Wednesday, November 20, 2024
Trang chủBiển nóngVề hoạt động xây dựng trái phép của TQ tại Đá Bông...

Về hoạt động xây dựng trái phép của TQ tại Đá Bông Bay

Thời gian qua, bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã cải tạo trái phép các bãi đá chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo, đồng thời đẩy mạnh quân sự hóa. Những hình ảnh mới đây nhất cho thấy Trung Quốc đã tiếp tục xây dựng một cấu trúc trái phép trên Đá Bông Bay thuộc nhóm đảo An Vĩnh, trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Các công trình trái phép do TQ xây dựng trên Đá Bông Bay. Nguồn: AMTI

Đá Bông Bay là một rạn san hô vòng thuộc nhóm đảo An Vĩnh trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chiều dài tính từ Đông sang Tây khoảng 10 hải lý (18,5 km), đa phần chìm dưới nước. Đá này nằm ở góc Đông Nam của quần đảo quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Phú Lâm thuộc khu trung tâm nhóm An Vĩnh gần 48 hải lý (89 km) về phía Nam Đông Nam và cách đảo Quang Hoà thuộc khu trung tâm nhóm Lưỡi Liềm khoảng 53 hải lý (98 km) về phía Đông Nam. Trung Quốc đã cưỡng chiếm và hiện đang kiểm soát bãi đá này.

          Về cấu trúc mới do TQ xây dựng trái phép

Theo hình ảnh và thông tin mới nhất chụp từ vệ tinh do Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) công bố cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một cấu trúc trái phép trên Đá Bông Bay. Cấu trúc xây dựng mới, có kích thước 27,5 m x 12 m, lần đầu tiên bị phát hiện trong đợt chụp ảnh vào ngày 7/7/2018 vừa qua. Hình ảnh chụp hồi tháng 4/2019 không ghi nhận cấu trúc này. Điều này cho thấy chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã xây dựng cấu trúc này. “Cấu trúc được giấu kín bên dưới mái che radar có đường kính 6 m, bên cạnh là một dãy các bản điện mặt trời trên diện tích 124 m2. Toàn bộ bố trí như trên giúp che giấu bất kỳ các cơ sở hoặc thiết bị nào ở bên dưới”, theo AMTI. Ngoài ra, AMTI cho rằng mái che radar có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Trước khi Trung Quốc tiến hành xây dựng phi pháp tại đây, Đá Bông Bay chỉ có một ngọn hải đăng cũ kỹ ở phần phía Nam.

Cùng thời gian này, theo một thông báo hôm 9/11, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Trung Quốc đã triển khai trái phép tên lửa, hệ thống gây nhiễu đến các thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện do Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp, đồng thời thúc giục nước này nhanh chóng rút các hệ thống nói trên khỏi khu vực.

Phản ứng của khu vực, quốc tế

Cộng đồng quốc tế đã chỉ trích, lên án mạnh mẽ hành động cải tạo, quân sự hoá đảo nhân tạo của Trung Quốc. Hôm 19/11 vừa qua, Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã triển khai 2 máy bay ném bom hạnh nặng B-52 đến khu vực tiếp giáp Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ luyện tập thường lệ. Không quân Mỹ nêu rõ nhiệm vụ này phù hợp với luật pháp quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hoạt động của 2 máy bay ném bom B-52 của Mỹ tại Biển Đông diễn ra khi hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis vừa kết thúc cuộc tập trận trên biển Philippines. Trong tháng 10/2018, hai máy bay ném bom B-52H Stratofortress đồn trú ở đảo Guam của Mỹ cũng đã tiến hành sứ mệnh bay diễn tập định kỳ ở khu vực Biển Đông.

Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ hôm 17/11 khẳng định hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc tại các thực thể ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của các nước khác về việc tự do di chuyển và hoạt động theo luật pháp quốc tế. Trước đó, phát biểu tại Singapore khi tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác và Diễn đàn Đông Á lần thứ 13 hôm 16/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố rằng “Biển Đông không phải của riêng ai”, ngụ ý nhắc đến việc Trung Quốc ngang ngược phản đối những chiến dịch thực hiện quyền tự do hàng hải của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Pence tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay đi qua bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Đối với các hành động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam khẳng định chủ quyền rõ ràng đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời phản đối hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam bày tỏ hết sức quan ngại và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC). “Với tư cách là quốc gia có chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, Việt Nam nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán, theo đó mọi quốc gia đều có quyền được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới