Từ năm 2009, khi Trung Quốc ban hành rộng rãi tấm bản đồ có vẽ đường lưỡi bò, một số nước đã phản đối mạnh mẽ hoặc yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ đường này.
“Đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị PCA bác bỏ
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Khi Trung Quốc cho lưu hành nội bộ tấm bản đồ có vẽ đường lưỡi bò, các nước khác trong Biển Đông đã gián tiếp phản đối tấm bản đồ này khi họ chính thức và công khai tuyên bố các yêu sách biển của mình, thông qua một số văn kiện pháp lý, đưa ra các tuyên bố, ký kết các thỏa thuận phân định biển với các quốc gia khác và thực thi một loạt các hoạt động trong các vùng nằm chồng lấn với vùng đường lưỡi bò.
Từ năm 2009, khi Trung Quốc ban hành rộng rãi tấm bản đồ có vẽ đường lưỡi bò, một số nước đã phản đối mạnh mẽ hoặc yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ đường này.
Việt Nam ngay lập tức đã có phản ứng đối với Công hàm của Trung Quốc vào năm 2009 bằng việc gửi một công hàm ngoại giao tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nêu rõ: “Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trong tấm bản đồ đi kèm với công hàm của nước này là không có hiệu lực vì nó không có cơ sở thực tế, lịch sử và pháp lý”.
Indonesia, trong một công hàm gửi đến Liên Hiệp Quốc vào ngày 8/7/2010 để phản ứng lại tấm bản đồ có đường lưỡi bò của Trung Quốc nói rằng “cái được gọi là tấm bản đồ đường chín đoạn được đưa ra trong Công hàm… rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đã vi phạm UNCLOS 1982”. Trả lời báo chí Nhật Bản trong chuyến thăm nước này vào cuối tháng 3/2015 (ngay trước chuyến thăm Trung Quốc), Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo cho rằng “đường chín đoạn và Trung Quốc dùng để chỉ biên giới trên biển hoàn toàn không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế”.
Ngày 5/4/2011, Philippines đã gửi một công hàm ngoại giao lên Liên Hiệp Quốc để phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc. Sau Việt Nam và Indonesia, Phippines cũng bác bỏ mọi cơ sở lịch sử, nếu có, của Trung Quốc đối với đường này. Công hàm cũng nêu rõ rằng, yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng bên ngoài “các thực thể địa lý” tại Nhóm đảo Kalayaan và các “vùng nước kế cận” của họ là không có cơ sở theo như luật quốc tế, cụ thể là UNCOLS và “đối với các vùng này, chủ quyền, quyền tài phán và quyền chủ quyền… thuộc về các quốc gia quần đảo và các quốc gia ven biển tương ứng”. Chiều rộng của các vùng nước “kế cận” quanh “các thực thể địa lý” đã được định nghĩa rõ ràng trong các điều khoản của UNCLOS, cụ thể là Điều 121 giải thích về quy chế của các đảo.
Singapore, bên không tham gia tranh chấp, cũng yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách của mình tại Biển Đông. Ngày 20/6/2011, phát biểu nhân chuyến viếng thăm tới Singapore của tàu Hải tuần 31 của Trung Quốc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Singapore cho biết: “Chúng tôi cho rằng làm rõ hơn các yêu sách của mình trên Biển Đông là vì lợi ích của chính Trung Quốc, bởi sự mơ hồ hiện nay từ phía Trung Quốc đã gây nên những quan ngại thực sự trong cộng đồng quốc tế. Những sự cố vừa qua càng làm sâu sắc thêm những quan ngại đó và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc trong việc diễn giải UNCLOS 1982”.
Về vai trò của ASEAN với tư cách là một khối, trong một tài liệu có nhan đề: “Các thành tố đề xuất của ASEAN đối với Bộ Quy tắc Ứng xử khu vực trên Biển Đông (COC) giữa các nước thành viên ASEAN diễn ra vào tháng 7/2012 tại Campuchia, ASEAN đề xuất COC sẽ là một văn bản pháp lý và một trong những mục tiêu của văn bản này là: “Khuyến khích các nỗ lực làm rõ các tranh chấp trên nguyên tắc phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Khuyến khích các bên liên quan cùng làm việc để định nghĩa và làm rõ các tranh chấp lãnh thổ và biển trên Biển Đông, dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.
Bộ Quy tắc ứng xử được đề xuất cũng yêu cầu các bên phải “cam kết tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của các nước duyên hải như được phân định tại UNCLOS 1982”.
Từ năm 2010, Mỹ đã kêu gọi “các bên tranh chấp xác định yêu sách lãnh thổ của mình và thực thi các quyền đi kèm trên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS”. Phía Mỹ cũng gián tiếp phản bác các luận điểm về “vùng nước lịch sử” của đường lưỡi bò khi Ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng, “Theo luật tập quán quốc tế, yêu sách hợp pháp về vùng biển trên Biển Đông chỉ có thể xuất phát từ các yêu sách hợp pháp về các thực thể đất liền”. Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói: “Các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông vượt quá phạm vi cho phép của UNCLOS”. Trong các năm gần đây, quan chức chính quyền và Quốc hội Mỹ liên tục kêu gọi Trung Quốc làm rõ yêu sách đường lưỡi bò và kêu gọi Trung Quốc đưa ra yêu sách biển của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Đáng chú ý, ngày 5/12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Các giới hạn trên biển (Limits in the Seas) số 143 tập trung vào các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó nội dung chính là phân tích và phê phán yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là thiếu nhất quán và thiếu cơ sở pháp lý.
Về lập trường của các nước khác, khi phát biểu về vấn đề Biển Đông tại diễn đàn Khu vực ASEAN (AFR) tổ chức tại Campuchia hồi tháng 7/2012, Ngoại trưởng Úc “kêu gọi các chính phủ làm rõ và xác định yêu sách lãnh thổ của mình cũng như quyền đi kèm trên biển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982”.
Tại diễn đàn Khu vực ASEAN 19, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng kêu gọi việc làm rõ yêu sách và gián tiếp phản bác đường lưỡi bò:
“Mặc dù chúng tôi không có ý định can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo trên Biển Đông, chúng tôi cho rằng tất cả các bên yêu sách nên làm rõ hơn các yêu sách của mình phù hợp với luật quốc tế có liên quan, trong đó có UNCOLS. Về điểm này, chúng tôi muốn chỉ ra rằng, trong số những công hàm được gửi đến Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2009, chúng tôi phát hiện ra một khẳng định yêu sách không có cơ sở thuyết phục về mặt pháp lý. Về điểm này, chúng tôi muốn nhắc lại một phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN năm 2011, rằng “các yêu sách về vùng biển trên Biển Đông chỉ có thể xuất phát từ các yêu sách hợp pháp về các thực thể đất liền”. Nhật Bản chia sẻ lập trường này” (in nghiêng của tác giả bài viết).
Kết luận
Đường lưỡi bò của Trung Quốc hiện đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong tranh chấp tại Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc đang không ngừng đề cập tới đường này như là yêu sách của mình nhưng họ chưa bao giờ chính thức tuyên bố hay làm rõ cơ sở pháp lý của đường này. Có rất nhiều quan điểm khác nhau cũng như nhiều cách diễn giải có thể về chế độ pháp lý của đường chin đoạn song hầu hết những cách này đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chỉ có duy nhất cách giải thích gọi đường này là đường bao quanh các đảo là phù hợp với tiêu đề của tấm bản đồ “Bản đồ địa điểm về các đảo tại Biển Đông” đã được ban hành và có thể được quốc tế ghi nhận như là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với các thực thể đất (các đảo, đá) trên Biển Đông. Cộng đồng quốc tế vẫn đang kêu gọi Trug Quốc làm rõ những yêu sách của mình. Tuy nhiên, dường như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã làm rõ yêu sách đường lưỡi bò của mình bằng việc sử dụng kết hợp khái niệm quyền chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định tại UNCLOS 1982 và khái niệm về “quyền lịch sử” để yêu sách tất cả các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng đường lưỡi bò.
Việc làm cho đường này phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 sẽ giúp gỡ bỏ sự mơ hồ và căng thẳng trong khu vực, đồng thời bảo đảm được hình ảnh quốc tế của Trung Quốc như là một cường quốc biển đang trỗi dậy có trách nhiệm. Đài Loan, với tư cách tác giả của tấm bản đổ gốc có thể làm rõ tính pháp lý của đường lưỡi bò như là đường quy thuộc các thực thể địa chất trên Biển Đông. Theo cách đó, Đài Loan sẽ đóng góp một vai trò xây dựng trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và “giữ thể diện” cho Trung Quốc đại lục trong khi vẫn bảo đảm được lợi ích của mình như là một bên yêu sách đang chiếm giữ đảo lớn nhất của Quần đảo Trường Sa.
(Còn nữa)