Thursday, November 7, 2024
Trang chủĐàm luậnYêu sách đường lưỡi bò của TQ (kỳ I)

Yêu sách đường lưỡi bò của TQ (kỳ I)

Trung Quốc (và Đài Loan) đã lưu hành bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò (hay còn gọi là đường chín đoạn) trong nhiều tài liệu và ấn phẩm nội bộ khác nhau kể từ năm 1948.

Tham vọng đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc bao trọng gần như toàn bộ diện tích Biển Đông,

trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

 

Các cách diễn giải, hành động thực thi yêu sách và phản ứng của các bên

Tuy nhiên, cho tới tận năm 2009, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên gửi kèm tấm bản đồ đường chín đoạn này trong một văn bản quốc tế chính thức, cụ thể là trong Công hàm gửi cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để phản đối bản đệ trình chung về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường sử dụng tàu quân sự, tàu chấp pháp, tàu dân sự và tàu đánh cá để mở rộng sự hiện diện của nước này bên trong đường lưỡi bò và cố gắng biến vùng nước bên trong đường lưỡi bò thành vùng biển của mình. Đồng thời, Trung Quốc cũng chưa chính thức làm rõ yêu sách và cơ sở pháp lý về đường lưỡi bò, dẫn đến nhiều suy đoán từ cộng đồng học giả về vấn đề này. Trong giới quan sát Trung Quốc và nước ngoài tồn tại nhiều quan điểm và cách giải thích khác nhau về chế độ pháp lý của đường lưỡi bò. Bài viết này sẽ nghiên cứu cơ sở pháp lý của toàn bộ những cách giải thích đó; cố gắng tìm ra quan điểm chính thức của Chính phủ Trung Quốc về đường lưỡi bò và phân tích những phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Cuối cùng, bài viết kết thúc bằng việc đưa ra những gợi ý cho phía Trung Quốc (cả Trung Hoa đại lục và Đài Loan) để điều chỉnh đường lưỡi bò cho phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là với Công ước Luật Biển 1982, nhằm giảm bớt sự mập mờ và tình trạng căng thẳng trong khu vực.

Nguồn gốc đường lưỡi bò của Trung Quốc

Theo hai học giả người Trung Quốc Li Jinming và Li Dexia, với nỗ lực xác định và tuyên bố “phạm vi chủ quyền Trung Quốc quanh quần đạo Hoàng Sa và Trường Sa”, tháng 2/1948, Cục Địa lý thuộc Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân Quốc lần đầu tiên xuất bản “Bản đồ Vị trí các đảo ở Biển Đông” gồm đường 11 đoạn được vẽ quanh Quần đảo Đông Sa (Pratas Islands), Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), Bãi Macclesfield (Macclesfiels Bank) và Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) ở Biển Đông và đường cực Nam có vị trí vào khoảng 4o vĩ Bắc. Zou Keyuan cho rằng, đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ do một người vẽ bản đồ tư nhân Trung Quốc tên là Hu Jinjie biên soạn vào năm 1914, nhưng chỉ có Đông Sa và Hoàng Sa. Theo ông Zou, từ năm 1948, các bản đồ được xuất bản chính thức ở Trung Quốc và Đài Loan. Từ năm 1953, có hai đoạn trong bản đồ do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất bản bị xóa đi sau khi Thủ tướng Chu Ân Lai đồng ý.

Các cách giải thích đường lưỡi bò và một số lập luận phản bác

Mặc dù từ năm 1953, các bản đồ xuất bản nội bộ ở Trung Quốc đã mô tả về đường lưỡi bò, tuy vậy Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ mới chính thức yêu sách đường chin đoạn gần đây và chưa từng đưa ra cơ sở pháp lý cho nó.

Có nhiều quan điểm khác nhau về cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò trong giới học giả Trung Quốc. Quan điểm đầu tiên cho rằng, đường lưỡi bò là đường biểu thị “vùng nước lịch sử”, mà ở đó Trung Quốc có chủ quyền như vùng nội thủy của lãnh hải. Quan điểm thứ hai cho rằng, đây là đường mô tả vùng nước mà ở đó Trung Quốc được hưởng một số quyền lịch sử như các quyền đánh bắt cá và quyền tài phán truyền thống. Quan điểm thứ ba cho rằng, đây là đường quy thuộc tất cả các đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Quan điểm thứ tư cho rằng, đây là đường ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ các thực thể ngoài cùng của Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một vài học giả Trung Quốc lập luận rằng, Trung Quốc lưu hành bản đồ từ năm 1948 mà không có quốc gia nào phản đối, kể cả các quốc gia xung quanh Biển Đông. Do đó, Trung Quốc có quyền lịch sử nhất định đối với đường lưỡi bò, không phải chủ quyền tuyệt đối với tất cả những gì bên trong đường lưỡi bò nhưng ít nhất có “các quyền lịch sử” như quyền đánh bắt và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Cách giải thích thứ nhất của các học giải Trung Quốc cho rằng, đường lưỡi bò là đường mô tả “vùng nước lịch sử”, đâu cũng là quan điểm chính thức của Đài Loan. Nguyên tắc chỉ đạo chính sách về Biển Đông năm 1993 (do Viện Hành chính phê chuẩn” ghi rằng:

“Xét về mặt lịch sử, địa lý, luật pháp quốc tế và các sự kiện, Quần đảo Trường Sa (Nansha Islands), Quần đảo Hoàng Sa (Shisha Island), Bãi Maccelesfield (Chungsha Island), Quần đảo Đông Sa (Tungsha Island) là phần lãnh thổ cố hữu của Trung Hoa Dân quốc; chủ quyền đối với những đào này thuộc về Trung Hoa Dân quốc. Khu vực Biển Đông nằm trong giới hạn vùng nước lịch sử là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Hoa Dân quốc, là nơi mà Trung Hoa Dân quốc có tất cả các quyền hạn và lợi ích” (in nghiêng của tác giả bài viết).

Tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết sẽ cho thấy đường lưỡi bò không thể là đường mô tả vùng nước lịch sử Trung Quốc bởi nó không đáp ứng được ba yêu cầu, cụ thể là: thứ nhất, thực thi quyền lực đối với vùng biển này; thứ hai, tính liên tục trong thời gian thực thi quyền lực; và thứ ba, sự thừa nhận của các quốc gia khác đối với yêu sách này.

Về yêu cầu thứ nhất, Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu này vì trước năm 1909, trong toàn bộ các bản đổ của Trung Quốc, đảo Hải Nam được vẽ là điểm cực Nam của Trung Quốc. Sách địa lý Trung Quốc xuất bản năm 1906 thậm chí còn viết rằng, điểm cực Nam của Trung Quốc ở 18o13’ Bắc vĩ tuyến. Công hàm ngày 29/9/1932, từ phái đoàn ngoại giao của Cộng hòa Trung Hoa ở Paris đã xác nhận rằng, các đảo thuộc nhóm Hoàng Sa nằm cách đảo Hải Nam 145 hải lý và “tạo thành phần cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc”.

Về yêu cầu thứ hai, rõ ràng là Trung Quốc không thể thực thi chủ quyền trên vùng biển rộng như vậy được. Trung Quốc cũng chính thức thừa nhận điều đó. Vào ngày 4/9/1958, Trung Quốc thừa nhận các đảo bị tách rời khỏi đại lục bởi biển cả trong Bản Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải của Trung Quốc. Điều 1 của Bản tuyên bố đó ghi rằng:

Chiều rộng lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm phần lục địa và các đảo ven biển Trung Quốc, cũng như Đài Loan và các đảo quanh Đài Loan, Quần đảo Bành Hồ (Penghu Islands), Quần đảo Đông Sa (Dongsha Islands), Quần đảo Hoàng Sa (Xisha Islands), Quần đảo Trung Sa (Zhongsha Islands), Quần đảo Trường Sa (Nansha Island) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị tách rời khỏi đại lục và các đảo ven biển bởi biển cả. (in nghiêng của tác giả bài viết).

Thêm vào đó, các hoạt động được ghi lại của ngư dân và thương nhân từ những quốc gia láng giềng và các nước khác trên Biển Đông không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh rằng vùng biển này thuốc Trung Quốc. Các sách văn học cổ của Trung Quốc đã ghi lại các hoạt động của ngư dân và thương nhân người Arập, Ấn Độ, Malaysia trên những vùng biển này.

Về yêu cầu thứ ba, các quốc gia xung quanh Biển Đông chưa bao giờ thừa nhận bất cứ vùng nước lịch sử nào của Trung Quốc trong đường lưỡi bò. Lập luận cho rằng, sự im lặng của các quốc gia khác mặc nhiên là thừa nhận yêu sách của Trung Quốc là vô lý. Trung Quốc chỉ lưu hành nội bộ các bản đồ với đường lưỡi bò đồng thời không tuyên bố đây là yêu sách chính thức vào thời điểm đó; do vậy, các quốc gia khác không cần phản bác lại.

Thêm vào đó, Công ước Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia và do vậy phải tuân thủ các quy định của Công ước, đã bác bỏ khái niệm “vùng nước lịch sử” bên ngoài lãnh hải và vịnh lịch sử. Điều này được đề cập ở Điều khoản 10.6 về “vịnh”, mục 2 về “ranh giới lãnh hải” rằng “các quy định (về vịnh) không được áp dụng đối với cái gọi là vịnh “lịch sử”, và trong Điều 15 mục 2 cũng viết rằng, các quy định về phân định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc liền kề “không áp dụng trong trường hợp do có quyền lịch sử hay có hoàn cảnh đặc biệt khác”. Hiển nhiên, vùng nước trong đường lưỡi bò không là vịnh theo bất kỳ cách giải thích nào và do vậy không thể được coi là vịnh lịch sử.

Mặt khác, pháp luật Trung Quốc, bao gồm Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng Tiếp giáp, thông qua vào năm 1992 và Luật về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thông qua năm 1998, cũng không đề cập đến “vùng nước lịch sử”. Trong các cuộc đàm phán với Việt Nam về việc phân định ranh giới Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc cũng bác bỏ lập luận của Việt Nam rằng, Vịnh này là một khu vực của vùng nước lịch sử. Văn bản cuối cùng của hiệp định giữa hai quốc gia chỉ là phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh, chứ không phải “vùng nước lịch sử”.

Lập luận cho rằng, đường lưỡi bò thể hiện vùng nước với “quyền lịch sử” của Trung Quốc có sự yếu kém về mặt pháp lý tương tự như những lập luận đã đề cập ở trên về “vùng nước lịch sử”. Không chỉ bởi quyền lịch sử là một khái niệm không được chấp nhận rộng trong luật pháp quốc tế, mà thực tiễn quốc gia khá giới hạn cũng chỉ ra rằng, để thiệt lập quyền lịch sử như vậy thì ba yêu cầu áp dụng đối với vùng nước lịch sử là điều kiện tiên quyết. Cho đến giờ, thực tiễn quốc gia trong yêu sách quyền lịch sử chỉ đạt được thành công khiêm tốn trong một trường hợp (Vụ nghề cá giữa Na Uy và Vương quốc Anh) và khu vực yêu sách thực sự là vùng nội thủy theo các quy định hiện hành của UNCLOS.

Bên cạnh đó, có thể trong quá khứ, ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, không chỉ ngư dân Trung Quốc mà ngư dân của các quốc gia khác cũng đánh bắt ở Biển Đông về quyền đối với các nguồn tài nguyên khác cũng đánh bắt ở Biển Đông. Về quyền đối với các nguồn tài nguyên khác, điều kiện khoa học và kỹ thuật trong thập niên 50 của thế kỷ trước không chbo phép khai thác các nguồn tài tài nguyên tự nhiên dưới đáy biển, đặc biệt là dầu khí. Mặt khác, trong khi đàm phán về UNCLOS, quyền lịch sử đã được thảo luận và đề xuất trong bản dự thảo nhưng không xuất hiện trong văn bản cuối cùng bở những quyền như vậy đã được giải quyết thỏa đáng theo EEZ, thềm lục địa và các cơ chế liên quan khác. UNCLOS được thông qua năm 1982 đã xác định rõ quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.

Cách giải thích thứ ba cho rằng, đường lưỡi bò là một đường quy thuộc các đảo phù hợp với một bản đồ đang được lưu hành với tiêu đề “Bản đồ vị trí các đảo tại Biển Đông” (in nghiêng của tác giả bài viết) và nó được quốc tế xem như là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể địa chất trong Biển Đông. Vấn đề này sẽ được phân tích theo luật quốc tế dưới góc độ thụ đắc lãnh thổ, không thuộc phạm vi của bài viết này.

Cách giải thích thứ tư cho rằng, đường lưỡi bò là ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được tính từ các đảo bên ngoài của Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cách lý giải này dùng để kết nối đường lưỡi bò được vẽ từ gần nửa thập kỷ trước với khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong luật biển hiện tại. Giả thiết, với mục đích lý luận, Trung Quốc có thể chứng minh chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nước này vẫn không thể yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quá lớn do hầu hết các thực thể đất liền tại vùng biển này là quá nhỏ để tự nó có thể duy trì sự sống con người hay đời sống kinh tế riêng, do đó chúng không thể cấu thành vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Kể cả trong trường hợp nếu một số thực thể này được coi là “đảo” theo Điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, sự ảnh hưởng của các thực thể/hòn đảo này trong việc phân định ranh giới biển là không đáng kể khi đem so sánh với bờ biển đất liền. Do vậy, phân định ranh giới biển không thể là đường cách đều như một số học giả Trung Quốc đã lập luận. Trong trường hợp đặc biệt ngay cả khi những hòn đảo này có đầy đủ hiệu lực trong việc phân định ranh giới như đất liền, đường biên trung tuyến cũng vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với đường lưỡi bò.

(còn nữa)

RELATED ARTICLES

Tin mới