Chỉ sơ suất một chút, các nước cũng “mắc hỡm” với Trung Quốc trong hợp tác giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Đảo Ba Bình, một trong các đảo thuộc Trường Sa, Đài Loan chiếm giữ.
Vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở Biển Đông phải nói rất phức tạp và khó khăn vì nó liên quan đến chủ quyền, lợi ích của rất nhiều bên có liên quan. Vì thế, cần xác định đây là vấn đề dài lâu, không thể nôn nóng, vội vàng mà phải giải quyết sao cho tất cả các bên có liên quan đều cảm thấy thỏa mãn, hài lòng, hợp tình, hợp lý và hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời giữ được hòa bình, ổn định và hợp tác mới là duy nhất đúng. Còn cứ nhất quyết theo cái cách áp đặt, dùng sức mạnh, “lấy thịt đè người” thì không thể giải quyết và cũng không ai chấp nhận. May là hiện nay, nhiều bên có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, trong đó có cả Trung Quốc, đã nhận thức ra rằng hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề mới là “biết mình, biết người”. Thế nên, mới có chuyện lãnh đạo Trung Quốc đang có sự chuyển biến và tịnh tiến trong quan điểm của họ về vấn đề này là từ “chủ quyền thuộc ngã, gác tranh chấp, cùng khai thác” đến “gác tranh chấp, cùng khai thác” rồi đến “hợp tác khai thác chung”, lại đến “khai thác chung” ở Biển Đông. Điều này rất đáng hoan nghênh phía Trung Quốc đã thấy ra vấn đề. Nhưng cái thấy của Trung Quốc là chưa hết, chưa đúng thực chất. Nên lại phải chỉ ra thực chất quan điểm “khai thác chung” của Trung Quốc là như thế nào.
Đầu tiên phải nói rằng, các tên gọi và khái niệm về các loại hình, cách thức giải quyết tranh chấp trên biển có rất nhiều loại khác nhau và nó không hề đồng nhất theo cách hiểu của mỗi đương sự có liên quan. Ví như ngoài những tên gọi theo kiểu của Trung Quốc như nêu ở trên, còn có “hợp tác cùng phát triển”, “hợp tác trên từng lĩnh vực biển”, “hợp tác bảo vệ tài nguyên biển”, “hợp tác đánh cá chung”… Ngay cả loại hình “hợp tác khai thác chung” hay “khai thác chung” cũng được hiểu và giải thích theo các kiểu khác nhau. Nên, những người có hiểu biết, nhất là các học giả nhất thiết không nên để xảy ra những cách hiểu lẫn lộn, lập lờ, đánh tráo khái niệm, hiểu và giải thích các loại hình trên theo ý chủ quan của đương sự có liên quan để rồi nó đem lại hệ lụy cho các bên liên quan hay cộng đồng quốc tế.
Trở lại câu chuyện “khai thác chung” ở Biển Đông do Trung Quốc đề xuất theo quan điểm của họ, cần phải hiểu chính xác là như thế này:
Một là, những gì ở Biển Đông, Trung Quốc đã xác định thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không bàn cãi, không ai được quyền tranh chấp với Trung Quốc, nhưng những gì Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với các nước thì nên “khai thác chung” hoặc “hợp tác khai thác chung”. Theo cái lý ấy, họ đòi “khai thác chung” ở những chỗ mà thực chất Trung Quốc không có tý nào chủ quyền theo công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Như họ đòi “khai thác chung” với Việt Nam ở Bãi Tư chính; “khai thác chung” với Philippines ở lô SC72 nằm trên thềm lục địa phía tây tỉnh Palawan mà trên thực tế, những khu vực này hiển nhiên thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hoặc Philippines theo luật pháp quốc tế. Họ cãi lấy được rằng “những vùng biển ấy chồng lên đường chữ U là đường chủ quyền của Trung Quốc, nên phải hợp tác giải quyết”. Thế có nghĩa là Trung Quốc đòi mọi người công nhận đường lưỡi bò do họ tự vạch ra và phải chấp nhận “khai thác chung” với họ. Trong khi họ không hề có cơ sở tin cậy nào để chứng minh đường lưỡi bò là chủ quyền hợp pháp của họ.
Hai là, Trung Quốc quan niệm, “khai thác chung” thì có nghĩa rằng ở một khu vực biển nào đó, chỉ có khai thác chứ không có chuyện quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển cái thứ mà các bên sẽ khai thác, để đến một lúc nào đó nó cạn kiệt rồi thì không có gì phải tranh chấp nữa. Vấn đề theo đó cũng được giải quyết hoặc hết giá trị để mà tranh chấp. Nếu theo cái kiểu quan niệm này thì Biển Đông không sớm thì muộn sẽ chỉ còn có mỗi nước nhạt mà thôi. Vì đến muối biển họ cũng sẽ vơ vét hết.
Ba là, nói là “khai thác chung” thì có nghĩa là anh khai thác, tôi cũng khai thác chứ không phải hợp tác với nhau thành lập ủy ban chung này nọ để cùng khai thác và vì thế, “mạnh ai nấy được”. Nếu theo cái cách mạnh ai nấy được thì dĩ nhiên Trung Quốc hơn hẳn rồi vì họ có nhân lực, vật lực hơn hẳn các nước còn lại. Hãy xem cái cách mà Trung Quốc áp dụng trong việc tôn tạo đảo, bãi ở Hoàng Sa và Trường Sa những năm gần đây. Họ lấy lý do rằng các nước trong khu vực đã tiến hành tôn tạo đảo, bãi từ trước ở Biển Đông. Trung Quốc không phản đối và nay, Trung Quốc có làm thì cũng chỉ là “cùng tôn tạo” như các nước mà thôi. Ai tính được rằng quy mô, tốc độ tôn tạo của họ “chấp cả mười nước ASEAN” cộng lại cũng thua. Vì vậy, trong một chừng mực nào đó, nếu nói “hợp tác khai thác chung” trên biển thì nghe ra còn ổn hơn vì đã là hợp tác là phải có sự thảo luận, bàn bạc để thống nhất về cách thức khai thác, tỷ lệ mỗi bên đóng góp hay được hưởng và nhất thiết phải có ủy ban chung của các bên tham gia để đề ra quy tắc, quy định về cái gì được phép và cái gì không được phép làm và giám sát.
Đấy là quan điểm “khai thác chung” của Trung Quốc. Trong khi đó có một số nước, trong đó có Việt Nam thì đưa ra quan điểm là giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, những gì giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự có tranh chấp, chồng lấn trên biển thì Việt Nam giải quyết với Trung Quốc, nhưng những gì liên quan đến nhiều bên khác phải do nhiều bên hợp tác giải quyết. Việt Nam mong muốn “hợp tác cùng phát triển” với các bên liên quan ở Biển Đông. “Hợp tác cùng phát triển” có nghĩa là các bên phải phối hợp, hợp tác với nhau trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn, khai thác và phát triển bất cứ nguồn lợi, nguồn tài nguyên nào ở Biển Đông. “Hợp tác cùng phát triển” có nghĩa là các bên cùng tham gia có trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau, không bên nào hơn bên nào. Đó mới là công bằng, nhân văn, đó mới là nghĩ đến con cháu và tính đến lợi ích của nhân loại.
Ngoài ra, cũng cần phải nói đến một án lệ tranh chấp chủ quyền biển được giải quyết theo cách “khai thác chung” hi hữu là vụ tranh chấp chủ quyền một vùng biển ở Trung Đông giữa Arab Saudi với quốc gia láng giềng là Sudan năm 1974 mà quốc gia láng giềng này lại chấp nhận cho Arab Saudi được một mình đầu tư khai thác dầu khí trên vùng biển đó. Đổi lại, Arab Saudi phải trích lại một tỷ lệ lợi nhuận nhất định thu được hàng năm từ khai thác dầu khí trên vùng biển đó để trả cho Sudan. Cái kiểu “khai thác chung” này thực chất phải được xem là một cách “bán chủ quyền quốc gia” để thu lợi ích. Nếu cách làm này được coi là thông lệ quốc tế thì chắc chắn Trung Quốc sẽ là người đi đầu thực hiện.
Hiểu chính xác khái niệm và ý nghĩa của quan điểm “khai thác chung” của Trung Quốc như vậy để rất mong rằng, trong các văn bản hành chính nhà nước, trong các phát biểu hay bài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trong các cuộc giao tiếp, làm việc giữa các nước, các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, không ai có sự “vô tình” hay “hữu ý” mà xếp “khai thác chung” với “hợp tác khai thác chung” hay “hợp tác cùng phát triển” là ngang nhau và chung một giải pháp. Càng không thể thể hiện trên văn bản rằng “khai thác chung/hợp tác cùng khai thác/hợp tác cùng phát triển” hay “khai thác chung – hợp tác cùng khai thác – hợp tác cùng phát triển” là giống nhau để rồi nhìn nhận “khai thác chung” theo cách hiểu và quan niệm của Trung Quốc như là “giải pháp thiện chí”. Vì chỉ sơ suất một chút như thế thôi, các nước cũng “mắc hỡm” với Trung Quốc trong hợp tác giải quyết tranh chấp rồi, bởi ngay đến các quy định của UNCLOS 1982 thế nào, Trung Quốc cũng còn tìm cách giải thích theo quan điểm và cách hiểu của họ, dẫn đến lập trường các bên cứ xa nhau.