Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhân định biển và hợp tác cùng phát triển: Biện pháp thúc...

Phân định biển và hợp tác cùng phát triển: Biện pháp thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông từ khía cạnh Luật quốc tế

Theo các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), phân định biển và hợp tác cùng phát triển là hai giải pháp chính mà các quốc gia có vùng biển chồng lấn có thể lựa chọn. Trong khi phân định biển thường phức tạp và kéo dài, hợp tác cùng phát triển có thể là một bước thúc đẩy đàm phán phân định biển hoặc là một giải pháp lâu dài mà các bên có thể chấp nhận trong và sau khi phân định biển. Tính đến thời điểm hiện tại, các nước ven Biển Đông đã nhiều lần tiến hành phân định và hợp tác trong vùng biển chồng lấn.

Đường phân định biển giữa Việt Nam và Thái Lan

Cơ sở pháp lý cho việc phân định biển theo UNCLOS

Theo UNCLOS, cơ sở pháp lý cho phân định biển là Điều 15 về phân định lãnh hải, Điều 74(1) về phân định vùng đặc quyền kinh tế và Điều 83(1) về phân định thềm lục địa. Điều 15 quy định: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác”. Điều 74 (1) quy định: “Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diên nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng”. Điều 83 (1) quy định: “Việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng luật pháp quốc tế như đã được nêu ở Điều 38 của Quy chế tòa án quốc tế, để đi tới một giải pháp công bằng”.

Các đường phân định biển thường được xác lập theo một trong hai cách sau: thoả thuận thông qua đàm phán hoặc phán quyết phân định biển của các cơ quan tài phán. Cũng lưu ý rằng cùng một trường hợp nhưng kết quả phân định biển có thể khác nhau tuỳ thuộc vào các quốc gia lựa chọn tự đàm phán hay mang ra cơ quan tài phán quốc tế để phân định. Lý do là các quốc gia và cơ quan tài phán có quan điểm khác nhau về yếu tố nào là yếu tố quan trọng khi vạch đường phân định. Đối với các quốc gia có thể là yếu tố địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, an ninh, lịch sử và bất kỳ yếu tố nào mà các quốc gia mong muốn để mang lại quyền lợi tốt nhất cho mình. Trong khi đó, không phải yếu tố nào cũng được các cơ quan tài phán cho là hợp lý và phù hợp để xem xét đến khi tiến hành phân định. Các cơ quan tài phán chú trọng đến yếu tố địa lý, địa mạo của bờ biển và khu vực biển cần phân định cũng như tỷ lệ tương xứng giữa chiều dài đường bờ biển và diện tích phân chia cho từng bên.

Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác cùng phát triển

Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác cùng phát triển khi chưa phân định được vùng biển chồng lấn được quy định tại Điều 74(3) đối với vùng đặc quyền kinh tế và Điều 83(3) đối với thềm lục địa của UNCLOS. Điều 74(3) quy định: “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng”. Điều 83(3) quy định: “Trong khi chờ đợi ký kết thỏa thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiều biết, và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các giải pháp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”. Theo nội dung trên, “các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn” là giải pháp tối ưu mà Công ước yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực hết sức để đạt được trong khi chưa thể thoả thuận về một đường phân định phân chia vùng biển chồng lấn. Lưu ý rằng đây là nghĩa vụ nỗ lực, do đó không bắt buộc phải thực sự đạt được bất kỳ dàn xếp tạm thời nào.

Các dàn xếp tạm thời cũng có thể có những hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào thoả thuận cụ thể của các bên liên quan. Việc hợp tác cùng phát triển là hình thức phổ biến nhất của các “dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn”, chỉ các hoạt động hợp tác của các quốc gia liên quan trên vùng biển chồng lấn trong nhiều lĩnh vực liên quan. Hợp tác cùng phát triển bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến mọi quyền chủ quyền và quyền tài phán mà các quốc gia liên quan cùng có trên vùng biển chồng lấn, cụ thể là theo Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS: Điều 56 về “Các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế” quy định: (1) Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có: a) Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; Nghiên cứu khoa học về biển; Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; c) Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định. (2) Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước. (3) Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nêu trong điều này được thực hiện theo đúng phần VI.

Trong khi đó, Điều 77 về “Các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa” quy định: (1) Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. (2) Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó. (3) Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. (4) Các tài nguyên thiên nhiên ở phần này bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật nào, ở thời kỳ có thể đánh bắt được, hoặc nằm bất động ở đáy, hoặc lòng đất dưới đáy; hoặc là không có khả năng di chuyển nếu không có khả năng tiếp xúc với đáy hay lòng đáy dưới đáy biển.

Căn cứ vào Điều 56 và 77 các quốc gia có vùng biển chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có thể có các hợp tác đa dạng trên rất nhiều lĩnh vực. Trong hình thức hợp tác cùng phát triển cũng có nhiều biến thể khác nhau về đối tượng hợp tác (như dầu khí, hải sản, tuần tra-kiểm soát, an ninh, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học biển,…) và mô hình khác nhau (uỷ ban liên hợp, thành lập liên doanh, giao khoán cho một bên thực hiện, tuần tra chung,…). Ngoài ra, dàn xếp tạm thời cũng có thể dưới hình thức là một thoả thuận xác định đường phân chia tạm thời. Đây là việc các quốc gia thoả thuận với nhau về một đường tạm thời phân chia khu vực hoạt động giữa hai nước nhằm tránh va chạm, xung đột không cần thiết. Đường này có thể ngầm định theo lịch sử quản lý trên thực địa hoặc có thể xác định bằng thoả thuận.

Theo Điều 74(3) và 83(3), việc xác định đường phân chia tạm thời và hợp tác cùng phát triển hay các hình thức dàn xếp tạm thời khác đều không ảnh hưởng đến việc phân định biển sau này. Nói cách khác các bên không được viện dẫn bất kỳ thực tiễn hay hoạt động của mình theo dàn xếp tạm thời trong quá trình phân định biển sau này. Hợp tác cùng phát triển cũng có thể được tiến hành sau khi phân định biển. Cơ sở pháp lý cho hợp tác cùng phát triển sau khi phân định biển là thỏa thuận giữa các quốc gia, thông thường được ký kết bên cạnh thỏa thuận phân định hoặc được ghi nhận trực tiếp trong thỏa thuận phân định biển giữa các quốc gia. Các thỏa thuận này đặt trên cơ sở tự do ý chí và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia liên quan theo luật pháp quốc tế nói chung. UNCLOS cũng không ngăn cản các quốc gia ký kết các thỏa thuận này trong chừng mực các thỏa thuận phù hợp với Công ước và không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác.

Phân định biển, xác định đường phân chia tạm thời và hợp tác cùng phát triển

Để xử lý các vùng chồng lấn biển giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc liền kề, các quốc gia có thể lựa chọn một trong các giải pháp sau: phân định biển và xác lập ranh giới phân chia vùng biển chồng lấn; xác định một đường phân chia tạm thời hoặc tiến hành hợp tác cùng phát triển. Tuỳ tình hình thức tế, các quốc gia cũng có thể lựa chọn một trong các giải pháp hoặc kết hợp các giải pháp trên với nhau. Giải pháp tốt nhất cho các quốc gia liên quan là có thể phân định và xác định rõ ràng đường ranh giới trên biển. Việc xác định rõ ràng đường phân định biển sẽ có vai trò rất lớn trong việc giảm nguy cơ xung đột an ninh và chính trị giữa các quốc gia. Có thể nói các tranh chấp biên giới lãnh thổ, bao gồm cả tranh chấp biển, có nguy cơ đe dọa rất cao đến quan hệ giữa các quốc gia và có thể ảnh hưởng lớn đến vấn đề chiến tranh và hòa bình giữa các bên. Do đó việc phân định rõ ràng các vùng biển sẽ loại trừ nguy cơ này. Hơn nữa, việc phân định biển sẽ mang lại sự chắc chắn, rõ ràng về mặt pháp lý, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế. Các công ty dầu khí sẽ an tâm khi đầu tư; ngư dân có định hướng, kế hoạch phát triển nghề cá khi họ biết rõ vùng biển được phép đánh bắt và trữ lượng cá ở khu vực đó. Phân định biển là giải pháp tốt nhất nhưng trong nhiều trường hợp không phải là giải pháp khả thi nhất.

Phân định biển thường rất phức tạp và các cuộc đàm phán sẽ đòi hỏi nhiều thời gian. Trong khi chưa đạt được kết quả phân định cuối cùng, nguy cơ an ninh và chính trị vẫn tồn tại, các xung đột, va chạm trên biển vẫn xảy ra gây bất ổn khu vực và kìm hãm các hoạt động kinh tế, gây thiệt hại cho các quốc gia liên quan. Trong ba giải pháp trên, việc xác định đường phân chia tạm thời và hợp tác cùng phát triển có thể đóng vai trò tạm thời giúp các bên có thể tăng cường hợp tác, tránh xung đột hay va chạm trong vùng biển chồng lấn. Hai giải pháp còn lại có thể tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo hướng đến một đường phân định biển cuối cùng giữa các quốc gia liên quan. Trong đó, hợp tác cùng phát triển có thể được tiến hành trước hoặc sau khi phân định biển.

Phân định biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Biển Đông

Phân định biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Biển Đông là một quá trình lâu dài và phức tạp, do quan điểm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các quốc gia còn nhiều sự khác biệt. Để có đường biên giới trên biển rõ ràng, hòa bình Việt Nam đã nỗ lực kiên trì, kiên quyết đàm phán với các quốc gia hữu quan về phân định biển dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế, luất biển quốc tế nhất là các quy định của UNCLOS.

Trong lĩnh vực phân định biển, Việt Nam luôn luôn kiên định mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia trên các vùng biển và hải đảo. Việt Nam là một trong những quốc gia có bờ biển dài và vùng biển rộng, tiếp giáp với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Để có đường biên giới trên biển đảm bảo tính công bằng, hòa bình và ổn định lâu dài, Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia.

Phân định biển giữa Việt Nam và Thái Lan: Hai nước có vùng biển chồng lấn nằm trong Vịnh Thái Lan là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên bao gồm hải sản, dầu khí. Từ năm 1992 – 1997, Việt Nam và Thái Lan tiến hành đàm phán và đã ký hiệp định vạch đường ranh giới vùng biển đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa hai bên theo một đường dài khoảng 74 hải lý (137 km). Đây là hiệp định về phân định vùng biển đầu tiên Việt Nam ký kết với các quốc gia láng giềng. Sau khi ký kết, hoạt động quản lý biển, đánh bắt hải sản đi vào nền nếp, tình hình trên biển ổn định, công cuộc thăm dò khai thác dầu khí hai bên đường ranh giới của hai bên được tiến hành mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực. Hiện hai bên cũng đã triển khai công tác tuần tra chung giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển của 2 nước mở rộng hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm trên biển như đánh bắt hải sản trái phép, cướp có vũ trang trên biển… góp phần ổn định tình hình trên biển, tăng cường lòng tin, sự hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan.

Phân định biển giữa Việt Nam và Malaysia: Trong khu vực cửa vịnh Thái Lan, giữa Việt Nam và Malaixia có một khu vực chồng lấn hẹp rộng khoảng 2.800 km2. Vào đầu năm 1940 trong khu vực chồng lấn giữa hai quốc gia, đã phát hiện ra ba mỏ dầu khí có thể khai thác thương mại. Năm 1992, hai bên bắt đầu đàm phán và nhận thấy rằng nếu đi vào bàn vấn đề vạch đường biên giới trong khu vực chồng lấn này thì có thể đòi hỏi phải có nhiều thời gian, không thể khai thác sớm các mỏ dầu khí phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, khu vực chống lấn không quá lớn, có thể hợp tác quản lý. Do đó, căn cứ vào quy định về biện pháp tạm thời trong khi chờ đợi giải quyết vấn đề biên giới, hai bên nhất trí ký kết thoả thuận về “hợp tác khai thác chung” vùng chồng lấn từ năm 1992 trên cơ sở bình đẳng về mọi mặt: vốn đầu tư, chia lợi nhuận, quản lý, không ảnh hưởng đến giải pháp vạch đường biên giới sau này. Hai bên giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) và Tổng công ty Dầu khí quốc gia Malaixia (Petronas) thay mặt hai Chính phủ ký kết và thực hiện thoả thuận thương mại hợp tác khai thác, lập uỷ ban điều phối chung. Đây là thoả thuận về hợp tác khai thác chung dầu khí đầu tiên của Việt Nam với các quốc gia láng giềng.

Phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc: Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc, rộng khoảng 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Vịnh là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên về hải sản, có tiềm năng quan trọng. Từ lâu, nhân dân hai nước đã tiến hành sử dụng, khai thác vùng biển trong vịnh Bắc Bộ. Cuộc đàn phán giữa 2 nước về vịnh Bắc Bộ bắt đầu từ năm 1974 qua 3 giai đoạn 1974, 1977 – 1978 và 1992 – 2000, kéo dài trong khoảng 27 năm. Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 30/6/2004. Trong đàm phán, hai bên đã thống nhất vạch một đường biên giới nối 21 điểm, trong đó đoạn từ điểm 1 – 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 – 21 là ranh giới chung cho cả vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa. Đường biên giới biển này trong vịnh Bắc Bộ dài tổng cộng khoảng 500 km. Theo đường hoạch định, phía Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích vịnh. Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh. Về diện tích, vùng biển phía Việt Nam hơn phía Trung Quốc khoảng 8.205 km2. Các đảo ven bờ Đông Bắc Việt Nam có hiệu lực một phần, đảo Bạch Long Vĩ nằm xa ngoài giữa vịnh gần đường biên giới nhưng vẫn có hiệu lực 25%, đảo Cồn Cỏ có hiệu lực 50%. Tất cả các kết quả này đạt được là do hai bên áp dụng luật quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh và được quyết định bởi yếu tố điều kiện và hoàn cảnh địa lý tự nhiên khách quan của vịnh Bắc Bộ. Đây là hiệp định vạch biên giới biển biển thứ hai Việt Nam ký với nước liên quan.

Phân định biển giữa Việt Nam và Campuchia: Việt Nam và Campuchia đã ký hiệp định về vùng nước lịch sử, trong đó xác định rõ chủ quyền đảo của bên theo một đường mà Toàn quyền Đông Dương Brévíe đề xuất năm 1939, thiết lập một vùng nước lịch sử chung hai bên cùng nhau kiểm soát và quản lý, hoạt động đánh bắt hải sản được thực hiện theo tập quán như cũ, mọi hoạt động liên quan đến thăm dò dầu khí phai có ý kiến nhất trí của bên kia. Hiện nay, giữa hai nước chỉ còn tồn tại vấn đề vạch đường biên giới biển chung trong vùng nước lịch sử, lãnh hải và ranh giới biển chung trong vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Phân định biển giữa Việt Nam và Indonesia: Giữa hai nước có vấn đề vạch ranh giới chung vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa. Vùng biển chồng lấn giữa hai nước trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục giải quyết và được phân định về đặc quyền kinh tế. Việt Nam và Indonesia đã tiến hành đàm phán giải quyết từ năm 1978 trên cơ sở áp dụng pháp luật và thực tiễn quốc tế vào điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng biển chồng lấn liên quan. Trong quá trình giải quyết, hai bên đã xem xét các khía cạnh như ảnh hưởng của quy chế quốc gia quần đảo trong vạch biên giới biển, hiệu lực của các đảo như Côn Đảo của Việt Nam và các đảo Natuna Bắc của Indonesia, chiều dài hướng chung của đường bờ biển có liên quan của mỗi bên, sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa, việc áp dụng hợp lý phương pháp vạch đường trung tuyến… nhằm cố gắng đạt được một giải pháp công bằng. Đến ngày 26/6/2003, hai nước đã ký kết hiệp định về phân định thềm lục địa và đạt được thảo thuận và lập được đường biên giới trên biển đầu tiên giữa 2 nước. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế.

Phân định biển giữa Việt Nam và Philippines: Philippines vốn là nước không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bởi vì, Hiệp định Paris ký năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha, đã quy định Tây Ban Nha bàn giao Philippines cho Mỹ quản lý. Hiệp định xác định phạm vi lãnh thổ quần đảo Philippines trên bản đồ kèm theo thì lãnh thổ của Philippines không bao gồm một đảo nào nằm trong quần đảo Trường Sa. Trong lúc Việt Nam đang tập trung nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lợi dụng tình hình đó từ năm 1971 đến năm 1973 Philippines đã đưa quân chiếm trái phép năm đảo ở phía Bắc và phía Đông Bắc của quần đảo Trường Sa là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông. Để giảm quyết tình hình, ngày 07/11/1995, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Philippines đã bắt đầu tiến hành đàm phán. Kết quả đàm phán đã đạt được thỏa thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng biển đảo có tranh chấp trong khu vực Biển Đông, trong đó có những nội dung chính: (i) Hai bên đồng ý thông qua thương lượng, hòa bình tìm kiếm các giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. (ii) Hai bên tự kiềm chế không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, chống cướp biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ tài nguyên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa. (iii) Bảo đảm tự do hàng hải theo thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. (iv) Hai bên từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, do quan điểm chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam giữa hai nước có sự khác biệt, cho nên quá trình đàm phán phân định biển giữa Việt Nam và Philippines vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Song hai bên vẫn cam kết giải quyết những bất đồng mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới