Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông tiếp tục là chủ đề được các nước đặc biệt...

Biển Đông tiếp tục là chủ đề được các nước đặc biệt quan tâm tại các diễn đàn song phương và đa phương

Ngày 9/11 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức vòng tại Washington (Mỹ). Cuộc đối thoại này trước đó được dự định tổ chức vào tháng 10 tại Bắc Kinh nhưng đã bị trì hoãn theo yêu cầu của Mỹ liên quan tới căng thẳng thương mại, vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Đối thoại An ninh và Ngoại giao cấp cao Mỹ – Trung lần 2 tại Washington (Mỹ) hôm 9/11. Nguồn: Reuters.

Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis dẫn đầu, trong khi phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa làm trưởng đoàn. Diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ- Trung đối mặt với hàng loạt các căng thẳng, trong đó có vấn đề thương mại, Biển Đông… Đối thoại lần này được cho là cơ hội để hai bên hạ nhiệt những căng thẳng, trước thềm cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 11 này.

Mỹ chỉ trích TQ tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông

Phát biểu trong cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo và bãi đá ở Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định nước này có chủ quyền. “Chúng tôi vẫn có lo ngại về các hoạt động và việc quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết đã có ở khu vực này”, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu sau cuộc họp. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis khẳng định Mỹ đang hành động theo luật quốc tế để bảo vệ khả năng tiếp cận tới Biển Đông cho Mỹ và các quốc gia khác.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bày tỏ mong muốn của Mỹ muốn giải quyết những căng thẳng với Trung Quốc: “Mỹ mong muốn thúc đẩy một mối quan hệ tích cực và xây dựng với Trung Quốc mang lại lợi ích cho khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương và thế giới. Chúng tôi cam kết tiếp tục tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác chiến lược mới giữa hai bên. Mỹ nhận thức được rằng, hợp tác quân sự là yếu tố chính giúp đảm bảo sự ổn định của hai quốc gia miễn là chúng ta minh bạch và đối thoại thường xuyên”.

TQ phủ nhận tự do hàng hải ở Biển Đông bị cản trở

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ủy viên Quốc vụ) ông Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc đã cam kết “không đối đầu” nhưng bao biện Bắc Kinh có quyền xây dựng “các cơ sở quốc phòng cần thiết” ở nơi mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp Dương Khiết Trì tuyên bố “phía Trung Quốc cam kết cho hòa bình và phát triển ở châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi tôn trọng lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, chúng tôi trông đợi Hoa Kỳ tôn trọng lợi ích an ninh của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương, tôn trọng chủ quyền và lợi ích phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trên các đảo và bãi đá của chúng tôi. Hầu hết chúng là các căn cứ dân sự. Mục đích là để phục vụ lợi ích của người dân Trung Quốc và cũng là để mang lại điều tốt cho những nước khác”.

“Đồng thời, điều cần thiết cho Trung Quốc là xây dựng những cơ sở an ninh nhất định đáp lại các mối đe dọa tiềm năng từ bên ngoài. Chúng tôi tin rằng không một quốc gia nào có thể lấy cớ để tiến hành quân sự hóa ở khu vực này. Thực ra, theo đuổi quân sự hóa trong khu vực không những làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước trong khu vực, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến các nước có những hành động đó. Không có chuyện tự do hàng hải và đường bay trên không bị cản trở, nên dùng tự do hàng hải và bay trên không làm lý do để theo đuổi các hành động quân sự là phi lý”, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc bao biện.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về những điều cụ thể phía Mỹ và Trung Quốc đang làm để xây dựng một cơ chế quân sự tránh xung đột, ông Dương Khiết Trì đáp “Trong phần thảo luận của chúng tôi hôm nay, phía Trung Quốc nói rõ cho phía Mỹ rằng Mỹ phải ngừng điều tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các hòn đảo và bãi đá của Trung Quốc và ngừng các hành động làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Và chúng tôi yêu cầu Mỹ đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và phát triển ở Biển Đông. Điều đó sẽ giúp giảm các nguy cơ an ninh”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng khẳng định hợp tác là lựa chọn duy nhất giữa hai bên: “Mỹ và Trung Quốc chia sẻ quan điểm cần phải thúc đẩy sự tin tưởng chiến lược, giải quyết các bất đồng, tăng cường trao đổi và hợp tác. Hai nước sẽ được lợi khi hợp tác và thiệt hại khi đối đầu. Hợp tác là lựa chọn duy nhất. Cùng tồn tại hòa bình và hợp tác sẽ tốt cho Mỹ và Trung Quốc cũng như toàn bộ thế giới, trong khi đối đầu và xung đột sẽ tạo thành thảm họa cho tất cả”.

Biển Đông sẽ tiếp tục là chủ đề trong bàn thảo của các nước

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 12/11 đưa tin tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản) tại Singapore (13-15/11), các nước sẽ thảo luận vấn đề trọng điểm là tình hình Biển Đông. Trung Quốc đang tìm kiếm việc đưa vào bộ Chuẩn tắc hành vi ở Biển Đông một điều khoản đặc biệt, nhưng yêu cầu của họ đã bị các nước ASEAN từ chối. Xung quanh Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đang thảo luận, phía Trung Quốc đã đề xuất đưa vào một điều khoản với nội dung “cấm các quốc gia ngoài khu vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông”. Điều này được coi là nhằm ngăn chặn Mỹ và một số nước khác mở rộng ảnh hưởng thông qua việc hợp tác khai thác tài nguyên. Nếu ASEAN phản đối đề án này của Trung Quốc thì việc đàm phán về bộ quy tắc có thể sẽ bị gác lại trong thời gian dài. Ngoài ra, trong đề án của mình, Trung Quốc còn yêu cầu cấm các quốc gia ngoài khu vực tiến hành hoạt động diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN. Đề xuất này lập tức bị Singapore và một số nước phản đối mạnh mẽ.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, các nước dự kiến sẽ ra Tuyên bố của Hội nghị, trong đó có nội dung phê phán hành động lấp biển tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho rằng hành động này “làm gia tăng căng thẳng, gây tổn hại hòa bình”. Trước đó, tại Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc họp hồi tháng 8/2018 tại Manila (Philippines), các nước đã đề ra bản dự thảo khung COC để ngăn ngừa xảy ra tranh chấp, xung đột. Dự kiến ngày 14/1, các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành đàm phán về bộ quy tắc ứng xử này, “thể hiện xu hướng tích cực, có tính xây dựng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới