Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTại sao dân Baloch lại tấn công người TQ?

Tại sao dân Baloch lại tấn công người TQ?

Người Baloch là một sắc tộc cư ngụ trong vùng Balochistan của Iran và Pakistan và các vùng lân cận của Afghanistan. Mới đây họ đã tấn công lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi.

Quân Giải phóng Baloch (BLA) tại một địa điểm nằm trên biên giới giữa Balochistan và Afghanistan.

Một trong những lý do chính để họ làm điều này là e ngại các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ ảnh hưởng tới sắc tộc của mình, theo The Diplomat.

Người Baloch là một sắc tộc cư ngụ trong vùng Balochistan của Iran và Pakistan và các vùng lân cận của Afghanistan. Mới đây họ đã tấn công lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi. Một trong những lý do chính để họ làm điều này là e ngại các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ ảnh hưởng tới sắc tộc của mình, theo TheDiplomat.

Trong nhiều năm, những mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan đã mở ra một cách tích cực. Truyền thông đại chúng 2 nước luôn ca ngợi mối liên kết hữu nghị, anh em. Nhưng dù vậy, hiện tại Trung Quốc phải lo lắng về một vấn đề tại Pakistan: an ninh. Cả các nhóm tôn giáo cực đoan và người ly khai Baloch đã giết hại các công dân Trung Quốc tại Pakistan trong quá khứ.

Sự kiện gần đây nhất diễn ra vào ngày 23.11.2018, khi 3 tay súng vũ trang hạng nặng của Quân Giải phóng Baloch (BLA) đã tấn công Lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi. 2 cảnh sát và 2 người xin visa bị thiệt mạng. Các quan chức trong lãnh sự an toàn và các tay súng Baloch bị triệt hạ.

Quay lại hồi tháng 8, một vụ đánh bom tự sát tấn công xe buýt chở 3 kỹ sư Trung Quốc tại quận Chaghi thuộc Balochistan. Trừ kẻ tấn công, không có ai bị thiệt mạng nhưng 3 kỹ sư Trung Quốc bị thương cùng với 3 vệ sĩ. BLA cũng đứng sau vụ tấn công này.

Việc người ly khai Baloch chống lại Trung Quốc tại tỉnh này không phải là điều lạ. Nhưng sự kiện hôm 23.11 đánh dấu lần đầu tiên người ly khai Baloch thực hiện một cuộc tấn công vào các quan chức Trung Quốc tại Karachi, tỉnh Sindh một địa điểm nằm ngoài Balochistan.

Rất nhiều nhà phân tích chỉ rõ rằng người Baloch ly khai muốn tạo ra sự sợ hãi giữa các quan chức Trung Quốc và về mặt nào đó họ đã thành công. Các nhà phân tích cũng lo ngại về kiểu tấn công này sẽ được tiếp tục trong tương lai.

Vụ tấn công làm dấy lên những câu hỏi về tình hình an ninh cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) tại Pakistan nói chung và tại Balochistan nói riêng.

Những người Hồi giáo cực đoan tại Pakistan cũng hạ sát những công dân Trung Quốc. Sự căm hận của họ xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước, trong vụ chính phủ Pakistan tấn công nhà thờ Đỏ Lal Masjid tại Islamabad năm 2007 – rất nhiều người tin rằng sự kiện này là do Trung Quốc gây áp lực với chính phủ Pakistan.

Gần đây hơn, chính sách mạnh tay của Trung Quốc với người Hồi giáo tại Tân Cương cũng tạo ra tâm tư bài Trung tại Pakistan. Những yếu tố này đã khiến những nhóm cực đoan hành động chống lại công dân Trung Quốc tại Pakistan.

Trong quá khứ, khi Pakistan thúc đẩy các hành động chống lại các nhóm chiến binh và tôn giáo trên khắp đất nước, những người có quốc tịch Trung Quốc bị bắt và hạ sát để đáp trả.

Vụ tấn công Lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi và các kỹ sư Trung Quốc tại Balochistan cho thấy những người ly khai Baloch đã thay đổi phương thức hành động, trở nên cực đoan hơn. Ví dụ, họ đã đi theo bước chân của những người Hồi giáo cực đoan bằng cách sử dụng cách đánh bom tự sát trong những vụ tấn công gần đây nhất.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan và Tổng tham mưu trưởng quân đội – tướng Qamar Javed Bajwa lên án vụ tấn công vào Lãnh sự quán Trung Quốc và khen ngợi lực lượng an ninh đã ngăn chặn vụ việc không xảy ra nhiều thương vong hơn.

Sau đó, truyền thông Pakistan đặc biệt là các kênh TV cáo buộc Ấn Độ đứng sau vụ tấn công. Reuters thông tin Ấn Độ nhanh chóng phủ nhận cáo buộc này. Nhưng các nhà phân tích tại Pakistan nhấn mạnh Ấn Độ ủng hộ những người ly khai Baloch tại Balochistan, nơi có chung đường biên giới với Afghanistan và Iran.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan cực lực lên án vụ tấn công, tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng phía Pakistan có khả năng đảm bảo sự an toàn của các tổ chức và cá nhân Trung Quốc tại Pakistan. Mọi nỗ lực hủy hoại mối quan hệ Trung Quốc – Pakistan sẽ thất bại”.

Những quan ngại về an ninh của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC)

Những người Baloch theo chủ nghĩa dân tộc lâu nay đã chống lại sự hiện diện và các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Balochistan. Họ e ngại về những phát triển của CPEC tại tỉnh của mình – Nhiều người Baloch sợ làn sóng đầu tư sẽ tạo nên những thay đổi về nhân khẩu học biến họ thành nhóm thiểu số ngay trong chính tỉnh của mình.

Có dự án trị giá hàng tỷ USD tại cảng Gwadar, Balochistan. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể đơn giản loại bỏ rủi ro và chuyển tới một nơi an toàn hơn. Thay vào đó, Bắc Kinh phải tìm cách để bảo vệ đầu tư CPEC tại Balochistan.

Các kỹ sư Trung Quốc đã bị giết khi làm việc trong tỉnh này trong quá khứ và những người ly khai Baloch luôn dùng mạng xã hội để đe dọa tấn công các dự án CPEC.

Rõ ràng Trung Quốc có lợi ích riêng về địa chiến lược và địa kinh tế tại Pakistan. Vì thế, Trung Quốc muốn CPEC thành công bằng mọi giá. Mặt khác, Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại về các nhóm chiến binh Baloch chống lại dự án CPEC.

Các nhà phân tích Trung Quốc khuyên chính phủ phải xây dựng phương pháp hỗ trợ các dự án tại địa phương để đảm bảo thành công.

Như ông Sử Chí Khâm và Dương Lục đã viết trên tờ báo của Trung tâm Carnegie – đại học Thanh Hoa: “Trung Quốc cần từ bỏ con đường truyền thống là chỉ đàm phán với chính phủ Pakistan. Thay vào đó phải liên hệ với cộng đồng địa phương để điều tiết cho phù hợp với lợi ích địa phương, khiến cho nhiều người Pakistan có thể hưởng lợi từ CPEC”.

Tờ Financial Times đã thông tin Trung Quốc có những cuộc hội đàm bí mật với những người Baloch ly khai để bảo vệ CPEC. Nhưng ngay sau đó tất cả các bên liên quan là Trung Quốc, Pakistan và người Baloch đều phủ nhận điều này.

Cựu tỉnh trưởng Balochistan, tiến sĩ Abdul Malik Baloch (nhiệm kỳ 2013-1015) đã được thúc đẩy đàm phán với những lãnh đạo người Baloch ly khai. Có thông tin ông đã tổ chức một loạt những cuộc gặp gỡ bí mật với ông Brahumdagh Bugti, một trong những lãnh đạo ly khai có ảnh hưởng.

Theo vài nguồn tin, ông đi cùng với cựu bộ trưởng liên bang Thượng tướng Abdul Qadir Baloch. Nhưng các cuộc đàm phán không đạt được kết quả nào.

Quan điểm của người Baloch

CPEC là con bài thay đổi cuộc chơi của những quan chức Pakistan. Nhưng liệu người Baloch có được quyền lên tiếng về quan điểm của họ? Ngay cả khi CPEC bắt đầu từ Gwadar và Balochistan, người Baloch rất khó được bàn thảo chính thức về dự án. Không có dấu hiệu gì rằng người Baloch sẽ được hưởng lợi khi có CPEC ở tỉnh của họ.

Kết quả là, rất nhiều người Baloch lo ngại vì việc họ có đồng thuận với dự án này hay không đã không được tìm hiểu khi có tuyên bố về CPEC — dù thực tế là mảnh đất của họ chính là xương sống của hành lang. Và người Baloch tự thấy trước được một làn sống người Pakistan từ bên ngoài tới và đầu tư vào Gwadar theo CPEC.

Đây là nỗi lo chung giữa những người Baloch – không chỉ riêng những người Baloch theo chủ nghĩa dân tộc, rằng những dự án liên quan tới CPEC sẽ thay đổi nhân khẩu học trong tương lai gần. Rất nhiều người tại Gwadar đã bán đất với giá rẻ cho những nhà đầu tư tới từ bên ngoài Balochistan.

Các nhà dân tộc chủ nghĩa Baloch coi xu hướng này là một sự “giành quyền kiểm soát” sẽ trở thành một thảm họa về nhân khẩu với người Baloch bởi nó sẽ thay đổi sắc tộc trong khu vực.

Các dự án CPEC đang làm leo thang xung đột giữa người Baloch và đất nước, hai lực lượng này đã không tin tưởng lẫn nhau ngay từ đầu. Pakistan đã thông báo sẽ đưa 10.000 người thuộc lực lượng an ninh để bảo vệ CPEC , còn người ly khai Baloch thì thực hiện các cuộc tấn công vào công nhân dọc theo tuyến đường hành lang kinh tế.

Pakistan có lịch sử cố gắng đạt được những mục tiêu một cách vội vàng mà không giành thời gian để có được sự thấu hiểu những vấn đề dính líu. Lịch sử này lại lặp lại tại Balochistan với CPEC. Câu hỏi đặt ra là: Liệu Pakistan (ngay cả với sự trợ giúp của Trung Quốc) có thể mang đến sự phát triển tại một tỉnh mà có sự nổi dậy liên miên?

Một điều chắc chắn là người Baloch muốn phát triển. Hiện tại, 75% dân số Baloch sống trong những khu vực thôn dã. Họ cũng muốn là một phần của sự phát triển CPEC nhưng trước đó Pakistan phải giải quyết được vấn đề chính trị của người Baloch. Chỉ khi đó sự phát triển mới có môi trường an toàn.

Người Baloch đã luôn bị đối xử với một bàn tay sắt. Nhưng hiện tại không như quá khứ, họ được giáo dục, có học thức và nhận thức được những quyền chính trị.

Bên cạnh tỉnh Balochistan, một số lượng lớn người Baloch trẻ tuổi đang học tại nhiều trường đại học khác nhau ở các tỉnh Punjab, Sindh và Khyber Pakhtunkhwa. Nhưng sau khi hoàn thành việc học, họ hầu hết đều thất nghiệp.

Đây là một cơ hội vàng cho đất nước Pakistan đưa những người Baloch trẻ vào các dự án CPEC, vừa tạo việc làm cho họ và nhận được sự đồng thuận từ dân số Baloch. Người Baloch cần bằng chứng về sự phát triển đến với CPEC là cho họ chứ không phải cho người dân bên ngoài.

Nếu Pakistan thất bại trong việc thuyết phục những người Baloch trẻ về điều này, họ sẽ phải đối đầu với cuộc chiến của những người Baloch ly khai.

RELATED ARTICLES

Tin mới