Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngTQ lại xây dựng phi pháp trên Biển Đông

TQ lại xây dựng phi pháp trên Biển Đông

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) thông tin Trung Quốc lại triển khai trái phép một công trình xây dựng mới trên đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ thập niên 1970, theo AP.

Ảnh vệ tinh mới nhất của CSIS cho thấy Trung Quốc đã xây dựng phi pháp một công trình mới trên đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ảnh mới nhất về công trình xây dựng phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc

Công trình xây dựng này có vẻ như được bao phủ bởi mái che radar và các tấm pin năng lượng mặt trời. Vị trí chiến lược của nó cho thấy Trung Quốc có ý định mở rộng hệ thống radar và thông tin tín hiệu tình báo trong khu vực. Đá Bông Bay cũng đã có một ngọn hải đăng phục vụ việc tuần tra (Năm 1929, phái đoàn Perrier-Rouville của Pháp từng đề xuất kế hoạch xây dựng một ngọn đèn biển tại đá Bông Bay).

Theo CSIS, không giống như những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông cần phải đổ bê tông cát lên trên các rặng san hô, việc triển khai công trình trên Đá Bông Bay với kích thước khiêm tốn không gây hại lớn với môi trường. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Trung Quốc đã dễ dàng thế nào trong việc mở rộng dấu chân của mình trên các thực thể khác như bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm đóng của Philippines từ năm 2012.

Báo cáo của CSIS cũng cho biết, so với việc cải tạo và nạo vét trái pháp, việc triển khai một công trình khiêm tốn sẽ “rất khó để ngăn chặn và gây khó khăn để quốc tế có thể thống nhất sự lên án và chỉ trích thực tế này”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông không có bất cứ thông tin về chi tiết của báo cáo này, trong khi lại xác nhận một cách vô căn cứ quyền của Trung Quốc có thể thực thi trên những đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Ông Tập Cận Bình muốn hoàn thành “bộ quy tắc ứng xử” trong 3 năm

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng đàm phán giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á về một hiệp ước không xung đột để ngăn chặn những cuộc đụng độ trên Biển Đông có thể được hoàn thành trong 3 năm và hứa hẹn mọi bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình.

Ông Tập Cận Bình đã có lời đảm bảo sau những cuộc hội đàm với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức khác trong chuyến thăm đất nước này với mục đích đẩy mạnh quan hệ với một nước mà Mỹ coi là đồng minh.

Trong chuyến thăm Philippines ông Tập Cận Bình đã đề xuất cho Manila vay tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, viện trợ và bảo vệ thương mại tự do để cạnh tranh ảnh hưởng khu vực với Mỹ. Ông Tập Cận Bình nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách xử lý những vấn đề tranh chấp và thúc đẩy hợp tác hàng hải thông qua hội đàm hữu nghị”. Ông nói rằng Trung Quốc nhắm tới hoàn thành “bộ quy tắc ứng xử” trên những vùng biển tranh chấp với các nước ASEAN trong 3 năm.

Trung Quốc – Philippines ký hết hiệp ước phát triển dầu khí

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Philippines, hai bên đã ký kết “biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí” nhưng các quan chức cung cấp rất ít chi tiết về biên bản này. Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Philippines đã cố gắng đàm phán một hiệp định cho phép cùng thăm dò dầu khí trên vùng biển đang tranh chấp và chưa đạt được sự đồng thuần.

Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi nói về hiệp định ký kết trong chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình: “Đây là sự hợp tác để tìm kiếm con đường cho ra một giải pháp”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Philippines đã cảnh báo rằng bất cứ một hiệp định nào cũng có thể gây hại cho sự công nhận của quốc tế với Philippines về đặc quyền khai thác tài nguyên và đánh bắt cá trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển nước này và là vi hiến.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila đã trở nên xấu đi vì những tranh chấp chủ quyền cho tới khi ông Duterte đắc cử tổng thống vào giữa năm 2016 và tìm cách để xây dựng lại quan hệ với Trung Quốc trong khi chỉ trích những chính sách an ninh của Mỹ. Người tiền nhiệm của ông là Benigno Aquino III đã mang những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra tòa trọng tài La Haye và đã giành được phán quyết thắng lợi nhưng Trung Quốc đã phớt lờ kết quả này.

Tàu sân bay Mỹ tới Hồng Kông sau khi đưa máy bay ném bom bay trên Biển Đông

Vài ngày sau khi đưa 2 máy bay ném bom B-52 bay trên Biển Đông, tàu sân bay Mỹ đã cập cảng Hồng Kông vào ngày 20.11. Chuyến viếng thăm của tàu hải quân Ronald Reagan và các tàu hộ tống được coi là một hành động thân thiện trước cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình. Đây là lần đầu họ đứng chung với nhau kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại khốc liệt và những căng thẳng trên Biển Đông.

Vào cuối tháng 9, tàu khu trục Trung Quốc đã suýt va chạm với tàu chiến Decatur của Mỹ tại Biển Đông mà Hải quân Mỹ gọi đây là “một cách ứng xử thiếu an toàn và không chuyên nghiệp”.  Khi được hỏi về sự cố này, ông Karl O. Thomas tư lệnh của Nhóm tàu sân bay tấn công 5 nói: “phần lớn những sự tương tác của chúng tôi trên biển đều rất chuyên nghiệp”. Ông Thomas nói với cánh phóng viên: “Đây là sự cố bất thường, hiếm có… Điều này thật không may vào tôi muốn nó sẽ không xảy ra một lần nữa”.

Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương nói rằng 2 chiếc B-52 bay trên Biển Đông vừa qua là “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”.

RELATED ARTICLES

Tin mới