Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCăng thẳng Mỹ - Trung sẽ không bị đẩy đến “điểm sôi”...

Căng thẳng Mỹ – Trung sẽ không bị đẩy đến “điểm sôi” nhờ James Mattis?

Lo ngại căng thẳng với Bắc Kinh leo thang, ông Mattis được cho là đang tìm cách lôi kéo giới chức quân đội Trung Quốc về phía ông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa gặp nhau tại Singapore ngày 18/10/2018. (Ảnh: AP)

Khi Mỹ trừng phạt các quan chức và cơ quan của quân đội Trung Quốc hồi tháng 9, Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng việc hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Nhưng chỉ vài ngày sau, một vị tướng của Trung Quốc đã sang thăm Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) với một thông điệp tái khẳng định rằng: Bắc Kinh đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ về quốc phòng giữa 2 nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng có cuộc tiếp xúc chóng vánh với ông Huang Xueping ngoài hành lang và đã kịp gửi một thông điệp cho người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.Trong chuyến thăm đó, ông Huang Xueping, Phó Giám đốc chương trình hợp tác quân sự quốc tế thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc chủ yếu gặp các thân tín của ông Mattis.

Bộ trưởng James Mattis đã nói với ông Huang Xueping rằng, ông mong đợi gặp ông Ngụy Phượng Hòa tại hội nghị về an ninh ở Singapore cuối tháng 10 – quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về chính sách với châu Á, ông Radal Schriver cho biết.

Chiến thuật lôi kéo

Quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục chạm những đáy mới dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump vì cuộc chiến thương mại cũng như những bất đồng về vấn đề Đài Loan, Biển Đông và ở những điểm nóng địa chính trị khác.

Lo ngại rằng mối quan hệ với các cường quốc quân sự xấu đi có thể tích tụ thành mâu thuẫn đẩy căng thẳng quan hệ song phương nói chung leo thang, ông Mattis được cho là đang tìm cách thiết lập một mối quan hệ với giới chức quân đội Trung Quốc, cố gắng lôi kéo họ về phía mình.

Ngày 9/11 vừa qua, ông Mattis đã có cuộc gặp thứ 3 với ông Ngụy Phượng Hòa trong vòng chỉ chưa đầy 5 tháng. Đó mức tiếp xúc dày đặc bất thường đối với các quan chức cấp cao như thế, và lại càng bất thường hơn nếu xét đến việc chuyến thăm của ông Mattis tới Bắc Kinh hồi tháng 6/2018 là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc Mỹ đến Trung Quốc kể từ năm 2014.

Ông Schriver cho biết, cuộc hội đàm giữa quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tại Washington ngày 9/11 tập trung vào những nỗ lực giảm nguy cơ đụng độ không chủ ý giữa 2 nước.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi chúng tôi cạnh tranh với nhau thì đó là sự cạnh tranh lành mạnh và không gây ra một hậu quả thảm khốc” – ông Schriver nói.

Rủi ro ngày càng lớn

Các số liệu quân sự mới cũng như những vụ việc gần đây liên quan đến hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis như đang “đi trên dây”. Thậm chí ngay cả khi ông Mattis đang cố gắng thiết lập các mối quan hệ để hạn chế nguy cơ xảy ra “khủng hoảng” thì Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục các hoạt động khiến chính phủ Trung Quốc “nóng mắt”.

Cụ thể, trong vòng 12 tháng tính tới 30/9 vừa qua, Mỹ đã tiến hành ít nhất 6 chuyến đi đươc gọi là “Chiến dịch thực thi quyền tự do hàng hải ” (FONOP) ở Biển Đông, tăng gấp rưỡi so với 4 chuyến cùng kỳ năm trước.

Trong khuôn khổ chiến dịch này, Mỹ đã cử tàu chiến đi vào vùng biển quốc tế xung quanh các đảo và đá ở Biển Đông, hầu hết bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo và quân sự hóa trái phép.

Lầu Năm Góc cũng cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan với tần suất dày đặc hơn và đang cân nhắc trong năm nay sẽ cử một tàu khu trục đến khu vực này. Động thái đó chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc, nước vốn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của mình và cho rằng việc Mỹ hậu thuẫn chính quyền ở Đài Bắc là can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

“Chúng ta đang làm những việc mà nói trắng ra là ngày càng quyết đoán hơn, còn Trung Quốc cũng đang phản ứng quyết liệt hơn bao giờ hết” – người giữ chức Cố vấn hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Á đến hết tháng 7 vừa qua, bà Susan Thornton, cảnh báo về nguy cơ đụng độ tỷ lệ thuận với các hoạt động quân sự gia tăng. “Nguy cơ rủi ro đang ngày càng lớn.”

Ông Schriver cũng hiểu rằng, rất khó nói quan hệ quốc phòng Mỹ – Trung Quốc “dẻo dai” đến đâu trong một cuộc khủng hoảng thực sự. “Tôi cho rằng chúng ta sẽ không thể biết được cho tới khi có một cuộc khủng hoảng xảy ra và nó [mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc – ND] bị thử thách” – ông Schriver cho biết.

Người đàn ông khôn ngoan

Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng quyết liệt hơn về mặt quân sự, thể hiện cụ thể qua việc tàu Trung Quốc áp sát “không an toàn” với tàu khu trục Mỹ trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông hôm 30/9 vừa qua. Tàu Trung Quốc lúc đó đã được trang bị sẵn tấm đệm ở bên hông, cho thấy họ chuẩn bị cho tình huống có thể va chạm với tàu Mỹ.

“Bạn sẽ không làm điều đó khi bạn ở giữa đại dương, trừ khi bạn định đâm sầm vào thứ gì đó” – ông Mattis nhận định về động thái của tàu Trung Quốc với báo giới tháng trước.

Nhưng đồng thời với hành động đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng nước này hy vọng quan hệ giữa quân đội 2 nước có thể trở thành “nguồn ổn định” cho quan hệ song phương nói chung. Các quan chức Trung Quốc còn nói rằng, Bắc Kinh đặt nhiều niềm tin vào ông Mattis hơn những quan chức hàng đầu khác của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Một người đàn ông khôn ngoan”. Theo Reuters, đó là cách một quan chức Trung Quốc đã nói về ông Mattis, cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có đủ kinh nghiệm chiến trường để hiểu rằng tốt nhất là nên tranh một cuộc xung đột vũ trang. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận gì về thông tin này.

Cạnh tranh tức là đối thủ?

Khi ông Mattis bay tới Bắc Kinh hồi tháng 6, ông đã nghe phía Trung Quốc quan ngại đủ đường về việc tài liệu chính sách chủ chốt của Lầu Năm Góc xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” ở Biển Đông. Và trong cuộc hội đàm kín lần đó, ông Mattis đã phải biện hộ rằng “đối thủ cạnh tranh” không có nghĩa là “kẻ thù”.

Sau lần đó, Mỹ và Trung Quốc còn tổ chức nhiều cuộc gặp và có các biện pháp xây dựng lòng tin khác, như là việc cùng ngồi lại để vạch ra những viễn cảnh khủng hoảng có thể xảy ra nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm.

Bà Thornton cho rằng, mối quan hệ của ông Mattis với phía Trung Quốc, dù hữu ích nhưng là không đủ để tạo một cầu nối giữa chính quyền của Tổng thống Trump với Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Đó là chưa kể việc ông Mattis có thể rời khỏi nội các của ông Trump – chủ đề đồn đoán lâu nay của truyền thông Mỹ, dù cả Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống đều bác bỏ thông tin này.

Trong bối cảnh ông Trump có thể “dọn dẹp” lại Nhà Trắng và ông Mattis ra đi như lời đồn, người kế nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ cần có thời gian để nắm bắt những gì ông đã làm, và đó là một viễn cảnh nguy hiểm trong lúc căng thẳng đang leo thang như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới