Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCử Mike Pence tới châu Á - TBD, ông Trump phó mặc...

Cử Mike Pence tới châu Á – TBD, ông Trump phó mặc cho TQ “đục nước béo cò”?

Suy tính chính sách của ông Trump và cộng sự là nhằm vào mối quan ngại của các nước trong khu vực về Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Chip Somodevilla—Getty Images

Hai cương vị của Mike Pence

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thực hiện chuyến công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ ba này trên hai cương vị.

Ông Pence thăm Nhật Bản, Singapore và Australia trên cương vị phó tổng thống Mỹ và thay mặt cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự hội nghị cấp cao Asean – Mỹ, hội nghị cấp cao Đông Á ở Singapore và hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea.

Năm nay là lần thứ hai kể từ năm 2013, tổng thống đương nhiệm của Mỹ không tham dự 3 sự kiện đa phương thường niên được coi là quan trọng nhất của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Không ít người nhìn nhận việc phía Mỹ tham dự 3 sự kiện này không phải ở cấp ông Trump mà chỉ ở cấp ông Pence là thể hiện thái độ không coi trọng khu vực, thậm chí là cả sai lầm tai hại về chiến lược của chính quyền mới ở Mỹ và cơ hội cho Trung Quốc gây dựng, mở rộng và phát huy vai trò và ảnh hưởng.

Ở vào thời điểm khác và trong bối cảnh tình hình khác tại khu vực này cũng như trên thế giới và thực trạng khác trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thì rất có thể như thế thật nhưng hiện tại thì không hẳn như vậy.

Cặp bài trùng Trump – Pence

Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện đã được chính quyền của ông Trump xác định là định hướng chiến lược được dành cho ưu tiên chiến lược.

Sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa rồi ở Mỹ, ông Trump và cộng sự sẽ hăng hái và quyết liệt hơn trước nhiều về đối ngoại bởi càng khó khăn và khó thành công về đối nội thì ông Trump có nhu cầu càng cấp thiết về việc dùng hoạt động và kết quả đối ngoại để trang trải cho đối nội.

Một khi đối ngoại có giá trị mới quan trọng đến vậy đối với ông Trump thì sẽ quá là vội vàng nếu có ai đó nghĩ rằng người này phó mặc cho Trung Quốc “đục nước béo cò” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thật ra, ở đây có sự phân vai cho hoạt động đối ngoại trong chính quyền của ông Trump. Khi ông Pence thực hiện chuyến công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương này, Mỹ và Trung Quốc nối lại đối thoại và tham vấn chiến lược, tuy không đạt được kết quả cụ thể nào nhưng cầu quan hệ vẫn được duy trì.

Ông Trump đã sang Pháp dự nghi lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Mấy ngày nữa, ông Trump sẽ tới Argentina dự hội nghị cấp cao của nhóm G20, dự kiến sẽ gặp cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Trump vốn không mặn mà với các sự kiện đa phương, vốn không coi trọng các thể chế, khuôn khổ và diễn đàn đa phương. Vì thế, cử ông Pence đi thay có lợi hơn rất nhiều cho ông Trump. Người này vốn có quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc.

Công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần này, ông Pence có sứ mệnh làm găng với Trung Quốc, tranh thủ đồng minh và đối tác, cũng như thể hiện Mỹ bắt đầu triển khai thực hiện cụ thể cái gọi là chiến lược của ông Trump cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương mà ông Trump đã phác hoạ và giới thiệu hồi cuối năm ngoái ở Đà Nẵng (Việt Nam), trước mắt với chương trình tài chính 60 tỷ USD và kế hoạch 123 triệu USD.

Tại Argentina mới có trận chung kết mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Pence bày trận để cho ông Trump đánh trận. Cặp bài trùng này cho tới nay đã không ít lần như thế rồi.

Qua đó, có thể nhận diện được suy tính chính sách của ông Trump và cộng sự là nhằm vào mối quan ngại của các nước trong khu vực về Trung Quốc.

Không ít mưu tính và hành động của Trung Quốc cả về kinh tế, thương mại lẫn quân sự và an ninh khiến các nước này không thể không lo ngại, trong khi tình trạng này còn kéo dài cũng như còn trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Xem ra phía Mỹ hiện tính rằng Mỹ càng cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc thì càng dễ thành công với việc tranh thủ các đồng minh và đối tác ở khu vực. Mỹ càng làm găng với Trung Quốc thì các đối tác trong khu vực càng phải dè chừng Mỹ và để ý đến lợi ích của Mỹ, từ đó Mỹ càng có thế trong xử lý quan hệ với Trung Quốc.

Hệ luỵ là các đối tác này rồi đây sẽ càng thêm khó khăn và khó xử giữa Mỹ và Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới