Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngChiến tranh thương mại với Mỹ "thổi bùng" nỗi lo thất nghiệp...

Chiến tranh thương mại với Mỹ “thổi bùng” nỗi lo thất nghiệp ở TQ

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quan ngại về tình trạng thất nghiệp ở nước này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt nhưng chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.

(Ảnh minh họa: Reuters)

SCMP đưa tin, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 5/12 đã đưa ra các chính sách mới liên quan tới tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, theo văn bản đăng tải trên một trang web chính phủ, các biện pháp trên bao gồm việc hoàn trả khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các công ty không sa thải nhân viên hay ban hành các chính sách cho người thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 thay vì chỉ có chính sách cho sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm như trước đây.

Theo SCMP, chính sách trên đã được soạn thảo từ ngày 16/11, nhưng mới chỉ được công bố trong tuần này. Tuy nhiên, nó đã được chuyển xuống cho các chính quyền địa phương từ tháng trước. Các chính quyền này có 30 ngày để tự soạn thảo ra chính sách riêng của họ dựa vào chính sách chung, nhằm phù hợp cho hoàn cảnh từng nơi.

Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn ưu tiên việc ổn định thị trường việc làm hơn các mục tiêu kinh tế. Văn bản mới được công bố cho thấy mối quan ngại của chính phủ trung ương về việc liệu họ có thể chống chọi với viễn cảnh tình trạng thất nghiệp gia tăng hay không, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn đang làm giảm nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp, tập đoàn, cụ thể là từ các nhà sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi các số liệu chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức ổn định, khoảng 4,9% vào tháng 10, thì các chỉ số khác cho thấy thị trường việc làm ở Bắc Kinh đang ít nhiều bị ảnh hưởng. Điển hình như các nhà máy xuất khẩu ra nước ngoài trong vài tháng qua đã phải cắt bớt nguồn lao động do nhu cầu giảm sút.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhu cầu tuyển dụng giảm hơn một nửa so với quý 3, theo Viện nghiên cứu tình trạng thất nghiệp Trung Quốc. Thống kê trên cho thấy, số lượng việc làm đặc biệt giảm sút ở các thành phố duyên hải như Ninh Ba (Chiết Giang) hay Giang Tô (Tô Châu). Đây là những tỉnh có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế.

“Vấn đề việc làm đang đối mặt với những thách thức mới, cụ thể là từ khi căng thẳng thương mại bùng phát”, ông Zhang Yizhen, một quan chức về nguồn nhân lực và bảo hiểm xã hội, nhận định. Ông Zhang nói rằng những công ty có hoạt động làm ăn với Mỹ đều đang chịu áp lực rất lớn về vấn đề nhân sự.

Chính vì vậy, động thái của Hội đồng Nhà nước được cho là nhằm giải quyết những mối lo ngại về thất nghiệp của chính phủ. Theo đó, các công ty không đuổi việc nhân viên hoặc chỉ cho một số ít nghỉ việc có thể được hoàn lại 50% tiền bảo hiểm thất nghiệp. Các công ty đang trong điều kiện khó khăn tạm thời nhưng không tinh giảm biên chế, sẽ có mức hoàn trả cao hơn.

Các công ty Trung Quốc thường phải trích ra 2% tổng doanh thu hàng tháng để chi trả bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân cũng như vừa và nhỏ với các khoản vay tài chính.

Ngoài ra, ở một số địa phương, những bên thứ 3 môi giới việc làm cũng được chính phủ trả tiền nếu như họ giúp các công nhân tìm được công việc. Các công ty quy mô nhỏ sẽ được hưởng các khoản vay ưu đãi dựa trên số lượng lao động và nhân viên họ thuê. Chính phủ Trung Quốc cũng có ưu đãi cho những người khởi nghiệp ở vùng nông thôn, các doanh nghiệp thuê lao động đang sống dưới mức nghèo đói.

RELATED ARTICLES

Tin mới