Doanh nghiệp Việt quá yếu, chưa có trụ cột trong khi môi trường kinh doanh kém phẳng, cơ cấu kinh tế trì trệ nhiều năm…
Tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” tổ chức ngày 1/12, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại đã có phân tích khá sâu sắc về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những tác động đối với Việt Nam.
Ông Tuyển cho rằng, xung đột thương mại Mỹ – Trung không đơn thuần do Trung Quốc xuất siêu lớn vào Mỹ. Sâu xa hơn, đây là cuộc cạnh tranh chiến lược để giữ vị trí siêu cường số 1 của Mỹ và giành vị trí này. Vì thế, cuộc chiến sẽ khó dừng sau một vài đợt đàm phán.
Với Việt Nam, ông Tuyển nhấn mạnh đến hai cơ hội lớn: Thứ nhất, nhiều sản phẩm Việt Nam giống Trung Quốc do vậy hoàn toàn có thể thay thế tốt sản phẩm của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
“Mỹ hiện nay chưa đánh thuế cao cho hàng hóa Việt Nam dù hiện xuất siêu hàng Việt vào Mỹ đang tăng lên. Việt Nam có thể là đồng minh tự nhiên của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh này. Đây là cơ hội lớn nhất”, báo Dân trí dẫn lời ông Tuyển nhận định.
Cơ hội thứ hai ông Tuyển nói tới đó là việc dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là thị trường được tính đến để “thế chân”.
Tuy nhiên, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nếu doanh nghiệp Việt “tham” thì sẽ chịu áp thuế từ Mỹ như với Trung Quốc.
“Doanh nghiệp đừng “tham” khi nhập hàng Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ, cũng không nên nhập hàng Trung Quốc về rồi gia công rồi lấy xuất xứ “made in Vietnam” để xuất sang Mỹ rồi chịu tác động khó lường”, ông Tuyển nói.
Trước tác động của cuộc chiến này, ông Tuyển cũng không quên đưa ra một số cảnh báo về thách thức mà Việt Nam phải đối đầu. Thứ nhất, đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến cho hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn, điều này giúp họ thuận lợi hơn trong các thị trường không bị áp thuế như châu Âu, Đông Nam Á…
“Phần nào đó hàng Trung Quốc có thể lấn át hàng Việt tại các thị trường này”, nguyên Bộ trưởng Thương mại nhận định. Trong khi đó, chủ trương của Việt Nam là điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trên nguyên tắc bảo vệ giá trị đồng tiền.
Cùng chia sẻ quan điểm, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, lo ngại Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành sân sau của Trung Quốc, tiếp tay cho các doanh nghiệp nước này trốn thuế nhập khẩu vào Mỹ khi dán nhãn “made in Vietnam”.
“Lực lượng doanh nghiệp Việt quá yếu, chưa có trụ cột trong khi môi trường kinh doanh kém phẳng, cơ cấu kinh tế trì trệ nhiều năm… là những thách thức không dễ gì vượt qua.
Nếu mải mê nhặt nhạnh, kiếm ăn trong thế giới biến đổi thì tầm nhìn đó là ngắn hạn. Đây là cơ hội mang tính lịch sử, chúng ta có thực lực nhất định tận dụng cơ hội này”, báo VnExpress dẫn lời ông Thiên nói.
Trước đó, cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cảnh báo, về dài hạn, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang thì thương mại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn, từ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, mà xuất khẩu lại là một trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về đầu tư, ông Thành lạc quan khi cho rằng có thể hy vọng dòng đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển về Việt Nam. Song, ông cũng lưu ý yếu tố ổn định lâu dài trong thu hút đầu tư. Nếu không, đến thời điểm Mỹ và Trung Quốc dừng cuộc chiến thương mại, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia bị cho là “dư thừa”?
Ngoài ra, tác động đến chính sách tiền tệ, tỉ giá, thị trường chứng khoán cũng là thách thức cực kỳ lớn.
“Việt Nam với tính cách là một nền kinh tế mở, không tránh khỏi tác động dài hơi, nhiều chiều. Vì vậy, cần bám sát, nhìn nhận diễn biến với thái độ bình tĩnh để triển khai ứng phó với tinh thần linh hoạt trong ngắn hạn, nhất quán trong dài hạn”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Đại học Fulbright Vietnam cho rằng, độ mở nền kinh tế của Việt Nam lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài trên 70% nên dễ bị tổn thương trong cuộc chiến này.
Vì vậy, theo TS Vũ Thành Tự Anh, nền kinh tế Việt Nam cần phải tái cơ cấu lại, hạn chế dần phụ thuộc vào nước ngoài mà phải coi nội lực là chính. Đặc biệt, cần nuôi dưỡng sức cầu trong nước, đồng hành với doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn bởi đó là nhân tố thúc đầy lực cầu trong nước đi lên.
Thứ nữa, điều hành kinh tế vĩ mô cần xem xét lại tính lính hoạt trong thay đổi tỉ giá. Khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Việt Nam có nên khư khư không phá giá theo không? Điều hành về tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh này cần linh hoạt hơn chứ không thể theo mô típ cũ.