Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBàn về sự tương tác giữa TQ, ASEAN và Mỹ ở Biển...

Bàn về sự tương tác giữa TQ, ASEAN và Mỹ ở Biển Đông hiện nay

Những năm gần đây, tuyên bốvàhành độngđơn phương của Trung Quốcđã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế và đặt ra những thách thức đối với ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực.

Sự tương tác giữa các cạnh trong tam giác Trung Quốc, ASEAN và Mỹ trong vấn đề Biển Đông có các động lực riêng của nó. Trung Quốc liên tục theo đuổi các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông đã khiến các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp lo ngại về an ninh của họ cũng như sự ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Trung Quốc càng quyết đoán ở Biển Đông thì sức mạnh mềm của Trung Quốc tại khu vực càng giảm sút. Mặc dù hầu hết các nước ASEAN đều có lợi ích trong quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc, song các nước này cũng ngày càng cảnh giác trước ý đồ của Bắc Kinh. Một mặt, các nước ASEAN phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mặt khác họ tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Một sốnước trong ASEAN đã tiến hành các động thái nhằm hiện đại hóa quân sự và tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ để cân bằng lại quyền lực ở khu vực này. Do đó, Mỹ càng có nhiều lý do để can dự vào Đông Nam Á và tạo ảnh hưởng đối với vấn đề Biển Đông.

Với Mỹ, một mặt cạnh tranh với Trung Quốc để việc duy trì vị thế lãnh đạo tại châu Á – Thái Bình Dương, mặt khác Mỹ cũng cần hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh đó, vấn đề Biển Đông giúp Mỹ có lý do để duy trì can dự tại khu vực và tập hợp lực lượng để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Đa phần các ý kiến đều cho rằng Trung Quốc càng hùng mạnh bao nhiêu thì lợi ích của Mỹ tại châu Á cũng sẽ lớn lên bấy nhiêu. Vì thế, Mỹ tái khẳng định lợi ích và lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Gần đây, Mỹ tiếp tục duy trì lập trường trên, cho dù là với các mức độ khác nhau tại các diễn đàn khu vực khác nhau.Ở một góc độ khác, chính sách và lập trường của của Mỹ ảnh hưởng đến cả lập trường của những nước khác, đặc biệt là những nước có mối quan hệ gần gũi với Mỹ. Tiếp sau Mỹ, các quốc gia có lợi ích tại Biển Đông như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và ngay cả một số quốc gia EU khác cũng bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu mỏ và khí đốt quốc tế trong làm ăn với các nước ASEAN đã không ngăn cản được các công ty này nhưng lại tạo cớ cho Mỹ bày tỏ quan điểm của mình về “hoạt động thương mại không bị cản trở” và khiến Mỹ quyết tâm hơn trong việc bảo vệ lợi ích của các tập đoàn Mỹ. Hành động này đã khiến các nước nhỏ hơn tại Đông Nam Á tìm cách hợp tác với các công ty dầu mỏ và khí đốt của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Kết quả là Biển Đông đã trở thành vấn đề có sự đan xen lợi ích của các cường quốc và đang ngày càng được quốc tế hóa, một cục diện mà Trung Quốc không hề mong muốn và thực tế đang tìm cách phá bĩnh.

Quan trọng hơn, Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề chính yếu trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong những năm trước đây, khi vấn đề Biển Đông luôn là một trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của các nước có tranh chấp trong ASEAN thì vấn đề này chỉ là ưu tiên hạng hai trong chính sách của Trung Quốc, ít nhất là so với chính sách của Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước lớn. Hiện nay, khi vấn đề Biển Đông trở thành một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Trung Quốc thì cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ trở nên đồng bộ và thống nhất hơn. Do đó, chính sách Biển Đông của Trung Quốc có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy cần thiết. Diễn biến này có cả tác động tích cực và tiêu cực cho ASEAN, phụ thuộc vào việc liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định điều chỉnh chính sách mềm mỏng hay cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đang triển khai một chính sách mang tính phối hợp và tập trung trong vấn đề Biển Đông. Để ngăn chặn Philippines, Trung Quốc áp dụng một cách tiếp cận đồng bộ và toàn diện, từ việc gây áp lực về ngoại giao, tăng cường hiện diện ở khu vực tranh chấp với hàng trăm tàu cá và tàu chấp pháp từ các cơ quan khác nhau (Hải giám và Ngư chính), áp dụng việc trừng phạt kinh tế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Philippines và tăng cường hoạt động tuyên truyền ra quốc tế. Để đáp trả việc Việt Nam thông qua Luật Biển, Trung Quốc cũng đã tiến hành đồng thời các biện pháp đa chiều như đưa ra phản đối ngoại giao; thiết lập thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield, Quần đảo Trường Sa và “các vùng nước liền kề” ở Biển Đông; mời thầu quốc tế các lô dầu khí bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; triển khai một số lượng lớn các tàu tuần tra ở Biển Đông và đồn trú lực lượng quân sự ở “thành phố Tam Sa” được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong quan hệ với ASEAN, để ảnh hưởng đến cuộc thảo luận nội khối ASEAN, Trung Quốc sử dụng kinh tế, quân sự để tìm cách lôi kéo, mua chuộc các nước như Campuchia, Philippines, khiến cho ASEAN rơi vào tình trạng bị chia rẻ, khó khăn trong việc đi đến tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.

Kết quả của việc áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ và tập trung, chính sách Biển Đông của Trung Quốc là nhằm hướng tới “tranh chấp mở rộng với cường độ thấp”. Chính sách này là sự kết hợp giữa tăng cường sự hiện diện, kiểm soát của lực lượng dân sự và bán quân sự ở tất cả các khu vực bên trong đường lưỡi bò; kiềm chế sử dụng các lực lượng quân sự; hứa hẹn đầu tư mạnh mẽ về kinh tế đối với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước không tranh chấp; và tích cực tăng cường áp lực ngoại giao để ngăn cản ASEAN hình thành một lập trường chung về Biển Đông. Với cách thức này, Trung Quốc tăng khả năng hạn chế Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.

Mỹ hiện tại đang ở trong một tình thế khó xử. Việc chưa gia nhập Công ước Luật Biển đã làm hạn chế tính chính danh của Mỹ khi chỉ trích các quốc gia khác không tôn trọng luật biển. Sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng hải quân Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông, chủ yếu diễn ra giữa tàu chấp pháp của các nước ven biển. Việc Trung Quốc thành công khi đẩy lùi Philippines và thiết lập sự hiện diện của nước này ở Bãi cạn Scarborough bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng cho thấy những giới hạn trong sự can dự của Mỹ.

ASEAN đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong bối cảnh cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á, liệu ASEAN sẽ bị chia rẽ hay đoàn kết hơn để duy trì tính trung tâm của khối trong cấu trúc an ninh khu vực. Vai trò của ASEAN trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông có thể bị hạn chế bởi sự chia rẽ trong nội khối và những tác động từ bên ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới