Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnChủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ (Kỳ II)

Chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ (Kỳ II)

Chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” được Trung Quốc chính thức đề nghị lần đầu tiên trong văn cảnh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku (tên Nhật)/Điếu Ngư Đài (tên Trung Quốc) giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Bối cảnh tranh chấp Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài

Trong chuyến thăm Nhật Bản, ngày 25/10/1978, Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda rằng, có thể để các thế hệ sau giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư Đài; trong quan hệ ngoại giao, hai nước nên lấy quyền lợi chung làm ưu tiên.

Thực tế cho thấy, Nhật Bản và Trung Quốc đã đi theo phương hướng “gác tranh chấp” này.

Điều đáng lưu ý là Nhật Bản là nước đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư Đài. Trong tranh chấp chủ quyền, nếu tranh chấp được gác lại thì có lợi cho nước đang kiểm soát lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp. Vì vậy, việc gác tranh chấp có lợi cho Nhật hơn cho Trung Quốc.

Trong bối cảnh vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc cần mở rộng quan hệ quốc tế. Có lẽ vì nhu cầu đó, Trung Quốc đã phải đề nghị gác tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư Đài, một đề nghị có lợi cho Nhật hơn cho Trung Quốc trong phạm trù tranh chấp chủ quyền, để thuận tiện cho việc phát triển quan hệ với Nhật.

Ngày 11/5/1979, Đặng Tiểu Bình nói với đại biểu Quốc hội Nhật Bản Zenko Suzuki rằng, Trung Quốc và Nhật Bản có thể cùng khai thác vùng biển lân cận đảo Senkaku/ Điếu Ngư Đài mà không đề cập đến tranh chấp chủ quyền đối với đảo.

Điều đáng lưu ý là Senkaku/ Điếu Ngư Đài và vùng biển lân cận nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, và vùng biển này gần Nhật và Đài Loan hơn Trung Quốc, cho nên Nhật có nhiều khả năng để đơn phương khai thác vùng biển này hơn Trung Quốc. Vì vậy, đề nghị của Trung Quốc để khai thác chung vùng biển này là một đề nghị có lợi cho Trung Quốc hơn là có tính xây dựng cho cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Trên thực tế, cho tới nay, Nhật luôn luôn khước từ tất cả các đề nghị của Trung Quốc để khai thác vùng biển lân cận đảo này.

Bối cảnh tranh chấp Trường Sa

Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển quan hệ ngoại giao với ASEAN trong hai thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, một phần là để mở rộng quan hệ ngoại giao, một phần là để đối trọng Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đưa ra với ASEAN đề xuất về tranh chấp Trường Sa mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho là hợp lý:

* Quần đảo Trường Sa là một phần không tách rời được của Trung Quốc từ thời cổ xưa.

* Tranh chấp chủ quyền phát sinh từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

* Vì quan hệ hữu nghị với những nước liên quan, Trung Quốc muốn tạm gác tranh chấp sang một bên và sau này tìm một giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được.

* Các bên nên tránh xung đột vũ trang và nên tìm cách khai thác chung.

Tháng 6/1986, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Phó Tổng thống Philippines Salvador Laurel rằng, Trung Quốc và Philippines nên gác tranh chấp Trường Sa, “không nên để vấn đề này cản trở tình hữu nghị của Trung Quốc với Philipines và các nước khác”.

Tháng 4/1988, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Tổng thống Philippines Corazon Auino, “Xét quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta, chúng ta có thể tạm gác vấn đề này và tiếp cận theo hướng khai thác chung”.

Ngay cả khi đề nghị gác tranh chấp, Đặng Tiểu Bình cũng “giải thích” rằng, Trung Quốc có chủ quyền đối với Trường Sa. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình nói thẳng rằng: “Các bản đồ thế giới luôn vẽ Trường Sa thuộc Trung Quốc”, “Chúng tôi có nhiều bằng chứng. Các bản đồ thế giới của nhiều nước cũng chứng minh điều này”. Đặng Tiểu Bình cũng nói với Tổng thống Corazon Auino rằng, Trung Quốc có nhiều thẩm quyền nhất về vấn đề Trường Sa vì Trường Sa luôn là một phần của lãnh thổ Trung Quốc.

Điều đáng lưu ý là vào đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng những bãi cạn Đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Huy Gơ và Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Không lâu sau đó vào tháng 4/1988 Trung Quốc tiếp tục tấn công Việt Nam để chiếm Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao ngày 14/3/1988 và chiếm được Gạc Ma. Đây là một thí dụ cho thấy giới hạn của điều mà Trung Quốc gọi là “gác tranh chấp”.

Trong đề nghị và cách ứng xử của Trung Quốc, “giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được” có vẻ không phải là một sự phân định chủ quyền công bằng mà là một giải pháp trong đó các nước khác đành phải chấp nhận chủ quyền Trung Quốc, và, đáp lại, Trung Quốc sẽ chấp nhận cho những nước này một số quyền lợi nhất định nào đó.

Như vậy, sáng kiến “gác tranh chấp, cùng khai thác” của chính phủ Đặng Tiểu Bình cho tranh chấp Trường Sa không phải do tính xây dựng mà là để phục vụ mục đích đối trọng Việt Nam nói chung và chiếm đoạt Trường Sa từ Việt Nam nói riêng.

Bắt đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, yêu sách của Trung Quốc được nâng cao để bao gồm tất cả diện tích bên trong ranh giới đường chín đoạn của nước này, và chủ tương “gác tranh chấp, cùng khai thác” được Trung Quốc đề nghị cho tất cả diện tích đó.

Như vậy, Việc Trung Quốc áp dụng khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” cho yêu sách đường chín đoạn không phải do tính xây dựng mà là để Trung Quốc đòi hỏi khai thác chung trong những vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi một cách vô lý, ví dụ như trong vùng Tư Chính – Vũng Mây và Nam Côn Sơn của Việt Nam.

Chúng ta có thể hiểu rõ thêm về khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai tác” của Trung Quốc.

Giải thích của Trung Quốc về “gác tranh chấp, cùng khai thác”

Theo bài “Set aside disputes and pursue joint development” đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” có 4 yếu tố:

  1. Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc.
  2. Khi điều kiện chưa chín muồi để có giải pháp quán triệt, hoãn lại đàm phán về chủ quyền – để có thể gác tranh chấp sang một bên. Gác tranh chấp không có nghĩa từ bỏ chủ quyền [mà chủ quyền duy nhất được đề cập tới là chủ quyền Trung Quốc – tác giả].
  3. Khai thác chung các vùng lãnh thổ liên quan.
  4. Mục đích của khai thác chung là nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho giải pháp cuối cùng về chủ quyền lãnh thổ [chủ quyền duy nhất được đề cập tới là chủ quyền Trung Quốc – tác giả].

Bốn yếu tố này có một số vấn đề căn bản:

Thứ nhất, “chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc” là một trong những yếu tố của khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng khả năng chủ quyền thuộc về những nước khác đối với toàn bộ hay một phần lãnh thổ bị tranh chấp thuộc về các nước khác không được đề cập tới. Yếu tố này chính là một sự tranh chấp chủ quyền và đi ngược với tinh thần “gác tranh chấp”.

Thứ nhì, điều kiện thế nào là chín muồi để có giải pháp quán triệt? Cần làm gì để có những điều kiện đó? Thế nào là giải pháp quán triệt? Theo ý kiến của tác giả, chỉ có phân định chủ quyền trên một cách công bằng mới có thể là giải pháp quán triệt. Để phân định chủ quyền một cách công bằng cần phải có đàm phán hoặc phân xử bởi một trọng tài công bằng, ví dụ như Tòa án Công lý Quốc tế. Hoãn lại đàm phán về chủ quyền không thuận tiện cho điều kiện chín muồi cho việc phân định chủ quyền một cách công bằng. Có thể là điều kiện chín muồi mà Trung Quốc đề cập tới là điều kiện chín muồi để thực hiện yếu tố thứ nhất: “Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc”.

Thứ ba, đâu là các vùng biển liên quan có thể khai thác chung? Việc khai thác chung chỉ có thể công bằng trong những vùng biển mà yêu sách của các bên trong tranh chấp hợp lý hơn một mức tối thiểu nào đó. Không thể chấp nhận được việc một nước đòi hỏi tới đâu thì các nước kia phải khai thác chung với nước đó tới đó. Ranh giới chín đoạn của Trung Quốc quá vô lý, cho nên nếu khai thác chung với Trung Quốc trên cơ sở ranh giới đó thì sẽ không thể công bằng. Không những thế, Trung Quốc không chấp nhận Việt Nam khai thác chung khu vực Hoàng Sa, trong khi lý lẽ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa hợp lý tới mức tối thiểu cho việc Việt Nam khai thác chung.

Yếu tố thứ tư cho thấy mục đích tối hậu của Trung Quốc trong đề nghị khai thác chung là tạo điều kiện cho yếu tố thứ nhất, tức là “chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc”.

Như vậy, mặc dù khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên phương diện đó là một nguyên tắc chung thì có thể chấp nhận được, nhưng với những quan niệm của Trung Quốc đằng sau nó thì trước mắt sẽ bất công cho Việt Nam và về lâu dài sẽ nguy hại cho chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, không chỉ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn đối với cả những vùng biển bị ranh giới đường chín đoạn của Trung Quốc đe dọa.

Để có thể gác tranh chấp, cùng khai thác một cách công bằng, phải có những nguyên tắc công bằng không có trong quan niệm của Trung Quốc về “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

(Còn nữa)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới