Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐàm luậnChủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ (Kỳ I)

Chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ (Kỳ I)

Đối với tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một thực tế đáng tiếc không thể phủ nhận được, đó là tranh chấp khó có thể được giải quyết triệt để trong tương lai gần. Giải pháp duy nhất có thể là các bên trong tranh chấp cùng chấp nhận cho một tòa án quốc tế phân xử. Thế nhưng hiện nay không bên nào trong tranh chấp đề nghị giải pháp này.

Trong quá khứ, ngay cả khi Đài Loan chưa kiểm soát được đảo nào trong quần đảo Hoàng Sa, khi hải quân của họ vẫn còn chưa đáng kể, họ đã khước từ đề nghị của Pháp về việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa án quốc tế. Ngày nay, khi Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa, chiếm một phần quần đảo Trường Sa, trở thành một cường quốc hải quân, với nền kinh tế lớn thứ nhì và có triển vọng trở thành lớn nhất thế giới, họ vẫn luôn khẳng định không chấp vai trò của bên thứ ba trong tranh chấp. Với thực trạng đó, khó có thể mong đợi Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp Hoàng Sa hay Trường Sa ra Tòa án quốc tế.

Philippines, Malaysia và Brunei thì không có nhiều lý lẽ chủ quyền có thể đứng vững trước Tòa cho đảo nào ở Quần đảo Trường Sa. Vì vậy, khả năng là các nước này cũng không muốn ra Tòa.

Ngay cả Việt Nam, nước có lập luận pháp lý vững chắc nhất cho chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tuy có thể chịu ruiro nhất định từ một số giai đoạn trong lịch sử, cũng chưa hề công khai đề nghị đưa tranh chấp Hoàng Sa hay Trường Sa cho một tòa án quốc tế phân xử.

Trong khi đó, Trung Quốc có nhiều dấu hiệu chuyển sang giai đoạn “hậu trỗi dậy hòa bình”, gia tăng nỗ lực thực hiện và củng cố sự kiểm soát trên thực tế đối với các đảo cũng như vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”, khiến tình hình Biển Đông ngày một bất ổn.

Giữa bối cảnh một mặt thì không có triển vọng giải quyết tranh chấp, mặt kia thì sự căng thẳng ngày càng gia tăng, một bối cảnh mà chính Trung Quốc là nước có nhiều trách nhiệm trong việc tạo ra, các quan chức và học giả Trung Quốc lại đưa ra khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” như một giải pháp cho bối cảnh đó. Tại hội nghị “Các diễn biến gần đây của tranh chấp Biển Đông và những triển vọng tương lai của cơ chế khai thác” (“Recent Developments of the South China Sea Dispute and Prospects of Joint Development Regime”) diễn ra vào tháng 12/2012 tại Hải Nam, Trung Quốc, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tốn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc cho rằng “gác tranh chấp, cùng khai thác” đã được thực tế chứng minh là một giải pháp có tính khả thi để giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông. Ngày 28/12/2012, tại một diễn đàn của các Ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Trí Quân một lần nữa đề xuất chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh việc bảo vệ những gì mà họ cho rằng thuộc về họ.

“Gác tranh chấp, cùng khai thác” là chủ trương lâu năm của Trung Quốc về Biển Đông, nhưng hiện nay điều đáng lưu ý là nhiều học giả, nhà bình luận và nhà phân tích quốc tế cũng ủng hổ khái niệm này như một giải pháp mà họ cho rằng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên trong tranh chấp và giảm thiểu được căng thẳng. Những nhận định của họ dựa trên thực tế là đã có nhiều thỏa thuận cùng khai thác đạt được trên những vùng biển tranh chấp ở nhiều nơi trên thế giới.

Trên thực tế, khái niệm “gác tranh chấp cùng khai thác kiểu Trung Quốc” có một số điều bất cập làm cho nó không có tính công bằng hay tính thỏa hiệp như nhiều trường hợp gác tranh chấp cùng khai thác trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, cho đến nay, Việt Nam khá thận trọng với các đề nghị của Trung Quốc, mặc dù sau khi Trung Quốc và Philippines ký thỏa thuận khảo sát chung khu vực Trường Sa năm 2004, Việt Nam đã đành phải tham gia thỏa thuận khảo sát chung với hai nước này vào năm 2005.

Điều chúng ta có thể chắc chắn là Việt Nam sẽ phải đối diện với sức ép ngày càng gia tăng cho việc “gác tranh chấp cùng khai thác”. Trung Quốc sẽ gây thêm căng thẳng, bao gồm cả cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam và triển khai các hoạt động dầu khí của họ, để dồn Việt Nam vào thế phải chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” kiểu Trung Quốc. Nguồn sức ép thứ nhì có thể là từ nhu cầu của các nước Philippines, Malaysia và Brunei, muốn “đi riêng” và chấp nhận cùng khai thác với Trung Quốc. Nguồn sức ép thứ ba là các bên thứ ba, do không hiểu rõ tính không công bằng của đề nghị “gác tranh chấp cùng khai thác” kiểu Trung Quốc, và ủng hộ đề nghị đó. Sức ép đó sẽ đặt Việt Nam vào một vị trí khó khăn. Bài viết này sẽ tập trung nêu ra những điểm bất công bằng trong khai niệm “gác tranh chấp cùng khai thác” kiểu Trung Quốc.

Như một ví dụ, tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” ở Hà Nội ngày 26-17/11/2009, Giáo sư Tề Quốc Hưng của Đại học Giao thông Thượng Hải, nguyên Giám đốc bộ môn Châu Á Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Thượng Hải, nhắc lại chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc.

Giáo sư Tề Quốc Hưng đề xuất rằng, trước hết, các bên trong tranh chấp phải thỏa thuận được một khuôn khổ chung cho việc khai thác trên toàn bộ Biển Đông. Giáo sư Tề cụ thể hóa bằng cách đề nghị Việt Nam và Trung Quốc bàn về khả năng cùng khai thác Bãi Tư Chính, một khu vực nằm gần như hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam, không thuộc Quần đảo Trường Sa vốn đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền.

Trong khi đó, chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không bao gồm quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng. Thậm chí, Trung Quốc còn cho rằng không tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa.

Tại buổi họp báo ở Hà Nội ngày 6/1/2010, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường cũng đề nghị chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Đại sứ Tôn Quốc Tường nói: “Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, và đề rằng Việt Nam và Trung Quốc nên tạm gác lại tranh chấp, đợi điều kiện chín muồi, “Nếu điều kiện chin muồi, hai bên giải quyết được vấn đề, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước còn có nhiều công việc cần cố gắng, nỗ lực, có nhiều hợp tác có thể tiến hành…

Trong khi phát triển quan hệ song phương và chờ đợi điều kiện chín muồi, hai bên có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa”.

Bài viết sẽ phân tích chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc mà Đại sứ Tôn Quốc Tường cho là một sáng kiến mang tính xây dựng của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

(Còn nữa)

RELATED ARTICLES

Tin mới