Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thống nhất bộ quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông.
Một đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Ảnh: Reuters.
“Trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, ASEAN đã nhiều lần khẳng định mong muốn sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Điều quan trọng là bộ quy tắc này phải thực chất, hiệu lực, hiệu quả, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc UNCLOS, đóng góp thực chất cho việc đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông và khu vực”, bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói trong họp báo thường kỳ chiều nay.
Bà Trà trả lời câu hỏi của VnExpress về việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu hôm 13/11 ở Singapore rằng Bắc Kinh hy vọng việc đàm phán COC sẽ kết thúc trong vòng ba năm tới.
Bà Trà khẳng định việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và nghĩa vụ của các nước trong khu vực, trong đó có ASEAN và Trung Quốc.
Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khởi động đàm phán COC từ năm 2013. Đến tháng 8/2017, các bên thông qua thỏa thuận khung COC, sự kiện được coi là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng yêu sách “đường 9 đoạn”, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh gần đây gia tăng các hoạt động quân sự hóa trái phép trên Biển Đông, vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước trong khu vực và Mỹ.