Ngoài ra, khi đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, PGS.TS Vũ Minh Khương đặt ra khả năng, sau Trung Quốc, có thể là Việt Nam.
Tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra vào ngày 4/12, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Dương Quốc Anh nêu ra vấn đề với các diễn giả về mất cân bằng thương mại Việt Nam-Mỹ, liệu Việt Nam có gặp phải các biện pháp phòng vệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này không như đang áp dụng với Trung Quốc?
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương (Đại học Lý Quang Diệu, Singapore), thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, cho rằng, “Mỹ sau khi giải quyết xong với Trung Quốc sẽ tìm tới Việt Nam”. Nguyên nhân là vì giá trị thương mại của Việt Nam so với Mỹ tăng trưởng rất nhanh so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, quan hệ thương mại Việt – Mỹ nặng về xuất khẩu, trong khi nhập khẩu hạn chế.
Tính riêng trong 2017, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 41,6 tỷ USD sang thị trường Mỹ, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ chỉ đạt 9,2 tỷ USD. Nhờ vậy, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017, đạt 32,4 tỷ USD. Điều này có thể khiến Việt Nam chịu tổn thương kép do thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ.
Trong khi đó, thời gian gần đây, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhanh, ông Khương đánh giá, đây là một tín hiệu đáng mừng.
“Chúng ta phải thâm nhập sâu hơn thị trường này. Đây là thị trường nhiều tiềm năng, bởi sau khi Trung Quốc tôn trọng luật chơi với thế giới, sau những cam kết với Mỹ, đây sẽ là thị trường lý tưởng của Việt Nam”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Việt Nam không chỉ kề cận với Trung Quốc về mặt địa lý, mà còn có ảnh hưởng về uy tín, chất lượng. Việt Nam cũng có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thời gian tới. Năm 2017, tỷ trọng tại 5 thị trường lớn chiếm gần 70% xuất khẩu Việt Nam.
Theo ông Khương, Việt Nam cần bỏ thời gian để nghiên cứu. Một quốc gia muốn tiến nhanh phải gắn sâu với các quốc gia phát triển và phải chơi cuộc chơi của họ. Năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển.
PGS.TS Vũ Minh Khương đánh giá, Trung Quốc là quốc gia có khả năng ứng đáp chiến lược rất tốt. Thách thức càng lớn, Trung Quốc càng mạnh lên chứ không yếu đi trong thời gian tới.
“Việt Nam phải chuẩn bị cho một Trung Quốc mạnh lên. Bởi trước những đòi hỏi từ Tổng thống Donald Trump và các quốc gia khác, Trung Quốc đang lắng nghe, tìm phương án tối ưu để phát triển bởi tham vọng phát triển của họ rất lớn. Chắc chắn Trung Quốc sẽ có ứng đáp vừa có lợi nhất cho họ, vừa làm Mỹ thỏa mãn. Trật tự thế giới sẽ tiến tới một nấc thang mới trong vài năm tới, Việt Nam phải trở thành đối tượng chói sáng trên trường quốc tế, thể hiện thông qua cải cách”, VOV dẫn lời PGS.TS Vũ Minh Khương khuyến nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2017, Mỹ thông báo Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 38,2 tỷ USD, còn con số này từ phía Việt Nam tính toán là 33,4 tỷ USD. Số liệu khác nhau là do Mỹ tính giá xuất khẩu theo giá CIF còn Việt Nam tính theo giá FOB, không tính các chi phí vận tải, các hình thức đầu tư nước ngoài, dịch vụ, nhất là giáo dục khi số lượng học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ rất lớn.
“Những năm qua, Việt Nam ít sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng của Mỹ vào Việt Nam, nhưng Mỹ đưa ra nhiều phòng vệ đối với hàng Việt Nam, nhất là đối với hàng thuỷ sản”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Mỹ và Việt Nam cần phải xác định cách tính lại quan hệ thương mại, đầu tư đầy đủ để làm rõ bản chất quan hệ hai bên hướng tới cân bằng cán cân thương mại. Thực tế, phía Mỹ cũng đồng tình với Việt Nam để làm rõ các vấn đề trên và thường xuyên có trao đổi, phối hợp hai bên, xác định trách nhiệm cân bằng thương mại là thuộc về sự chủ động của các doanh nghiệp.
Từ chuyến làm việc với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội tại Mỹ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi giữa năm 2018, phía Mỹ cũng đưa ra nhận xét tích cực về quan điểm, động thái và lưu ý tới các đề xuất của Việt Nam trên tinh thần bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp hai bên.