Trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tài nguyên năng lượng (dầu mỏ, khí đốt, băng tan) và thuỷ sản là hai nguồn lợi mà Trung Quốc đang muốn độc chiếm để áp đặt luật chơi đối với các nước trong và ngoài khu vực.
Các yêu sách năng lượng của TQ
Nếu chỉ là một tranh chấp chủ quyền đơn thuần, Biển Đông có thể sẽ đã tiếp tục bế tắc như vậy mà không nhiết thiết phải giải quyết ngay. Tuy nhiên, sự tồn tại của nguồn dự trữ năng lượng và thuỷ sản trong khu vựcđã ngăn chặn giải pháp này. Với nhu cầu năng lượng toàn cầu đang tăng lên, những nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới để thỏa mãn nền kinh tế đang mở rộng của họ. Năm 2009, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai sau Mỹ, và sức tiêu thụ của họ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, biến nước này thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc đã nhập khẩu 52% lượng dầu tiêu thụ của mình từ Trung Đông, và Saudi Arabia cùng Angola cộng lại chiến đến 66% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Trung Quốc đã và đang đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình để giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và đã tìm cách gia tăng sản lượng ngoài khơi xung quanh lưu vực sông Châu Giang và Biển Đông.
Trung Quốc cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Đối với Việt Nam, ngày 26/5/2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu khảo sát Bình Minh đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Ngày 09/6/2011, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam. Đối với, Philipines cũng đã có nhiều vấn đề với Trung Quốc. Philipines đã nổ lực để nâng cao khả năng tự cung tự cấp dầu của mình, và đặt mục tiêu (tự cung) 60% vào cuối năm 2011, điều mà họ có khả năng không đạt được. Nước này dự tính chào thầu 15 hợp đồng trong những năm tới cho việc thăm dò vùng biển ngoài khơi đảo Palawan, trong một khu vực bị yêu sách bởi Trung Quốc. Cũng trong năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Ngày 5/4/2011, Philipines đã phản đối chính thức lên Liên hợp quốc và tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN nhằm đạt được lập trường chung về vấn đề này.Trung Quốc tố cáo Philipines xâm lược vùng biển của họ và sau đó triển khai tàu tuần tra 3000 tấn Haixun-31 được trang bị một trực thăng đến khu vực này. Philipines cũng đã phải triển khai tàu hải Rajah Humabon. Chiếc tàu này đã di dời hết các cột mốc được người Trung Quốc dựng lên trên các bãi đá khác nhau thuộc vùng biển yêu sách bởi Philipines.Văn phòng Tổng thống Philipines tuyên bố đổi tên “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông) thành “Biển Tây Philipines” và công bố chương trình nâng cấp hải quân, điều sẽ giúp nâng cao sự hiện diện hải quân đang hạn chế của họ tại khu vực. Đối với các nước ngoài khu vực, điển hình là Ấn Độ. Tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat khi đang di chuyển đến Nha Trang (Việt Nam) vào tháng 7/2011 đã bị Trung Quốc cảnh báo bằng tín hiệu radio là hãy tránh xa “vùng biển Trung Quốc”. Trung Quốc cũng thường xuyên phản đối những hoạt động thăm dò của Công ty Dầu và Khí tự nhiên Ấn Độ (ONGC) xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mặc dù theo ONGC, các yêu sách của Việt Nam phù hợp với luật quốc tế và tuyên bố sẽ tiếp tục các dự án thăm dò tại hai lô gần quần đảo Hoàng Sa.
Các yêu sách về nguồn lợithuỷ sản của TQ
Cùng với những yêu sách về năng lượng, Trung Quốc cũng muốn kiểm soát nguồn thuỷ sản Biển Đông. Trong quá khứ, các tàu cá thường xuyên ra vào các vùng chồng lấn, nhưng việc gia tăng mức độ thường xuyên của những vụ việc như vậy đã gây ra những quan ngại. Nhiều tàu cá Việt Nam đã bị phía Trung Quốc bắt giữ trên Biển Đông. Quả thực, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực quân sự để uy hiếp các ngư dân các nước khác. Không những vậy, Trung Quốc áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông, họ xem đó như là cách bảo tồn nguồn cá cho đội tàu của mình tại Biển Đông. Lần đầu tiên Trung Quốc ban lệnh cấm là vào năm 1999, từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm và tới năm 2009 thì họ kéo dài lệnh cấm thành từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 hàng năm. Phạm vi cấm rất mơ hồ, mặc dù lệnh cấm bao trùm lên một khu vực bao quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không vươn xa xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa. Lệnh cấm ảnh hưởng tới sinh kế của ngư dân các nước, nhất là Việt Nam, Philippines, Indonesia. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ các tàu cá của mình, Trung Quốc triển khai tới khu vực các tàu mà họ gọi là “tàu kiểm ngư”, nhưng thực chất đó là những tàu hải quân được hoán chuyển.
Sự bành trướng của hải quân TQ
Biển Đông đang được đưa vào phạm vi cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ khi Trung Quốc tăng cường mở rộng chiến lược hải quân và triển khai các năng lực hải quân mới.Chiến lược hải quân của Trung Quốc đã được định hình trong nhiều năm qua kể từ khi Tư lệnh Hải quân Liu Huaqing (1982-1988) lần đầu tiên kêu gọi hình thành một lực lượng hải quân viễn dương đủ sức bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đều đặn phát triển sức mạnh hải quân, được nước này coi là cần thiết cho vị thế siêu cường. Khi Trung Quốc tăng sức mạnh kinh tế, lợi ích hàng hải của họ cũng mở rộng tương ứng (cùng với sức mạnh hải quân), đưa họ vào cuộc xung đột với Mỹ, cường quốc hải quân thống trị tại Tây Thái Bình Dương.
Chiến lược hải quân Trung Quốc đề ra ba nhiệm vụ nhằm định hướng cho sự phát triển năng lực hải quân của họ. Thứ nhất là ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập đồng thời cản trở Mỹ ủng hộ Đài Loan bằng việc triển khai hải quân khi có các sự kiện xung đột. Thứ hai là bảo vệ các tuyến giao thương mở rộng của Trung Quốc và các nguồn cung cấp năng lượng đang vận hành xuyên Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, nơi ước tính chừng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được chuyên chở. Nhiệm vụ này đã trở nên quan trọng sau khi Trung Quốc trở thành một nước nhập khẩu ròng về dầu mỏ vào năm 1993 và khi Trung Quốc nhận ra nền kinh tế của họ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đến thế nào vào cuối thập niên 1990. Nhiệm vụ thứ ba là triển khai năng lực đánh trả hạt nhân lần thứ hai từ mặt biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương, một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995 -1996. Trung Quốc hiểu rằng năng lực này sẽ là một sự răn đe tối hậu chống lại Mỹ trong các cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan cũng như các cuộc khủng hoảng khác.Để thực hiện các sứ mệnh này, Trung Quốc đã phát triển hoặc triển khai bốn lớp tàu ngầm và sáu lớp tàu khu trục mới trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Trung Quốc cần nơi trú ẩn cho các nền tảng hải quân của họ để chống lại những cuộc tấn công từ trên không và trên biển. Những chiếc tàu sân bay và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng đòi hỏi tiếp cận những vùng biển mở để hoàn thành sứ mệnh của mình; nếu không chúng có thể bị giam hãm vào một khu vực giới hạn và trở thành gần như là vô ích. Chỉ một vài nơi dọc theo bờ biển của Trung Quốc là có thể cung cấp chỗ trú ẩn cho hải quân của họ, nơi có thể tổ chức phòng ngự, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận vùng biển mở. Một là ở Hoàng Hải, nơi có căn cứ tàu ngầm đặt tại Xiaopingdao gần Đại Liên. Một nơi hợp lý khác là khu vực Hải Nam và khu vực nửa đóng của phía bắc Biển Đông, nơi có lợi thế gần với eo biển Malacca và các tuyến đường biển nối sang Ấn Độ Dương. Bất cứ vị trí nào khác xa hơn về phía Bắc sẽ có thể dễ bị tấn công ngăn chặn từ phía biển vào bởi Mỹ.Trung Quốc đã và đang xây dựng căn cứ ngầm ở Tam Á trên đảo Hải Nam, nơi sẽ chứa không chỉ các tàu SSBN mà cả tàu sân bay cũng như đội tàu hộ tống khi chúng được triển khai. Năm 2008, một chiếc tàu ngầm SSBN lớp Tấn đã được triển khai ở đó và tới tháng 10 năm 2010, hai tàu ngầm hạt nhân lớp Thương đã vào bến ở Tam Á. Nếu là một khái niệm phòng thủ khu vực, nó bao gồm cả Hoàng Hải lẫn Biển Đông như là những vị trí trú ẩn an toàn để đặt các căn cứ hải quân cũng như đường ra biển khơi an toàn. Tuy nhiên, phòng thủ khu vực đòi hỏi phải giữ chân Hải quân Mỹ từ xa và ở một khoảng cách đủ lớn để nó không thể can thiệp vào việc triển khai của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đã triển khai DF-21D, được mô tả là một loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) có khả năng nhắm đến các tàu sân bay Mỹ và các tàu mặt nước lớn khác. Trong quan điểm của Trung Quốc, sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương ngăn chặn việc Đài Loan thống nhất với đại lục và khuyến khích các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông chống lại các yêu sách của Trung Quốc. Nếu có thể đạt tới một thỏa thuận nào đó theo cách này với một nước Mỹ đang suy yếu về kinh tế thì Trung Quốc quả thật sẽ trở thành siêu cường thống trị tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Lập trường của Việt Nam và các nước
Trong bối cảnh trên, có thể khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hoạt động dầu khí cũng như các hoạt động kinh tế biển khác của Việt Nam được tiến hành bình thường trong khu vực biển hoàn toàn thuộc vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Về hoạt động khai thác thuỷ sản ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm và ngăn cản, đe doạ bắt giữ tàu cá Việt Nam hoạt động ở Biển Đông. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS)”. Quy định của Trung Quốc đã đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong khi đó, Philippines cũng nhiều lần phản đối kịch liệt lệnh cấm này của Chính quyền Bắc Kinh, do nó bao gồm cả các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Chính phủ Manila.