Tổng thống Trump tự hào nước Mỹ đang làm rất tốt trong vấn đề Trung Quốc, rằng Trung Quốc muốn thỏa thuận, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy…
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ: “Trung Quốc muốn có một thỏa thuận. Họ đã gửi một danh sách những việc mà họ sẵn sàng làm.
Đó là một danh sách dài, nhưng tôi chưa chấp nhận được.
Tuy nhiên, tôi có lúc nghĩ rằng chúng tôi đang làm rất tốt trong vấn đề Trung Quốc”.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói Mỹ sẽ triển khai kế hoạch áp thuế lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không đạt thỏa thuận, nhưng ông nói thêm:
“Chúng tôi có thể không phải làm điều đó. Trung Quốc muốn có thỏa thuận”.
“Hy vọng là chúng tôi sẽ có thỏa thuận, và nếu không, chúng tôi sẽ hành động đúng theo hướng hiện nay”, ông nói.
Tổng thống Trump nhận định những thuế suất Mỹ áp lên hàng loạt hàng hóa Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gây sức ép khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ và đồng ý tiến tới một thỏa thuận thương mại mới.
Cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung bùng phát từ tháng 7 và tính đến nay, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Đáp lại, Bắc Kinh áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ đối tác và dừng mua những nông sản xuất khẩu chủ chốt, trong đó có đậu nành.
Ông Trump nói rằng phản hồi của Trung Quốc về cơ bản là đầy đủ, nhưng chưa đề cập đến 4-5 vấn đề lớn. Giới phân tích nói rằng đây là một dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ còn mất nhiều thời gian để đàm phán sau cuộc họp dự kiến diễn ra giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này ở Argentina.
Dù Tổng thống Trump rất tự tin vào việc chính quyền của ông đã làm rất tốt trong vấn đề Trung Quốc, rằng Trung Quốc đã nhượng bộ Mỹ nhưng giới chuyên gia lại nghĩ khác.
Theo đó, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể kéo Mỹ vào một cuộc đàm phán kéo dài và phức tạp. Họ nói rằng những cuộc đàm phán tương tự giữa Mỹ và Trung Quốc trước đây thường khiến Washington bị “hớ” vì Bắc Kinh thường tận dụng thay đổi chính trị ở Mỹ sau mỗi cuộc bầu cử.
Bản thân nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cũng chưa rõ Bắc Kinh có sẵn sàng thực hiện nhượng bộ hay không, nhất là khi phe Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mới đây.
Rất có thể việc Trung Quốc gửi danh sách những việc họ sẵn sàng làm cho Mỹ là một cách để Bắc Kinh mở đường thoát trong danh dự cho Washington.
Cần nhớ rằng khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, đã có rất nhiều quan điểm từ phía các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo rằng Mỹ sẽ bị thua thiệt nhiều nhất khi gây chiến thương mại với nhiều quốc gia, trong khi đó Trung Quốc lại được hưởng lợi.
Vào tháng 10/2018, ECB công bố nghiên cứu cho thấy, nếu Mỹ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng của các nước thì Mỹ sẽ bị các nước này trả đũa tương tự đối với các mặt hàng xuất khẩu.
Điều này sẽ khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại, gây hại chính người tiêu dùng trong nước, niềm tin của các nhà đầu tư do đó cũng suy giảm. Với tình trạng này, các công ty Mỹ cũng sẽ đầu tư ít hơn, thuê ít nhân công hơn. Như vậy, chiến tranh thương mại sẽ mang lại tác động tiêu cực đối với Mỹ.
ECB ước tính tăng trưởng của Mỹ sẽ bị giảm hơn 2 điểm phần trăm. IMF ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay và 2,7% trong năm tới, còn tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể giảm xuống còn 3%.
Ngược lại, Trung Quốc sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang các nước thứ ba, nơi hàng hóa của Mỹ phải chịu thuế quan, mặc dù mức tăng nhẹ này chỉ là tạm thời và bù đắp một phần những tác động tiêu cực.
Thực tế cũng đã chứng minh những cảnh báo đang dần trở thành hiện thực. Bằng chứng thuyết phục nhất chính là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc không ngừng tăng lên, đi ngược với nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong thời gian qua, nhất là khi tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc..
Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, giá trị hàng nhập từ Trung Quốc của Mỹ trong tháng 9 tăng 7,8% so với tháng trước, lên 47,7 tỷ USD, đẩy thâm hụt thương mại tăng 8,8%, lên 37,4 tỷ USD.
Con số trên cho thấy mức thâm hụt thương mại hàng tháng của Mỹ với Trung Quốc cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh xung đột thương mại song phương leo thang.
Nó cũng cho thấy thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ trong tháng 9 tăng 1,3% so với tháng trước, lên 54 tỷ USD do nhập khẩu tăng cao.
Có lẽ, Tổng thống Donald Trump chưa nên mừng vội.