Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc nói muốn hoàn tất COC Biển Đông trong 3 năm

Trung Quốc nói muốn hoàn tất COC Biển Đông trong 3 năm

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 13.11 nói muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông trong vòng 3 năm nữa, đồng thời cam đoan nước này không tìm kiếm “quyền bá chủ hoặc bành trướng”.

Phát biểu tại Singapore trước lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông Lý nói rằng Trung Quốc hy vọng hoạt động tham vấn (COC) sẽ được hoàn thành trong 3 năm nữa, nhằm góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Thông tin trên từ Thủ tướng Trung Quốc được cho là lần đầu tiên đề cập đến nghị trình rõ ràng hơn nhằm tiến tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, theo AFP.
Quá trình đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc kéo dài nhiều năm, trong đó Bắc Kinh bị cho là đã cố tình trì hoãn việc đàm phán vì muốn đối thoại một-một với các thành viên ASEAN nhằm tránh ảnh hưởng tổng lực của cả khối.
Trong những tháng qua, chưa có nhiều tiến triển rõ rệt liên quan đến đàm phán COC. Nhiều nước ASEAN vẫn bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng quân sự hóa, các hoạt động đơn phương trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng vũ trang tại đây.
Dù Thủ tướng Lý Khắc Cường lên tiếng cam đoan Trung Quốc không tìm kiếm quyền bá chủ hoặc bành trướng ở Biển Đông, nhưng giới phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc thời gian qua gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nước trong khu vực.
 
Cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông John Bolton khẳng định trước báo giới tại Singapore rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến COC giữa Trung Quốc – ASEAN cũng không nên kèm điều khoản giới hạn quyền tiếp cận vùng biển này.
Ông cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đã tìm cách kéo dài đàm phán qua nhiều năm để xây dựng các tiền đồn quân sự khắp Biển Đông.
 
“Không chỉ tạo ra thực tế trên đất liền mà bằng hành động lấp đất và áp đặt sự đã rồi  trên những thực thể đó”, Reuters dẫn lời ông Bolton về phản ứng của Mỹ đối với hoạt động Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Thời gian qua, bất chấp sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh đã chiếm đóng và cải tạo trái phép các thực thể tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Không những thế, nước này còn ngang nhiên tiến hành các hoạt động quân sự hóa phi pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới