Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 diễn ra cuối tuần qua, vì vậy sự chú ý của dư luận đã đổ dồn vào Chủ tịch Tập Cận Bình, người muốn nhân cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã cho các đảo quốc Thái Bình Dương vay ít nhất 1,3 tỷ USD, trong đó có khoảng 590 triệu USD là giành cho nước chủ nhà APEC 26 Papua New Guinea (PNG). Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ quốc gia này 4 tỷ USD để xây dựng hệ thống đường bộ quốc gia đầu tiên, một trong những động thái giúp Trung Quốc đảm bảo có được sự hậu thuẫn của các quốc đảo Thái Bình Dương như Samoa, Vanuatu, quần đảo Cook, Tonga, Niue, Fiji và Micronesia.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã rời PNG với một tâm trạng không mấy thoải mái.
Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các nhà lãnh đạo không ra tuyên bố chung vì yêu cầu của nước chủ nhà. Bắc Kinh sau đó đã trở thành tâm điểm chỉ trích khi có tin nói rằng 4 quan chức Trung Quốc đã bị trục xuất khỏi văn phòng của Ngoại trưởng PNG Rimbink Pato vì tìm cách tác động tới tuyên bố của quan chức này. Giám đốc Văn phòng các Vấn đề Kinh tế Quốc tế Trung Quốc Wang Xiaolong được dẫn lời khẳng định thông tin trên “ là sai sự thật”.
Đối với Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh thương mại cuối tuần qua đáng nhẽ đã phải là một chiến thắng về mặt quan hệ công chúng, song mọi chuyện nhanh chóng diễn biến theo hướng ngược lại khi Reuters đưa tin nói rằng các quan chức Trung Quốc cấm phóng viên từ các quốc gia khác và từ các hãng truyền thông quốc tế tham dự các sự kiện, và thay vào đó chỉ cho phép phóng viên của truyền thông nhà nước Trung Quốc có mặt tại các cuộc họp, viện dẫn lý do về không gian và lo ngại an ninh.
Mọi chuyện không chỉ có vậy. Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Australia gần đây đã công khai tìm cách đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Đầu tháng 11, Australia công bố khoản đầu tư trị giá 2,2 tỷ cho khu vực Thái Bình Dương – bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ Tài chính Hạ tầng Australia và một cơ quan tín dụng xuất khẩu để giúp các doanh nghiệp nước này trong đầu tư tại khu vực. Ngày 17/11, các nước tham gia hiệp định Đối tác Ba bên gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia đã ra một tuyên bố chung khẳng định sẽ thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển và lĩnh vực tài chính. Tuyên bố nhấn mạnh các dự án này sẽ tuân thủ “các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế về phát triển, như mở cửa, minh bạch, và đảm bảo về tài chính”. Nỗ lực này là nhằm “đáp ứng những nhu cầu thực tế của khu vực, đồng thời tránh cho các quốc gia phải gánh những khoản nợ lớn thiếu bền vững”.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence còn tỏ ra thẳng thắn hơn. Công khai nhằm vào Trung Quốc, ông cho rằng Mỹ “đem đến cơ hội tốt hơn” và không “nhấn chìm các đối tác trong biển nợ… không cưỡng ép… hay (buộc các nước này phải) nhượng bộ” nền độc lập của mình. Để chỉ rõ rằng Mỹ và các đồng minh hoàn toàn nghiêm túc trong việc dùng các công cụ kinh tế và quân sự để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, cuối tuần qua, Phó Tổng thống Mỹ cho biết Mỹ sẽ cùng Australia và PNG tái phát triển và xây dựng một căn cứ hải quân chung tại đảo Manus.
Trước đó, hồi tháng 8, có thông tin cho biết Trung Quốc có thể giành được hợp đồng tái thiết cảng biển ở Manus. Thực tế một hạ tầng quân sự tại hòn đảo này có ý nghĩa chiến lược rất lớn, bởi đây là cảng nước sâu đủ sức đón các tàu sân bay và hàng trăm tàu hải quân. Là một căn cứ quan trọng của hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cảng biển ở Manus sẽ tạo thành tuyến phòng thủ thứ hai nếu Quân Giải phóng Trung Quốc phá vỡ tuyến phòng thủ ở Chuỗi đảo thứ nhất, khu vực gồm quần đảo Kuri, Nhật Bản, Đài Loan, phía Bắc Philippines và Borneo, cùng bán đảo Malaysia.
Bắc Kinh vốn kỳ vọng những gì diễn ra cuối tuần qua sẽ giúp thể hiện rằng Trung Quốc là một siêu cường đang trỗi dậy hòa bình tại Nam Thái Bình Dương. Song thay vào đó, các diễn biến lại phản ánh sự bất bình và lo ngại của khu vực về “quyền lực mũi nhọn” của Trung Quốc.
Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc càng phô trương và vận dụng sức mạnh kinh tế, họ lại càng cần trấn an các nước đi vay và thế giới rằng đó không phải là những cái “bẫy nợ” hay là cách để họ giành lấy ảnh hưởng cho mình. Cuối tuần qua từng được kỳ vọng là cơ hội để Trung Quốc “tỏa sáng” trong hội nghị về kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực. Song, thay vào đó, điều mà người ta dễ dàng nhận thấy là những tham vọng của Bắc Kinh không chỉ nhận được sự hoan nghênh của một số đối tác mà còn khiến nhiều quốc gia cực kỳ lo ngại và tìm cách chống đỡ.