Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao ông Tập Cận Bình và tập thể quan chức TQ...

Vì sao ông Tập Cận Bình và tập thể quan chức TQ mặc đồng phục kiểu “Tôn Trung Sơn” khi thăm Tây Ban Nha?

Không chỉ ông Tập Cận Bình mà tất cả quan chức, bao gồm ông Vương Hỗ Ninh và Vương Nghị, đều đồng loạt mặc trang phục kiểu Tôn Trung Sơn tham dự quốc yến ở Tây Ban Nha.

Ông Tập Cận Bình mặc trang phục truyền thống khi dự quốc yến ở Tây Ban Nha. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đồng phục của phái đoàn Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Tây Ban Nha từ ngày 27-29/11 vừa qua.

Đáng chú ý, trong buổi tiệc tối tại cung điện hoàng gia Palacio Real de Madrid, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng phái đoàn quan chức Trung Quốc, bao gồm Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc Vương Hỗ Ninh và Ngoại trưởng Vương Nghị thay vì mặc vest lại đều xuất hiện trong bộ trang phục truyền thống, hay còn được gọi là trang phục kiểu “Tôn Trung Sơn”.

Đồng phục của ông Tập và giới chức Trung Quốc tại tiệc tối ở Tây Ban Nha đã thực sự thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới nên ngay trong buổi họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29/11, các phóng viên đã đặt câu hỏi về vấn đề này với người phát ngôn Cảnh Sảng.

“Hôm nay xem trên tivi tôi thấy, trong buổi yến tiệc đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình do phía Tây Ban Nha tổ chức, tất cả các quan chức Trung Quốc, bao gồm Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị đều mặc “lễ phục kiểu Trung Quốc” để tham dự sự kiện này. Xin hỏi đây có phải lần đầu tiên hay đã từng xảy ra sự việc này?”, một phóng viên hỏi.

“Theo tôi được biết, đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc mặc lễ phục kiểu Trung Quốc tham dự một sự kiện chính thức như dạ tiệc long trọng chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình của Quốc vương Tây Ban Nha”, ông Cảnh Sảng nói.

“Tôi đã thấy các quan chức Trung Quốc mặc lễ phục truyền thống tham dự các sự kiện nhưng đây có phải lần đầu tiên tất cả các quan chức Trung Quốc mặc như vậy?”, phóng viên hỏi thêm.

“Như vừa nãy tôi đã nói, đâu là một sự kiện chính thức, mặc lễ phục kiểu Trung Quốc là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về trang phục của sự kiện này”, ông Cảnh nói.

Theo Báo Thanh niên Bắc Kinh ngày 1/12, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Anh Mã Chấn Cương trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho biết, các hoạt động chính thức trong ngoại giao như quốc yến, lễ kỷ niệm cấp quốc gia có yêu cầu rất cao đối với trang phục.

Ông này nói: “Các nhã lãnh đạo, quan chức và các nhà ngoại giao Trung Quốc thường không mặc đồ Âu mà sẽ mặc trang phục truyền thống dân tộc trong các hoạt động có tính chất cấp cao như đã kể trên.

Trên thực tế, chúng ta [Trung Quốc] chưa xác định trang phục truyền thống chính thức [quốc phục] nên nam giới thường mặc đồ kiểu Tôn Trung Sơn, nữ giới thường mặc xường xám (yêu cầu đối với nữ giới không đặc biệt nghiêm ngặt, lịch sự là được”.

Đối với bộ lễ phục mà tất cả các quan chức Trung Quốc đều mặc trong tiệc tối tại cung điện hoàng gia Tây Ban Nha, ông Mã khẳng định:

“Đây là chuyện hết sức bình thường, giống các quốc gia theo chế độ quân chủ ở châu Âu như Tây Ban Nha có quy định cụ thể về những nghi lễ này thì các quan chức Trung Quốc theo một cách tự nhiên sẽ quyết định mặc Âu phục hay trang phục truyền thống”.

Bên cạnh đó, về vấn đề này, cựu Đại sứ Trung Quốc tại ba nước Iran-UAE-Hà Lan, ông Lê Minh cho biết, những nghi thức ngoại giao hiện nay đều được tiến hành theo thói quen của người phương Tây truyền lại từ hàng trăm năm nay, như trình quốc thư hay quy định về đội xe dẫn đường, nghi thức đón tiếp, tấu quốc ca, duyệt đội danh dự v.v… Các quốc gia khác đều học hỏi theo phương Tây”.

Trong khi đó, cựu Vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lỗ Bồi Tân tiết lộ: “Tôi làm việc ở Vụ lễ tân trong thời gian tương đối dài, chứng kiến trang phục kiểu Tôn Trung Sơn trở thành biểu tượng trang phục truyền thống Trung Quốc. Bộ trang phục này luôn được các nhà ngoại giao mang theo.

Những năm 90 thế kỷ trước, nước chủ nhà đã yêu cầu vị Đại sứ [Trung Quốc] trình quốc thư rằng, Tổng thống nước họ muốn mặc lễ phục nên mong muốn phía Trung Quốc cũng mặc quốc phục. Khi đó, vị Đại sứ quên mang bộ đồ kiểu Tôn Trung Sơn nên đã nhanh chóng gọi điện về nước yêu cầu gửi trang phục sang”.

Như vậy, trước thắc mắc khi công du, trang phục của lãnh đạo hoặc quan chức Trung Quốc có cần phải thảo luận trước giữa đội ngũ lễ tân hai nước hay không, ông Mã Chấn Cương cho hay, trên thực tế, không cần hai vụ lễ tân thương lượng trước bởi các Đại sức quán Trung Quốc đều biết trước và sẽ nhắc nhở đoàn đại biểu nước nhà mang theo trang phục kiểu Tôn Trung Sơn.

Ông Lỗ Bồi Tân cho biết thêm, Vụ lễ tân không có quy định khắt khe đối với trang phục của lãnh đạo nhưng vụ này sẽ thông báo trước về các yêu cầu, tính chất, nội dung sự kiện, sau đó nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tự quyết định về trang phục tham dự.

Ý nghĩa truyền tải

Thực tế, lần viếng thăm Tây Ban Nha không phải lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình mặc trang phục kiểu Tôn Trung Sơn.

Trước đó, có thể thấy ông mặc ở nhiều chuyến thăm cấp cao như lần tới thăm Vương Quốc Bỉ, Hà Lan năm 2014 hay thăm Vương quốc Anh năm 2015, chuyến thăm Đức năm 2017 v.v…

Theo phóng viên Tân Hoa Xã kỳ cựu Bàng Hưng Lôi, kể từ cuối thế kỷ trước, lãnh đạo Trung Quốc khi công du nước ngoài đều thường xuyên mặc trang phục kiểu Tôn Trung Sơn nhưng thời gian sau đó vì một số nhược điểm của kiểu trang phục này, các lãnh đạo hay quan chức ngoại giao Trung Quốc dần dần dời bỏ kiểu trang phục này và thay bằng Âu phục.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình nên nắm quyền, kiểu trang phục Tôn Trung Sơn đã quay trở lại với tần suất dày đặc hơn. “Trang phục truyền thống Trung Quốc xuất hiện cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Lan, Bỉ là phương pháp thành công để trang phục Tôn Trung Sơn trở nên phổ biến lần nữa”, ông này nhận định.

Xét một cách tổng thể, kiểu trang phục này vừa mang phong cách truyền thống vừa mang yếu tố hiện đại, vừa mang phong cách kín đáo Trung Quốc nhưng cũng rất cởi mở.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh Trương Di Vũ khẳng định, việc nguyên thủ Trung Quốc lựa chọn mặc trang phục truyền thống khi công du nước ngoài nhằm phản ánh sự truyền thừa độc đáo trong văn hóa Trung Quốc trước toàn thế giới.

Theo ông này, động thái này có một số mục đích: Thứ nhất, trong thời đại toàn cầu hóa, người Trung Quốc đã bắt kịp sự phát triển toàn cầu hóa, không còn bị cô lập khỏi sự phát triển toàn cầu. Thứ hai, thể hiện đặc sắc văn hóa, tự tin văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, ông Trương Di Vũ cho rằng, việc lựa chọn trang phục kiểu Tôn Trung Sơn là một cách quảng cáo, tạo ra cơ hội quảng bá quan trọng đối với thương hiệu – thiết kế của sản phẩm thời trang trong nước.

Cựu Vụ trưởng Vụ lễ tân Lỗ Bồi Tân đồng khẳng định, việc ông Tập mặc trang phục truyền thống tại các sự kiện quốc tế là để thể hiện văn hóa Trung Quốc cũng như sự tự tin của Bắc Kinh trên lĩnh vực ngoại giao.

Một số ý kiến cho rằng, bộ trang phục này nhắc nhở về “Giấc mộng Trung Hoa” do ông Tập đề xướng.

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo cũng nhấn mạnh, ý nghĩa của “Giấc mộng Trung Hoa” bao gồm sự phục hưng văn hóa Trung Quốc bởi đằng sau bộ trang phục truyền thống là nền văn hóa rất mạnh mẽ.

Tờ này viết: “Tin rằng, khi người dân Trung Quốc nhìn thấy Tổng Bí thư và phu nhân mặc trang phục truyền thống Trung Quốc xuất hiện trên trường quốc tế, sự tự tin của văn hóa Trung Quốc sẽ được kích thích, cái tình Trung Quốc trong sâu thẳm nội tâm mỗi người sẽ được đánh thức, [mọi người] sẽ tự giác kế thừa phát huy văn hoá Trung Quốc, quảng bá phong cách Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới