khu vực phía Tây Trung Quốc.

Việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến trên sẽ ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông:

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đi qua nhiều nước ASEAN. Để triển khai sáng kiến trên, Bắc Kinh đã âm thầm triển khai nhiều kế hoạch nhằm dọn đường, tạo điều kiện thuận lợi để tái hiện lại “Con đường tơ lụa trên biển cổ xưa”. Tuy nhiên, trên thực tế, những hành động này của Trung Quốc chỉ nhằm tìm cách khẳng định “ngư dân Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra và sử dụng giao thông hàng hải trên Biển Đông”, tiến tới bác bỏ Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Đáng chú ý, tháng 7/2014, các thành phố duyên hải Trung Quốc đã cùng gửi một bản kế hoạch đề nghị Tổ chức Di sản Thế giới UNESCO công nhận “Con đường Tơ lụa trên Biển xa xưa”. Các địa phương của Trung Quốc cho rằng các cơ quan di sản của họ đã tiến hành các cuộc khảo sát khảo cổ học ở quần đảo Hoàng Sa và đang mở rộng phạm vi khảo sát xuống phía Nam ở quần đảo Trường Sa. Hành động này của các địa phương Trung Quốc nhằm thông qua “Con đường tơ lụa trên Biển” để tái khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực từ trong lịch sử, cho phép nước này tăng cường hiện diện và đẩy mạnh yêu sách ở Biển Đông.

Không những vậy, thông qua việc thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế, chính trị với các nước trên tuyến đường này, Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng, phụ thuộc của nước đối tác đối với nền kinh tế của Bắc Kinh. Từ đó, Trung Quốc sẽ tìm cách chi phối, tác động, lôi kéo, thậm chí ép buộc các nước ủng hộ quan điểm, chủ trương và lập trường của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, trong đó vấn đề Biển Đông hiện được Trung Quốc coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Bề ngoài Trung Quốc kêu gọi hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhưng trên thực tế Bắc Kinh vẫn tiến hành các hành động leo thang căng thẳng bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước khác trên Biển Đông. Tính đến tháng 9/2015, Trung Quốc đã cải tạo 3.000 hecta trên các hòn đảo nước này chiếm giữ bất hợp pháp ở Biển Đông, đồng thời triển khai nhiều loại khí tài quân sự trên những đảo nhân tạo này. Hành động này của Trung Quốc khiến không chỉ các nước ASEAN mà còn tất cả các nước trên thế giới quan ngại, lo lắng khi hợp tác với Trung Quốc. Vì nước này sẽ chẳng bao giờ tuân thủ một quy định, luật lệ nào.

Ngoài ra, sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cũng là cách để Bắc Kinh phản ứng đáp trả chính sách “xoay trục sang châu Á” được Mỹ thực thi từ năm 2011. Việc triển khai sáng kiến trên sẽ giúp Trung Quốc phá vỡ vòng vây của Mỹ và các nước ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới