CSIS cho rằng, xét về vị trí chiến lược của đá Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền Việt Nam) thì đây là một diễn biến đặc biệt.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc lắp đặt trái phép cấu trúc mới trên đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Cấu trúc mới
Theo CSIS, ảnh chụp vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt một cấu trúc mới trên đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo đó, một cấu trúc mới đã xuất hiện trên rìa phía Bắc của đá Bông Bay, trên nóc có các tấm năng lượng mặt trời và vòm che radar.
CSIS cho rằng, xét về vị trí chiến lược của đá Bông Bay thì đây là một diễn biến đặc biệt và khả năng triển khai cấu trúc một cách nhanh chóng có thể lặp lại ở những khu vực khác trên biển Đông.
Đá Bông Bay nằm ở rìa Đông Nam của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Tuy nhiên, cho tới mùa hè năm nay, cấu trúc nhân tạo duy nhất trên đá này là một ngọn hải đăng ở phía Tây. Các tiền đồn gần nhất mà Trung Quốc xây dựng trái phép là ở đảo Linh Côn, đảo Phú Lâm, đảo Quang Hòa và đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lần đầu tiên cấu trúc mới xuất hiện trên đá Bông Bay là trong ảnh chụp vệ tinh ngày 7/7/2018. Nó không hiển thị trong những bức ảnh chụp trước đó hồi tháng 4.
CSIS ước tính, cấu trúc này dài 27m, rộng 12m và cao hơn mặt nước một khoảng. Vòm che radar ở trên nóc cấu trúc này ước tính có đường kính 6m và một dãy pin năng lượng mặt trời bao phủ một diện tích rộng 120m2. Công trình thượng tầng có thể che giấu bất cứ phương tiện hoặc thiết bị nào bên trong cấu trúc mới này.
Mục đích quân sự?
Rất khó để xác định được mục đích sử dụng của cấu trúc trên từ ảnh vệ tinh, nhưng CSIS nhận định, về bản chất, xét trên vị trí chiến lược của đá Bông Bay thì khả năng lớn nhất là quân sự.
Đá Bông Bay nằm liền sát với tuyến vận tải chính giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa về phía Nam. Vị trí này khiến nó trở thành một địa điểm hấp dẫn để Trung Quốc lắp cảm biến nhằm mở rộng trái phép hệ thống radar hoặc tín hiệu do thám ra tuyến đường biển quan trọng.
Vòm che radar được ghi nhận trong ảnh chụp vệ tinh của CSIS khá nhỏ, đặc biệt là khi so sánh với hệ thống cảm biến lớn mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm hoặc trên các căn cứ chính mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa. Vì vậy, năng lực của nó cũng khá khiêm tốn.
Nguồn cung năng lượng được xem là một yếu tố hạn chế. Không có căn cứ hoặc bất cứ cơ sở phát điện nào trên đá Bông Bay, nên cấu trúc mà Trung Quốc xây phi pháp sẽ không thể tự cung, tự cấp. Những tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc có thể là nguồn cung điện năng duy nhất, hoặc có thêm một máy phát điện trong các cơ sở phía dưới công trình thượng tầng.
CSIS nhận định: Nếu mở rộng thêm về phía Nam và phía Đông từ đá Bông Bay, Trung Quốc sẽ có thể tiến gần hơn tới mục tiêu giám sát và phô trương quyền lực ra toàn bộ vùng biển.
Việc triển khai cấu trúc một cách nhanh chóng nhưng để lại dấu vết rất nhỏ cho thấy sự trái ngược với quá trình nạo vét và bồi đắp phi pháp mà Trung Quốc đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Nếu cấu trúc mới thực sự chứa một hệ thống cảm biến, thì động thái này cho thấy Bắc Kinh có năng lực thiết lập một cơ sở lâu dài một cách nhanh chóng để ngang ngược bành trướng quanh khu vực biển nhạy cảm của khu vực.