Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập bên lề Hội nghị G20 vừa qua tại Buenos Aires đem lại tín hiệu cho trật tự thế giới có thể sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Mỹ và Trung Quốc lần lượt là hai nền kinh tế số 1 và số 2 trên thế giới, mối quan hệ giữa hai nước về cơ bản quyết định mô hình lớn của trật tự quốc tế trong thời gian tới.
Kết quả được cho là tích cực tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ bên lề Hội nghị G20 vừa qua tại Buenos Aires, Argentina đem lại tín hiệu cho trật tự thế giới có thể sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Tín hiệu tích cực sau cuộc gặp thượng đỉnh tại G20
Ngay trước khi sang Argentina, Tổng thống Mỹ nói với báo giới rằng: “Mỹ đã tiến rất gần để thực hiện điều gì đó với Trung Quốc nhưng tôi không chắc có muốn làm nó hay không”.
Ông Gary Locke, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhận định, thông điệp này cho thấy Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho kịch bản “không có thỏa thuận nào” được đưa ra
Đồng thời, tại G20, trước lễ ký thoả thuận với Mexico và Canada, ông Trump đã nhắc lại những lo ngại của mình về bất đồng trong các lĩnh vực với Bắc Kinh như thao túng tiền tệ.
Ông cho rằng thoả thuận thương mại vừa đạt được với Mexico và Canada là “hình mẫu” chống lại tình trạng không công bằng trong thương mại.
Trước những bình luận của phía Mỹ, giới quan sát đã bày tỏ sự lo ngại về việc không thể có một “thỏa thuận đình chiến” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, kết quả cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung ngày 01/12/2018 tại G20 đã nhận được “tràng pháo tay không ngớt”.
Trong thông báo được Nhà Trắng đăng tải sau cuộc gặp vừa kết thúc giữa Tổng thống Mỹ, Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, ông Trump đã đồng ý từ ngày 1/1/2019, thuế nhập khẩu với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ tạm thời được giữ nguyên ở 10%, thay vì nâng lên 25%.
Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua “một lượng đáng kể” nông sản, nhiên liệu, sản phẩm công nghiệp và nhiều hàng hóa khác từ Mỹ để cân đối thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, con số cụ thể chưa được thống nhất. Trung Quốc cũng đồng ý bắt đầu mua nông phẩm Mỹ ngay lập tức.
Và trật tự thế giới sẽ trở lại bình thường…
Hai nước Mỹ-Trung đã ở vào tình trạng “anh đến tôi đi” nhưng hai bên đều tính toán các biện pháp để phản ứng với các cuộc chiến thương mại xuất phát từ ưu thế của mình và sự bất lợi của đối phương.
Tuy nhiên, theo rất nhiều nhận định của chuyên gia, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này sẽ không có bên nào thắng.
Nói cách khác, trong cuộc chiến thương mại này, hai bên Mỹ-Trung chắc chắn đều phải gánh chịu tổn thất.
Mặc dù chưa biết những kết quả tích cực phát đi sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập sẽ được triển khai thế nào nhưng có lẽ sự hiếu chiến của hai bên đã có phần lắng xuống và có một số nguyên nhân có thể giải thích cho việc này như sau:
Thứ nhất, đó chính là hai mặt trong tính cách của Tổng thống Donald Trump. Về cá tính, ông Donald Trump có tính hiếu thắng, tính cách này thúc đẩy ông ta có thể mạo hiểm bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng có lý trí của một doanh nhân, lý trí trong tính toán sự phát triển của sự vật, cân nhắc giữa cái được và cái mất.
Do đó, khi cuộc chiến thương mại leo thang, gây ra những tổn thất lớn cho các doanh nghiệp và người dân Mỹ, ông Donald Trump buộc phải “xuống giọng” để thay đổi chính sách.
Thứ hai, hạn chế sự cởi mở của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của tư bản Mỹ.
Hiện nay, dù tư bản Mỹ rất ủng hộ Donald Trump nhưng có rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích giữa tư bản và chính quyền.
Nếu mục tiêu của Tổng thống Donald Trump không cho phép Trung Quốc có năng lực thách thức nước Mỹ thì mục tiêu của tư bản là nhằm làm cho Trung Quốc cởi mở hơn
Tư bản Mỹ không có bất cứ lý do gì để khiến Trung Quốc đóng cửa lại, càng không muốn từ bỏ một thị trường Trung Quốc khổng lồ.
Tư bản Mỹ hiện muốn sử dụng sức mạnh quốc gia để tạo sức ép lớn từ bên ngoài đối với Trung Quốc và buộc thị trường Trung Quốc phải cởi mở hơn nữa.
Bản thân Trung Quốc không muốn tham gia cuộc chiến thương mại nhưng phản ứng của Trung Quốc đối với Mỹ cũng được cho là không quá thất thế.
Trên thực tế, khi Mỹ muốn sửa đổi hoặc thậm chí từ bỏ hệ thống thương mại quốc tế hiện có, Trung Quốc đã trở thành người bảo vệ mạnh mẽ nhất của hệ thống này.
Quan trọng hơn, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ trở nên cởi mở hơn, lấy phương thức cởi mở hơn để thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa.
Thực tế, thời gian qua, thế giới cũng đã chứng kiến nhiều sáng kiến do Trung Quốc dẫn dắt để chứng minh xu hướng này.
Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ có sự phụ thuộc thương mại nhất định.
Hiện nay, trong vấn đề Trung Quốc, tư bản phương Tây tích cực hợp tác với các lực lượng chính phủ bởi cách làm như vậy chỉ có lợi cho lợi ích của tư bản.
Nói cách khác, tư bản phương Tây sẽ dựa vào lực lượng của chính phủ để tiếp tục giành thắng lợi trên phạm vi toàn cầu.
Nói về tư bản, quá trình xây dựng lại thể chế cũng là quá trình tái khởi động và tái mở rộng. Tư bản không phân quốc tịch, không có biên giới, nó sẽ mở rộng đến mọi ngóc ngách trên thế giới.
Theo đó, có thể thấy tư bản sẽ không bao giờ từ bỏ thị trường Trung Quốc đông dân nhất thế giới.