Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBản tin Biển Đông ngày 12/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 12/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 12/11/2018.

Lần đầu tiên Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút bỏ các tên lửa ở Biển Đông

Ngày 9/11, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ – Trung lần thứ hai giữa các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước. Hai bên đã trao đổi sâu, thẳng thắn về các vấn đề an ninh và ngoại giao quan trọng, khẳng định đây là diễn đàn mang tính xây dựng, đem đến nhiều kết quả có ý nghĩa. Về vấn đề Biển Đông, hai bên cam kết ủng hộ hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và việc sử dụng biển hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Phía Mỹ trao đổi về tầm quan trọng của việc các tàu quân sự, dân sự, lực lượng thực thi pháp luật hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút hệ thống tên lửa khỏi các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông, tái khẳng định các nước cần tránh giải quyết tranh chấp thông qua cưỡng ép hoặc hăm dọa. Đồng thời, Mỹ tiếp tục cam kết cho máy bay, tàu thuyền bay, đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Theo Japan Times ngày 10/11, đây là lần đầu tiên Washington kêu gọi Bắc Kinh rút bỏ các tên lửa ở Biển Đông. Trước đó, vào tháng 5/2018, Lầu Năm góc từng từ chối đưa ra bình luận về thông tin trích nguồn giấu tên cho biết Trung Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không tại các đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn. Jeffrey Ordaniel, nghiên cứu viên của Diễn đàn Thái Bình Dương, cho rằng, dù đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra lời kêu gọi như vậy với Trung Quốc, nhưng không có vẻ gì là Bắc Kinh sẽ đáp lại bởi “Trung Quốc không phải chịu hậu quả gì nếu phớt lờ lời kêu gọi”. Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại Rand Corp. cho rằng Lầu Năm góc có thể đang cố tìm ra các hoạt động quân sự hóa mà có thể đảo ngược để trở về nguyên trạng cũ. Ông Grossman nhận định “rõ ràng là việc xây dựng các đảo nhân tạo là không thể khôi phục lại, nhưng các hệ thống tên lửa có thể dễ dàng rút bỏ như một biện pháp xây dựng lòng tin”.

Bắc Kinh tìm cách ngăn cản các nước bên ngoài khoan dầu tại Biển Đông

Ngày 11/11, Nikkei đưa tin, theo một nguồn tin đáng tin cậy, Trung Quốc muốn cấm các nước bên ngoài khu vực tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông như một phần của Bộ quy tắc ứng xử đang bị trì hoãn từ lâu. Có vẻ như đề xuất của Bắc Kinh là nhằm ngăn cản để các hoạt động thăm dò dầu khí không trở thành điểm tựa cho ảnh hưởng của Mỹ ngày càng lớn tại vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này. Theo các quan chức liên quan đến các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN, Trung Quốc đưa các cụm từ về lệnh cấm thăm dò dầu khí vào văn bản dự thảo tháng 8 vừa qua. Đáp lại, một số nước ASEAN kêu gọi bỏ các cụm từ này do chúng trái với luật biển quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có một số nước thành viên ASEAN, tiêu biểu là Campuchia và Lào, lại ngả theo quan điểm của Trung Quốc, khiến cho khối ASEAN chưa thể đạt được thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Một số nhà quan sát nghi ngờ rằng Trung Quốc đưa ra đề xuất này dù biết ASEAN sẽ không chấp nhận, là nhằm trì hoãn việc hoàn thiện COC khi mà sức mạnh của Bắc Kinh ở Biển Đông đang tăng lên.

RELATED ARTICLES

Tin mới