Theo GS.TS Đặng Đình Đào, hàng hóa nhất là đồ ăn Trung Quốc cần phải minh bạch rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cho đến tiêu chuẩn.
Chân gà muối Trùng Khánh, bánh bông lanh ruốc, kem, hạt dẻ tẩm mật ong hay bánh sữa chua chảy tràn… Các loại đồ ăn vặt được quảng cáo “hàng nội địa Trung Quốc’ đang lên cơn sốt, được bày bán tràn lan trên thị trường Việt Nam.
Điều đáng nói, trên bao bì sản phẩm, 100% đều bằng tiếng Trung, không có tiếng Anh hay dán tem phụ về thành phần, hướng dẫn sử dụng.
Nói về điều này, ngày 27/11, trao đổi với báo Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng, câu chuyện hàng Trung Quốc tràn lan không chỉ ở đường phố mà khắp các ngõ ngách làng quê đã có từ rất lâu.
“Hiện nay có nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc siêu rẻ của Trung Quốc được làm từ người dân vùng sâu, vùng xa của nước này. Những mặt hàng này không được nhập khẩu theo đường chính thức nên người tiêu dùng phải cảnh giác về vấn đề an toàn thực phẩm.
Nếu tình trạng bánh kẹo, sản phẩm nội địa Trung Quốc được rao bán tràn lan như vậy thì tôi cho rằng đây là lỗ hổng rất lớn, cần phải siết chặt lại. Việc hàng hóa không có tem mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ không đảm bảo an toàn và không thể tránh được tình trạng lẫn hàng giả kém chất lượng”, GS.TS Đặng Đình Đào nói.
Nói về việc khách hàng mua hàng là bởi niềm tin, “tin nhau thì mới mua”, GS Đào cho rằng, đây là tập quán thương mại cần phải xem xét lại, cần phải có những điều chỉnh tập quán mua hàng vì tin tưởng nhau.
“Nói là hàng nội địa Trung Quốc nhưng đã ai bảo đảm 100% chưa? Trong kinh doanh thường có chuyện giao lưu buôn bán, bởi vậy tập quán thương mại quen nhau, thân nhau là rất nguy hiểm. Có những hàng nội địa Trung Quốc còn rẻ hơn ở Việt Nam nên người tiêu dùng càng cần cẩn trọng.
Qua việc này, tôi nghĩ các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phối hợp, rà soát để ngăn chặn tình trạng bán hàng nội địa Trung Quốc tràn lan. Không có chuyện người Trung Quốc dùng được thì mình cũng dùng được, đừng cả tin”, GS Đào cho biết thêm.
Cùng ngày, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra quan điểm liên quan đến việc này.
Theo TS Kiêm, thời buổi hội nhập kinh tế thị trường nên người tiêu dùng có thể chọn hàng nào phù hợp, giá thành hợp lý để mua sử dụng.
“Việc này không cấm được, còn nếu muốn kiểm soát được người tiêu dùng thì phải có kỹ thuật và dùng những nguyên tắc của kinh tế hội nhập chứ không phải áp dụng những biện pháp ngăn sông cấm chợ. Bên cạnh đó, phải có những chế tài bảo đảm việc kiểm soát những tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa. Đó là điều kiện buộc mình phải vươn lên để hội nhập.
Ví dụ muốn kiểm soát chất lượng hàng hóa cần phải đưa ra quy định riêng về hàm lượng chất dinh dưỡng trước khi nhập về Việt Nam tiêu thụ, chân gà được bảo quản bao lâu là đạt tiêu chuẩn. Việt Nam có quyền đưa ra những tiêu chuẩn đó để đảm bảo về văn hóa tiêu dùng của mình”, TS Kiêm nói.
Cũng theo TS Kiêm, hàng rào kỹ thuật phải làm cho đúng, không thể nói bâng quơ được. Bởi vậy các cơ quan chuyên môn phải có giải pháp và tiến hành hội nhập 1 cách bình đẳng, rõ ràng, công khai minh bạch.
“Nếu người tiêu dùng thấy đồ ăn Trung Quốc không đảm bảo thì phải lên tiếng vì quyền lợi của mình. Phải có thể chế, quy định rõ ràng, việc nhập những hàng nào hay không nhập hàng nào mình hoàn toàn có quyền”, TS Kiêm cho biết thêm.
Bánh Trung Quốc được rao bán nhiều trên mạng xã hội |
Như đã đưa tin, càng ngày đồ ăn vặt có nguồn gốc từ Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn và được bán nhiều trên khắp chợ online lẫn cửa hàng tạp hóa.
Chị Nguyễn Minh (30 tuổi, chủ một cơ sở chuyên cung cấp sỉ, lẻ chân gà muối Trùng Khánh ở Hà Nội) cho biết: “Tôi toàn nhập hàng trực tiếp tại các siêu thị hay Trung tâm thương mại lớn ở Trung Quốc, không bao giờ nhập hàng trôi nổi ở các chợ nhỏ hay cửa khẩu nên về độ chuẩn hàng nội địa Trung Quốc khách không bao giờ phải nghĩ. Chỉ cần nhìn vào số lượng khách mua hàng nhà tôi là có thể thấy chất lượng hàng như nào rồi”.
Theo chị Minh, do chỉ chuyên một mặt hàng là chân gà muối nên chất lượng và giá cả được chị đặt lên hàng đầu. Trung bình cứ 1 thùng chân gà muối Trùng Khánh bên trong có 40 gói, giá bán lẻ gần 1,5 triệu đồng, hạn sử dụng 200 ngày kể từ ngày sản xuất.
Trong khi đó, chị Linh (36 tuổi, TP.HCM), chủ 1 cửa hàng chuyên bán bánh bông lan ruốc Trung Quốc cũng cho biết, loại bánh này chỉ 4 nghìn đồng là có thể mua được 1 cái, rẻ hơn cả bánh mỳ ruốc ở Việt Nam.
“Tôi đã ăn thử các loại bánh ruốc ở nhiều nước rồi nhưng thấy bánh bông lan ruốc hàng nội địa Trung Quốc vẫn đáng nhập bán nhất vì giá rẻ mà hạn sử dụng được lâu”, chị Linh nói.
Theo chị Linh, hạn sử dụng bánh bông lan ruốc Trung Quốc thấp nhất là 2-3 tháng và cao nhất là 6 tháng, tùy loại bánh. Đặc biệt loại bánh này không cần bảo quản, chỉ để bên ngoài trong thời gian còn hạn sử dụng là chất lượng bánh vẫn được giữ nguyên.
“Hàng nội địa Trung Quốc sản xuất và phân phối tại đất nước này nên khách hoàn toàn yên tâm sử dụng bởi đây không phải hàng trôi nổi. Người dân nước họ ăn mãi rồi cũng có ai bị sao đâu nên tôi rất tin tưởng mà nhập hàng bán đều, sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm thị trường và bán thêm các loại bánh kẹo hàng nội địa khác của Trung Quốc”, chị Linh chia sẻ thêm.