Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ nổi trận lôi đình trước lời kể rợn người về "trại...

TQ nổi trận lôi đình trước lời kể rợn người về “trại cải huấn Tân Cương”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc và đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải vừa qua đã phản ứng gay gắt trước những động thái của Mỹ liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Cảnh sát kiểm tra chứng minh nhân thân của một người trên đường phố Kashgar, khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc, ngày 24/3/2017 (Ảnh: Reuters/Thomas Peter)

Bắc Kinh sẽ trả đũa mạnh nếu bị Mỹ trừng phạt vì vấn đề Tân Cương

Hồi tuần trước, đại sứ Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn hãng Reuters, nói rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố phát triển ở khu tự trị Tân Cương đang bị phương Tây đánh giá bằng “tiêu chuẩn kép”.

“Liệu các vị có thể tưởng tượng các quan chức Mỹ lãnh đạo cuộc chiến chống lại [nhóm Nhà nước Hồi giáo IS] sẽ bị trừng phạt?” – ông Thôi nói, khẳng định Bắc Kinh sẽ trả đũa nếu Mỹ áp đặt cấm vận nước này vì vấn đề Tân Cương.

Báo cáo về các “trại cải huấn” do nhà chức trách Trung Quốc lập ra ở Tân Cương để kiểm soát tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ được đưa ra Liên hợp quốc lần đầu hồi tháng 8 vừa qua, khiến Bắc Kinh vấp phải nhiều sức ép từ chính phủ các nước phương Tây, bao gồm Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khi đó lên án các thế lực bài Hoa đã đưa ra “cáo buộc phi lý nhằm vào Trung Quốc vì mục đích chính trị”.

Các quan chức Mỹ nói rằng chính quyền tổng thống Donald Trump đang cân nhắc cấm vận nhằm vào những doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc có liên quan đến hành động của chính phủ tại Tân Cương.

Hồi giữa tháng trước, một nhóm nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ đã giới thiệu dự luật nhằm yêu cầu tổng thống Donald Trump chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, bao gồm trừng phạt các quan chức cấp cao như bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc – một ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc.

Các nhà lập pháp kêu gọi “sự điều phối đặc biệt” trong chính sách của Mỹ về vấn đề này, cũng như cân nhắc cấm xuất khẩu các công nghệ của Mỹ mà Trung Quốc có thể áp dụng trong hoạt động giám sát và giam giữ hàng loạt.

Theo ông Thôi Thiên Khải, trong khi Mỹ sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tiêu diệt khủng bố thì Trung Quốc “cố gắng giáo dục lại phần lớn bọn họ, để chuyển biến họ thành những người bình thường có thể hòa nhập lại cuộc sống bình thường”.

“Chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra. Chúng tôi sẽ làm mọi việc một cách tương xứng,” ông Thôi trả lời về mức độ trả đũa mà Bắc Kinh có thể đưa ra nếu Mỹ áp đặt cấm vận.

Bình luận của ông Thôi là phản ứng gay gắt nhất tính đến lúc này của Trung Quốc trước những đe dọa của Mỹ về Tân Cương.

Bất kỳ động thái mạnh tay nào của chính quyền Trump nhằm vào những quan chức hàng đầu của Trung Quốc như ông Trần Toàn Quốc sẽ là bất thường, đặc biệt trong bối cảnh tổng thống Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc cuộc gặp ở Argentina hồi cuối tuần, với thành quả là một thỏa thuận “đình chiến thương mại” tạm thời trong 90 ngày.

Nhà chức trách Trung Quốc lặp lại nhiều lần khẳng định những biện pháp an ninh nghiêm ngặt ở Tân Cương – như các chốt kiểm tra của cảnh sát, thu thập DNA hàng loạt, và các trung tâm cải tạo… – là cần thiết để chống lại ảnh hưởng của những nhóm cực đoan.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 13/11 nói thế giới nên phớt lờ “những tin đồn thổi” về tình hình Tân Cương và tin tưởng vào chính quyền tại đây.

Trung Quốc phản ứng về lời khai của người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ

Mihrigul Tursun, 29 tuổi, một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ đã tham dự sự kiện tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia Mỹ hôm 26/11 và ra điều trần trước Ủy ban điều hành về Trung Quốc thuộc Quốc hội Mỹ ngày 28 để trình bày về trải nghiệm của cô trong các “trại cải huấn” Tân Cương.

Lớn lên tại Trung Quốc, Tursun chuyển sang Ai Cập để học tiếng Anh và lấy chồng, có con tại đây. Năm 2015, cô trở về Trung Quốc để đoàn tụ với gia đình nhưng đã ngay lập tức bị bắt giữ. Sau khoảng ba tháng trong trại, cô bị mắc chứng cô giật và mất ý thức.

Tursun nói rằng đã bị bắt 3 lần vào các trại tập trung ở Tân Cương và chịu nhiều hình thức tra tấn về tinh thần và thể xác. 

Theo Tursun, cô bị cách ly khỏi ba người con của mình trong 10 tháng ở các trại cải huấn, trong khi cậu con trai 4 tháng tuổi đã qua đời nhưng không có lời giải thích từ chính quyền.

Bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng các cơ sở giam giữ trên thực tế phục vụ mục đích giáo dục và dạy nghề, Tursun nói có nhiều phụ nữ bị bắt “được giáo dục đầy đủ và có nghề nghiệp như giáo viên hay bác sĩ”. Cô cũng cho hay đã chứng kiến 9 phụ nữ đã bị chết vì bệnh tật và không được chăm sóc y tế.

Ngay sau khi câu chuyện của Tursun xuất hiện, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu – thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo – khẳng định trong bài xã luận hôm 27/11: “Người Trung Quốc chỉ cần xem qua là biết người phụ nữ đó đã nói dối. Chắc chắn là có ai đó đã dạy cho cô ấy nói như thế, có thể cô ấy muốn lấy được quyền cư trú tại Mỹ, hoặc được hứa hẹn trao cho lợi ích nào đó.”

Hoàn Cầu cho biết, phóng viên tờ này từng tham quan hai trung tâm giáo dục bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp ở Tân Cương và thực tế hoàn toàn không giống như những gì Tursun phát biểu tại Mỹ.

“Những cơ sở này là trường học – hỗ trợ học viên loại bỏ tư tưởng cực đoan, học tập kiến thức văn hóa, đồng thời hỗ trợ họ nắm bắt những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để tái hòa nhập với xã hội – chứ không phải là trại giam.”

Theo Hoàn Cầu, mô tả của người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ về trải nghiệm khi bị giam giữ, như hình phạt “ghế sắt tra tấn”, cho thấy “sức tưởng tượng của cô này đã tiếp thu sự dụ dỗ từ những ý kiến phê bình cấp tiến ở phương Tây”, bởi đây không phải là thực tế tồn tại trong các trại giam của Trung Quốc.

Tờ báo chỉ trích truyền thông phương Tây “ma quỷ hóa” hình ảnh Trung Quốc một cách có hệ thống, theo xu hướng cực đoan hóa. Điều này – theo Hoàn Cầu – trái ngược với nguyện vọng và nỗ lực vượt qua khác biệt về ý thức để mở cửa với thế giới bên ngoài của cả Trung Quốc lẫn phương Tây.

“Trung Quốc có gần 1.4 tỉ dân, nhiều hơn tổng dân số phương Tây. Trong quá trình hiện đại hóa phương Tây đã đi qua nhiều khó khăn, loạn lạc, trong khi Trung Quốc khoảng vài chục năm trở lại đây đã đi lên với diện mạo hòa bình. Đây là một điều hết sức khó khăn, vĩ đại. Xin hãy tôn trọng thành tựu phát triển của Trung Quốc và nguyện vọng của 1.4 tỉ dân Trung Quốc. Đừng bôi bẩn lên hành trình khám phá quản trị [đất nước] của chúng tôi,” Hoàn Cầu viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới