Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngLiệu Philippines, TQ có đạt được thỏa thuận hợp tác thăm dò,...

Liệu Philippines, TQ có đạt được thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông không?

Theo giới quan sát cảm nhận được và đánh giá, rất khó có khả năng để chính quyền của tổng thống Duterte đạt được thỏa thuận hợp tác thăm dò chung với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tình hình Biển Đông từ đầu năm 2018 đến nay, theo giới quan sát đánh giá, chưa có hành động “nổi trội” nào dẫn đến căng thẳng, phức tạp. Nói cách khác, hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang được duy trì một cách tương đối. Cũng theo giới quan sát nhìn nhận, kể từ sau sự kiện Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tháng 7/2016 đến nay, Biển Đông bớt đi các loại sự kiện mang tính “đối đầu” như hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng chủ quyền của nước khác, xua đuổi bắn chết ngư dân các nước trong khu vực đánh bắt hải sản trên biển… Thay vào đó là xu hướng đối thoại, tìm cách hợp tác giải quyết tranh chấp. Đó là, ngoài việc các nước ASEAN đang trong tiến trình đàm phán với Trung Quốc nhằm tiến tới đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý, còn có việc chính quyền của tổng thống Duterte ở Philippines, bên thắng kiện Trung Quốc trong vụ bãi cạn Scarborough lại đang tìm cách thỏa thuận với Trung Quốc về hợp tác thăm dò chung tại vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền, được PCA công nhận nhưng nằm trong đường lưỡi bò do Trung Quốc tuyên bố. Sự kiện trên đang thu hút sự quan tâm, theo dõi của giới quan sát và người ta đặt câu hỏi, liệu Philippines, Trung Quốc có đạt được thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông không?

Trước hết, cần phải hiểu vùng biển mà Philippines muốn cùng với Trung Quốc hợp tác thăm dò chung là vùng biển nào và vì sao Philippines lại muốn hợp tác với Trung Quốc.

Theo bản đồ tài nguyên của Philippines, ngoài khơi phía tây tỉnh Palawan của Philippines, cách bờ khoảng 85 hải lý, có một vùng biển rộng khoảng 10.000 cây số vuông được phát hiện có tiềm năng dầu khí có thể khai thác. Kết quả điều tra, thăm dò sơ bộ ở đây cho thấy có thể có đến 8 – 9 mỏ chứa khí. Philippines đặt tên cho vùng biển này là lô SC72. Những năm 2000 trở về trước, Philippines đã biết vùng biển này có dầu khí nhưng không thể một mình thăm dò khai thác được vì nó nằm trong đường lưỡi bò do Trung Quốc tuyên bố. Trung Quốc phản đối mọi hoạt động đơn phương của Philippines ở đây, thậm chí cho tàu quân sự xuống ngăn chặn. Mặt khác, vùng biển này cũng cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam không xa nên khi đó, Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền một phần ở đó. Để giải quyết vấn đề, Philippines mời Trung Quốc, Việt Nam cùng họ tiến hành hợp tác thăm dò ở vùng biển trên. Năm 2005, ba nước đã đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển chung tại vùng biển trên. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận đạt được, ba nước mới chỉ triển khai được một vài hoạt động mang tính biểu tượng chứ không thực chất. Bên cạnh đó, do tác động, ảnh hưởng nhiều chiều từ các vấn đề khác trong khu vực và tình hình mỗi nước nên thỏa thuận trên dẫm chân tại chỗ, không có tiến triển tích cực nào. Năm 2008, thỏa thuận hết thời hiệu. Buộc lòng, Philippines quay sang tìm đối tác nước ngoài mới và họ đã mời được Công ty Forum Energy Plc có trụ sở tại London vào thăm dò. Nhưng sau vài năm tiến hành hoạt động, phía Forum cũng gặp phải rất nhiều sự ngăn trở từ Trung Quốc và kết quả thăm dò không khả quan nên họ bỏ cuộc. Lô SC72 vẫn chưa có gì thay đổi.

  Năm 2016, ông Duterte giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines và điều trùng hợp là ông được hưởng thành quả thắng kiện Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền biển mà chính quyền tiền nhiệm đã thưa kiện ra tòa quốc tế từ năm 2013. Đáng chú ý, trong phán quyết của PCA có nêu rằng, vùng biển thuộc lô SC72 cách bờ biển Philippines 83 hải lý là vùng thuộc thềm lục địa của Philippines, nên thuộc chủ quyền của Philippines. Tuy nhiên, tổng thống Duterte không vì thế mà gây sức ép với Trung Quốc để đòi hỏi chủ quyền mà lại tận dụng cơ hội này tìm đường phát triển kinh tế cho Philippines. Duterte đánh tín hiệu sẽ hợp tác với Trung Quốc trong thăm dò, khai thác tài nguyên biển và ông này ngay lập tức được lãnh đạo Trung Quốc mời sang thăm. Các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước từ đó đến nay cho thấy, phía Philippines hứa hẹn sẽ thúc đẩy và ký kết với Trung Quốc thỏa thuận hợp tác thăm dò chung tại lô SC72, phía Trung Quốc hoan nghênh, cho rằng đó là động thái thiện chí và tích cực của chính quyền Philippines, đổi lại, Trung Quốc hứa sẽ đầu tư nhiều tỷ USD vào Philippines nhằm giúp nước này thúc đẩy phát triển kinh tế. Trên thực tế, quan chức chính quyền hai bên đã có những cuộc gặp không chính thức để thảo luận về vấn đề trên.

Như vậy, phải chăng Philippines sẽ là nước đầu tiên trong các nước tại khu vực có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ đạt được thỏa thuận “gác tranh chấp, cùng khai thác” hay “hợp tác khai thác chung” với Trung Quốc ở Biển Đông?

Xem xét từ các góc độ khác nhau, tình hình lại không đơn giản như vậy. Theo giới quan sát cảm nhận được và đánh giá, rất khó có khả năng để chính quyền của tổng thống Duterte đạt được thỏa thuận hợp tác thăm dò chung với Trung Quốc ở Biển Đông, vì:

Thứ nhất, những rào cản và vướng mắc từ phía Philippines

Tổng thống Philippines rõ ràng muốn lợi dụng con bài Biển Đông để mang lại lợi ích phát triển kinh tế cho đất nước, nhưng không phải ông muốn là được, vì ở Philippines không phải tất cả ai cũng nghĩ và làm như ông. Đây là một đất nước có chế độ đa đảng và cũng phải nói có nền dân chủ theo kiểu phương Tây. Vì vậy, có không ít rào cản từ bên trong không cho phép Tổng thống tự hành động, bao gồm: Một là, hiến pháp Philippines có những điều khoản quy định chặt chẽ liên quan đến chủ quyền quốc gia. Trong đó có điều khoản quy định các vùng biển thuộc quyền tài phán của Philippines thì trong hợp tác với các đối tác bên ngoài, phía Philippines phải được hưởng 60% quyền lợi, bất cứ pháp nhân đối tác nào của Philippines cũng chỉ được hưởng 40% lợi ích. Quy định này đang trói tay ông Duterte vì tuân thủ nó để ký thỏa thuận ở lô SC72 thì Trung Quốc không bao giờ chấp nhận. Muốn Trung Quốc chấp nhận theo ý họ thì ông Duterte chỉ có cách sửa hiến pháp, đây không phải là việc dễ dàng. Hai là, giới tư pháp ở Philippines. Đây là giới có quyền lực không thua kém giới hành pháp vì họ được hiến pháp quy định có quyền giám sát mọi hoạt động của chính quyền có phù hợp hiến pháp hay không. Những người có vai trò, quyền lực trong giới này, đứng đầu là Chánh án tòa án tối cao Philippines là ông Antonio Carpio nhận thấy rằng thỏa thuận mà ông Duterte đánh tiếng với Trung Quốc có nguy cơ xâm hại đến chủ quyền quốc gia nên đã ra sức phản đối. Thậm chí, ông Carpio đe dọa sẽ đưa ông Duterte ra toà án hiến pháp nếu ông hành động làm hại lợi ích quốc gia. Ba là, các đảng đối lập ở Philippines chống quyết liệt, đang sử dụng vấn đề này để hạ uy tín tổng thống và nếu họ thành công thì chưa biết chừng, ông Duterte sẽ phải ra đi. Bốn là, thỏa thuận trên mới chỉ là ý định thôi, nội dung cụ thể của nó là gì chưa ai rõ nhưng đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân Philippines. Trong đó, những người phản đối ý định trên lại chiếm đa số. Theo một thăm dò dư luận gần đây, có tới 79% số người dân được hỏi bày tỏ không ủng hộ cách thức giải quyết vấn đề Biển Đông của ông Duterte. Như vậy, vượt qua được những rào cản trên đối với ông Duterte chẳng khác gì đem trứng chọi với đá.

Thứ hai, những khó khăn, nghi ngại từ chính Trung Quốc

Sở dĩ Trung Quốc hoan nghênh đề nghị từ phía chính quyền Philippines và mong muốn thúc đẩy nó vì nếu có được thỏa thuận hợp tác thăm dò chung ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là có tranh chấp thì rõ ra là Philippines thừa nhận Trung Quốc có chủ quyền, vậy là gián tiếp thừa nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc và đương nhiên, chính Philippines lại phủ nhận phán quyết của PCA đang có lợi cho mình. Mặt khác, nếu có được thỏa thuận này thì Trung Quốc chứng minh được cho các nước khác thấy đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của họ là đúng và các nước nên theo hướng đó để duy trì hòa bình ở Biển Đông. Nhưng dù vậy, Trung Quốc cũng đang phải tính toán có nên bắt tay với Philippines không, bởi những nghi ngại sau: Một là, về kinh tế, Trung Quốc được lợi gì và lợi đến đâu. Xem ra, việc hợp tác thăm dò này có lợi cho Philippines nhiều hơn vì tài chính và công nghệ cho việc thăm dò chắc chắn phải từ phía Trung Quốc, Philippines đào đâu ra tiền và công nghệ. Đã thế, Trung Quốc lại còn phải đổ thêm tiền đầu tư giúp Philippines phát triển kinh tế nữa theo như đã hứa. Kết quả thăm dò tốt hay xấu, có dầu, khí hay không có dầu, khí cũng chưa nhìn thấy lợi ích của Trung Quốc đâu vì đây mới chỉ là hợp tác thăm dò chứ không phải hợp tác khai thác. Không khéo lại “dọn cỗ cho người khác xơi”. Hai là, về chính trị, chính quyền do ông Duterte nắm quyền liệu còn tồn tại được bao nhiêu năm nữa, liệu có nhiệm kỳ thứ hai của Duterte ở Philippines không mà làm ăn trong khi ông này làm tổng thống đã gần 3 năm rồi. Người khác lên liệu có tôn trọng thỏa thuận của ông Duterte không. Nên nhớ, chính người Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông, làm Trung Quốc mất mặt, đến giờ vẫn đang phải tìm cách bào chữa đơn phương. Bài học còn nóng hổi kia. Ba là, 10.000 cây số vuông ở lô SC72 chỉ là cái móng tay so với tham vọng hàng triệu cây số vuông ở Biển Đông của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc hợp tác khai thác chung được với Philippines ở đó thì nước lớn khác cũng hợp tác khai thác chung được với Philippines hay một nước khác trong khu vực, ở những chỗ khác thì sao. Không khéo lại “vẽ đường cho hươu chạy” để rồi Trung Quốc lại phải đương đầu với các ông lớn khác thì gay go. Minh chứng cho sự tính toán này là cho đến nay, Trung Quốc chưa hề giải ngân đồng nào cho các khoản đầu tư vào Philippines mà họ đã hứa hẹn, mặc ông Duterte dài cổ chờ đợi.

Thứ ba, những tác động và kiềm chế từ bên ngoài

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước có liên quan trong khu vực đã kéo dài cả chục năm nay, khi căng thẳng, quyết liệt, khi hòa dịu, nhưng đã khiến cho các nước có liên quan đều gia tăng sức mạnh quân sự trên biển để bảo vệ lợi ích của mình. Điều này tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hòa bình, ổn định ở khu vực và cũng tác động đến cả lợi ích của những nước ngoài khu vực bởi họ cần đến tuyến đường giao thông hàng hải, hàng không bậc nhất thế giới đi qua đây. Vì thế, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và gần đây là cả Anh, Pháp cũng đưa tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông để bảo vệ lợi ích của họ. Các nước trên, ngoài lợi ích bảo đảm an toàn giao thông, tự do hàng hải còn tìm kiếm những lợi ích chiến lược khác liên quan đến kinh tế, an ninh và địa chính trị. Có thể nói, ý định thỏa thuận với Trung Quốc về hợp tác thăm dò ở lô SC72 của Philippines chẳng khác gì thông điệp ngầm gửi tới các nước trên rằng, chỗ này có chúng tôi rồi, các ngài hãy đi nơi khác. Trong khi chiến lược của các nước ấy đâu dễ thay đổi một sớm, một chiều. Một chuyên gia quân sự Mỹ từng nói “Biển Đông không nổi sóng, Mỹ sẽ chẳng được lợi ích gì”. Do đó, những nước trên đâu dễ ngồi yên để Philippines ngon lành hợp tác thăm dò, khai thác với Trung Quốc. Người ta không ra mặt phản đối Philippines đâu nhưng người ta thiếu gì cách để cũng gửi thông điệp ngầm cho Philippines rằng, các ngài được lợi ở đấy cũng được, nhưng các ngài sẽ thất lợi ở những cái khác, chỗ khác. Không biết chừng sự thất lợi còn lớn hơn nhiều cái lợi mà Philippines đang mong muốn. Điều này lý giải vì sao chỉ có một bộ phận quan chức chính quyền Philippines là sốt sắng với ý định của ông Duterte, còn phần đông, nhất là giới quân sự Philippines không mấy mặn mà, thậm chí có người còn bàng quan.    

Thành thật mà nói rằng, vấn đề Biển Đông giờ đây không phải chỉ là vấn đề của Philippines với Trung Quốc, không phải chỉ là vấn đề của các nước trong khu vực với Trung Quốc, mà đã là vấn đề quốc tế, vấn đề của nhiều nước, nhiều bên trong và ngoài khu vực có liên quan. Nên cách thức mà ông Duterte có ý định thực hiện với Trung Quốc dù là một nỗ lực thông qua con đường hòa bình, hợp tác để phát triển nhưng sẽ không dễ gì trở thành hiện thực nếu không tính đến đặc điểm, bối cảnh tình hình hiện nay và nhất là lợi ích của các bên còn lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới