Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do Tổng thống Mỹ khởi xướng, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, thật bất ngờ lại kín đáo ủng hộ ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2017. Ảnh: Reuters.
Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo người Anh Rob Cox, thuộc hãng tin Reuters.
Bên ngoài đồng nhất, bên trong phức tạp
Bề ngoài, quan chức, doanh nghiệp và truyền thông Trung Quốc đều thể hiện chung một quan điểm là phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ. Trong lần phát biểu gần nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên án một số quốc gia theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, một sự ám chỉ rõ ràng đến Washington.
Thông điệp đó đã đi kèm với động thái tăng cường kiểm duyệt việc đưa tin trong nước về các vấn đề kinh tế trong những tháng gần đây, đặc biệt là liên quan đến thương mại với Mỹ. Nhưng bên dưới là một bức tranh phức tạp hơn.
Rất ít nhà điều hành khu vực tư nhân của Trung Quốc hoặc cố vấn chính sách thấy lợi ích từ việc áp thuế nhập khẩu cao hơn hoặc hạn chế đầu tư chặt chẽ từ Washington.
Sự ủng hộ trực quan của họ đối với Tổng thống Trump xuất phát từ suy nghĩ rằng động lực cải cách thị trường đã bị đình trệ.
Sự tham gia của chính phủ vào một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, đã trở nên đáng chú ý hơn trong năm qua. Trong quý 2, “ông lớn” về game và mạng xã hội Tencent đã chứng kiến thu nhập giảm sút lần đầu tiên kể từ năm 2005 khi chính phủ tiến hành chiến dịch chống nghiện game ở thanh thiếu niên.
40% giá trị của Tencent, tương đương 240 tỷ USD bị xóa sổ kể từ tháng Giêng.
Trong khi đó, Zhang Yiming, người sáng lập ra một trong những doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Bắc Kinh ByteDance Technology, đã xin lỗi công chúng vào đầu năm nay sau khi các quan chức buộc công ty này tạm ngưng ứng dụng nổi tiếng Toutiao.
Nói chung, thật dễ hiểu vì sao nhiều người trong khu vực tư nhân của Trung Quốc lại thất vọng về triển vọng chính sách.
Doanh nghiệp tư nhân âm thầm ủng hộ
Đối với các doanh nhân và những người hy vọng một thị trường mở cửa và cạnh tranh hơn, tại Trung Quốc hiện nay không có áp lực nào đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Mặc dù các doanh nghiệp không được hưởng lợi trực tiếp bởi các đòi hỏi thương mại của Tổng thống Trump, sức ép từ ông Trump là biện pháp duy nhất có tác dụng.
Kết quả là, nhiều người hy vọng ông Trump có thể là một chất xúc tác bên ngoài cho sự thay đổi. Nếu tổng thống Mỹ có thể tác động đến lãnh đạo Trung Quốc bằng cách sử dụng công cụ thuế, điều này có thể thúc đẩy thị trường mở cửa hơn nữa, điều mà mà các quan chức muốn né tránh.
Điều đó có thể giúp các công ty tư nhân cạnh tranh hiệu quả hơn, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu khác trong vài tuần gần đây cũng ra sức úy lạo tinh thần các doanh nhân, được cho là niềm hy vọng tốt nhất để bù đắp thiệt hại mà khu vực nhà nước phải gánh chịu.
Chủ tịch Trung Quốc hồi đầu tháng này đã cam kết “hỗ trợ vững chắc” cho các công ty và doanh nhân tại một hội nghị chuyên đề về các doanh nghiệp tư nhân ở Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ cắt giảm thuế, cho phép khối tư nhân tiếp cận tài chính dễ dàng hơn và công bằng hơn so với các công ty nhà nước.
Thật khó để biết liệu điều này một phần là nhờ áp lực của Mỹ hay đơn giản là sự công nhận tầm quan trọng của khu vực tư nhân đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng dù là nguyên nhân nào, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang đặt hy vọng cải cách vào ông Trump nhiều hơn so với chính phủ.