Người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho rằng phán quyết của tòa trọng tài tới nay không hiệu quả vì không có khả năng thực thi.
“Philippines sẽ không dùng đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vào lúc này”, Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trả lời trong cuộc họp báo hôm 20/11, theo Philstar.
Khi được hỏi tuyên bố này có đồng nghĩa với việc phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông mà Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague đưa ra tháng 7/2016 là “vô dụng” hay không, Salvador khẳng định “ngay lúc này thì đúng là như vậy”.
“Như tôi đã nói, chúng tôi có thể có được những gì lẽ ra thuộc về mình bằng cách đàm phán. Phán quyết của tòa trọng tài nói rằng vùng biển đó là của chúng tôi nhưng tòa không thể thực thi”, người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhấn mạnh. Theo Salvador, quan điểm của Tổng thống Duterte là “giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng”. “Đó là lý do tại sao chúng ta có cơ chế đàm phán với họ”, Salvador nói.
Tuyên bố trên được chính quyền Duterte đưa ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20/11 bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tại Philippines. Khi thảo luận song phương, ông Tập cam kết sẽ kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong ba năm tới, nhằm đóng góp cho “hòa bình, ổn định và lợi ích” của khu vực. Duterte cho biết giữa hai lãnh đạo “có sự tín nhiệm và tin tưởng sâu sắc” và họ đã bàn về tăng cường thương mại và đầu tư.
Duterte nhiều lần nói rằng ông sẽ yêu cầu Trung Quốc thực thi phán quyết của tòa trọng tài vào thời điểm nào đó trong nhiệm kỳ tổng thống 6 năm của mình, nhưng chính quyền của ông từ chối trả lời khi nào điều đó xảy ra. “Chúng tôi sẽ gác lại vấn đề này cho tới khi Tổng thống quyết định được thời gian thích hợp. Ông ấy có 6 năm để làm điều đó và hiện Tổng thống mới trải qua nửa nhiệm kỳ”, Salvador nói hồi đầu tháng này.
Phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 33 ở Singapore tuần trước, Duterte tuyên bố “Trung Quốc đã nắm được Biển Đông” và nhấn mạnh rằng ông không muốn tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển này vì có thể kích động Bắc Kinh và dẫn đến chiến tranh.
Salvador sau đó tìm cách “chữa cháy” phát ngôn của Tổng thống, nói rằng Duterte chỉ đang đề cập một “thực tế”, không đồng nghĩa với việc Trung Quốc “sở hữu Biển Đông”.
Sau khi trở thành Tổng thống Philippines tháng 6/2016, Duterte thực thi chính sách thân Trung Quốc nhằm đổi lại các khoản viện trợ, đầu tư. Duterte nhiều lần bị phe đối lập lên án vì thể hiện lập trường mềm yếu trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như phát ngôn gây tranh cãi về vùng biển này. Các thượng nghị sĩ đối lập mới đây yêu cầu Duterte công bố chi tiết về những kế hoạch thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc.