Từ khi lên làm Tổng thống cách đây hai năm, ông Donald Trump đã làm thay đổi cục diện chính trị, kinh tế khu vực châu Á với việc khai hỏa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Đài Loan, chỉ trích mạnh mẽ các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Trump cũng là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ gặp lãnh đạo Triều Tiên.
Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ ngày 6/11 với kết quả khá bất ngờ, đánh dấu sự trở lại của đảng Dân chủ tại Hạ viện. Có thể nói, qua sự kiện này cho thấy Đảng Dân chủ có nhiều quyền lực hơn trong kiềm chế các quyết sách của Tổng thống Mỹ. Hiện tại các nước châu Á đang lo ngại, rằng kết quả này sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ ra sao?
Kết quả bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng đối đầu gay gắt hơn giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, kết quả đó không ảnh hưởng nhiều tới định hướng chính sách mà ông Trump theo đuổi tại Châu Á. Hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa dẫu bất đồng chính kiến trong nhiều vấn đề như nhập cư, chăm sóc sức khỏe, hay kinh tế, tài chính, song vẫn có tiếng nói chung nhất định về Châu Á.
Riêng về tình hình Trung Quốc, cả hai Đảng có những nhận định khác xa nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Một số học giả Trung Quốc cho rằng, một Hạ viện dưới quyền kiểm soát của phe Dân chủ có nghĩa là chính phủ Mỹ phải thay đổi lập trường theo hướng thân thiện hơn với Bắc Kinh. Trái lại, theo nhà phân tích Nick Marro của tổ chức Thông tin Kinh tế (EIU), quan điểm này không đúng, bởi trong lịch sử phe Dân chủ luôn có xu hướng ủng hộ các tổ chức công đoàn có vai trò bảo vệ người lao động, trong khi không ủng hộ thương mại tự do nhiều như phe Cộng hòa. Vì vậy, không có khả năng Đảng Dân chủ thúc đẩy quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.
Về phía Đảng Dân chủ, các thành viên Đảng này đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng, Mỹ nên hành động cứng rắn hơn đối với một cường quốc mới nổi như Trung Quốc. Đó là các hành động về các lĩnh vực thương mại, quân sự, tình báo và ngoại giao… Theo dõi tình hình mới nhất sau bầu cử, chưa thấy có dấu hiệu nào Đảng Dân chủ theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc.
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện và Tổng thống Donald Trump từng có nhiều bất đồng, nhưng cả hai bên cũng ủng hộ lập trường cứng rắn hơn về thương mại với Trung Quốc. Như vậy rõ ràng Hạ viện không phải là nơi chủ chốt phản đối các chính sách thương mại của ông Trump, mà ngược lại có thể hỗ trợ những chính sách này. Theo đó, trong nửa thứ hai của nhiệm kỳ, ông Trump nhiều khả năng sẽ tìm kiếm được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có lợi hơn cho nước Mỹ, như những gì ông đã nêu trong cuộc họp báo ngày 7/11.
Cùng với lĩnh vực thương mại, các vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc mà nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai Đảng, được sự phê chuẩn của Quốc hội là việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và chấp thuận giải pháp quân sự trước hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Các hoạt động hàng hải của Mỹ trong khu vực này thời gian gần đây, cũng như những tuyên bố về chiến lược quốc phòng tại nhiều diễn đàn cho thấy, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngay cả khi các chính phủ Châu Á còn ngần ngại ủng hộ Mỹ một cách công khai.
Dự luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2019 vừa được phe Dân chủ ủng hộ đã cho thấy, quan điểm của Đảng này không khác là mấy so với chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề đối ngoại.