Phát biểu tại APEC, ông Pence khuyên các nước châu Á-Thái Bình Dương: Đừng nhận những khoản vay có thể làm tổn hại tới chủ quyền.
Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: Reuters
Hãy tránh xa bẫy nợ!
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có một màn công kích nhằm vào kế hoạch xây dựng hạ tầng ở nước ngoài gây tranh cãi của Trung Quốc, hối thúc các nước châu Á kiềm chế trước các khoản vay của Trung Quốc có khả năng làm tổn hại tới chủ quyền.
Trong bài nói kéo dài 25 phút, Phó Tổng thống Mỹ không hề nhắc tới Sáng kiến Vành đai – Con đường dù chỉ một lần nhưng ông Pence nhiều lần hàm ý đề cập đến chương trình nghìn tỉ USD mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động năm 2013 nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa nền kinh tế lớn nhất châu Á với một khu vực lãnh thổ Á – Âu rộng lớn.
“Như tất cả chúng ta đều biết, một số bên đang đề xuất các khoản vay hạ tầng cho nhiều chính phủ khắp châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”, ông Pence nói sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc.
“Tuy nhiên, các điều khoản trong những khoản vay này thường thiếu minh bạch, những dự án được hỗ trợ thường thiếu bền vững và có chất lượng kém. Các khoản vay này thường bị ràng buộc quá nhiều và dẫn tới một khoản nợ chóng mặt”.
Ông Pence bổ sung thêm: “Xin hãy để tôi nói bằng sự tôn trọng đối với tất cả các quốc gia trong khu vực rộng lớn này và trên thế giới: Đừng nhận những khoản vay nước ngoài có thể làm tổn hại tới chủ quyền. Hãy bảo vệ lợi ích của mình. Hãy bảo vệ nền độc lập của mình. Và cũng như nước Mỹ, hãy luôn ưu tiên đất nước của các bạn”.
Mỹ không dìm đối tác xuống biển nợ
Như một phương án thay thế, Pence đề cao sáng kiến tài chính phục vụ cho phát triển mà nước Mỹ đang thúc đẩy với sự trợ giúp của các đồng minh chủ chốt Australia và Nhật Bản.
“Chúng tôi không đưa ra một vành đai siết chặt hay một con đường một chiều”, ông Pence nói trong một diễn đàn kinh tế bên lề hội nghị APEC ở Papua New Guinea.
“Với cam kết mới này, chúng tôi cũng đặt cơ sở hạ tầng ở châu Á – Thái Bình Dương lên vị trí ưu tiên hàng đầu, từ đường bộ tới đường ray, từ cảng biển tới đường ống dẫn, sân bay… Nước Mỹ có hướng tiếp cận trái ngược với một số quốc gia khác”.
“Hãy biết rằng nước Mỹ đề xuất một lựa chọn tốt hơn. Chúng tôi không nhấn chìm đối tác của mình xuống biển nợ, chúng tôi không ép buộc hoặc làm tổn hại tới nền độc lập của bạn”, ông Pence nói.
Phó Tổng thống Mỹ cũng nói rằng nếu Trung Quốc không đi bước đi đầu tiên, thì Washington không chắc sẽ thay đổi lập trường cứng rắn của mình về thương mại với người khổng lồ châu Á.
“Chúng tôi đã có hành động mang tính quyết định để xử lý tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Chúng tôi đã áp thuế đối với 250 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc và chúng tôi có thể tăng gấp đôi con số ấy”, Pence nói, “Nhưng chúng tôi kỳ vọng vào điều tích cực hơn. Mỹ sẽ không thay đổi lộ trình cho tới khi Trung Quốc thay đổi”.
Liên quan tới những lo ngại về động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Pence tuyên bố, Mỹ sẽ hợp tác với Australia để nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus, Papua New Guinea. Ngoài ra, Sáng kiến Minh bạch châu Á – Thái Bình Dương trị giá 400 triệu USD nhằm “tạo điều kiện cho các công dân chống tham nhũng và củng cố chủ quyền” cũng được công bố.
Tuy nhiên, không phải tất cả những gì ông Pence nói đều cứng rắn.
Ông Pence cho hay, chính quyền Mỹ nhận thức rất rõ rằng “cạnh tranh Trung – Mỹ” đang gây lo lắng trong khu vực.
“Tôi xin được nói rõ. Nước Mỹ tìm kiếm một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc dựa trên sự công bằng và tôn trọng chủ quyền”, ông Pence nói, “Như Tổng thống Trump đã nói, chúng tôi muốn củng cố mối quan hệ giữa 2 nước và cải thiện đời sống của người dân”.
Theo nhận định của SCMP, hiện có những kỳ vọng rằng 2 cường quốc có thể tìm kiếm một nền tảng chung nào đó về cuộc chiến thuế quan khi 2 lãnh đạo gặp gỡ.
Ông Pence nói: “Trung Quốc có một vị trí trang trọng trong tầm nhìn của chúng tôi về một châu Á – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nếu nước này chấp nhận tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, theo đuổi thương mại công bằng, tự do và ủng hộ nhân quyền, tự do”.